“Đôi cánh” của bom FAB-500M-62 giúp phi công Nga né hệ thống phòng không Ukraine
VOV.VN - Giữa bối cảnh phương Tây không ngừng cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine, bom FAB-500M-62 trang bị bộ chỉ dẫn trên không có vai trò cần thiết với Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
“Đôi cánh” của bom FAB-500M-62
Theo một số bài báo, quân đội Nga dường như đã bắt đầu triển khai bom FAB-500M-62 trang bị bộ chỉ dẫn trên không Modul Planirovaniya I Korrektsi (MPK) hay "module lượn và điều chỉnh" - đối thủ của Bom tấn công trực diện phối hợp (Joint Direct Attack Munition - JDAM) Mỹ cung cấp cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa xác nhận về thông tin này. Tuy nhiên, một số hãng truyền thông Nga đưa tin, các loại bom không dẫn đường được trang bị bộ dẫn đường trên đã bắt đầu được sử dụng ở khu vực Avdeevka thuộc Donetsk.
Ngoài ra, trang quân sự Military Review cũng chia sẻ hình ảnh bom FAB-500 chưa phát nổ trên một con đường thuộc quận Kuibyshevsky của tỉnh Donetsk. Trang này cho biết, điều đáng nói là cách quả bom chỉ 500 mét là một vật dường như là bộ chỉ dẫn trên không.
"Rõ ràng có thể trông thấy phần cánh trong những bức ảnh chụp các mảnh vỡ của thiết bị này", Military Review cho hay.
Hồi đầu tháng 1, hình ảnh được chia sẻ trên Telegram cho thấy một vật dường như là FAB-500M-62 với bộ cánh bí ẩn được gắn vào, đã được lắp đặt trên máy bay chiến đấu Su-34 Fullback của Nga.
Cùng lúc đó, dư luận bắt đầu đặt lên bàn cân so sánh vũ khí trong hình ảnh trên với dòng bom dẫn đường chính xác JDAM do Mỹ sản xuất.
Những bài báo về việc Nga sử dụng bom FAB-500M-62 được trang bị bộ chỉ dẫn trên không bắt đầu xuất hiện không lâu sau khi quân đội Ukraine sử dụng JDAM do Mỹ cung cấp để nhắm vào các vị trí của Nga ở Bakhmut.
Chuyên gia quân sự - chính trị, đồng thời là cố vấn của Lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng - ông Yan Gagin nói với Tass ngày 10/3 rằng quân đội Ukraine đã thả một quả bom JDAM vào khu vực Kurdyumovka gần Bakhmut. Ngoài ra, một hãng truyền thông Ukraine cũng chia sẻ video cho thấy một vụ nổ do bom JDAM gây ra.
Loại bom JDAM tiêu chuẩn dựa vào sự kết hợp giữa hệ thống định vị quán tính (INS) và thiết bị dẫn đường bằng GPS, cùng với một máy lái tự động để điều khiển hướng bay của bom. Một thiết bị JDAM hoàn chỉnh bao gồm phần đuôi mới có hệ thống dẫn đường quán tính với GPS hỗ trợ và các đường ván dọc thân bom cung cấp khả năng lượn hạn chế vào các mục tiêu được chỉ định.
Tùy thuộc vào độ cao, JDAM có thể nhắm trúng các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 24km và JDAM-ER được trang bị thêm cánh có thể mở rộng khoảng cách lên tới 72km.
Dựa trên hình ảnh về FAB-500M-62 đã được điều chỉnh, bộ cánh của của nó dường như bao gồm 2 cánh chính có thể tháo rời và một cặp thiết bị giữ ổn định lắp vào một tấm kim loại dài gắn với quả bom. Bộ cánh này dường như mới được chế tạo thô sơ, cho thấy thiết kế tập trung vào quá trình sản xuất nhanh chóng và chi phí thấp.
Công ty GNPP Bazalt được biết tới là đơn vị phát triển cánh cho một số loại bom không dẫn đường, trong đó có FAB-500M-62. Bộ cánh này được gọi là Modul Planirovaniya I Korrektsi (MPK) hay "module lượn và điều chỉnh". Theo chuyên gia quân sự Nga Piotr Butowski, bom FAB-500 M-62 được giữ ổn định bằng khí động lực học mà không cần thiết bị điều khiển. Mục tiêu là đạt được tầm hoạt động từ 6 - 7km khi thả từ độ cao thấp.
Ông cho biết vấn đề nghiêm trọng nhất với module MPK là trái với bom dẫn đường của Mỹ, các loại bom công dụng chung của Nga thường là bom được hàn lại liền khối.
"Vì thế hoàn toàn không thể tách phần đuôi và thay thế nó bằng một thiết bị dẫn đường như Mỹ đang làm với JDAM", ông Butowski nói.
Liệu bộ cánh trong hình ảnh được công bố có liên quan gì đến sự phát triển MPK hay không hiện vẫn chưa rõ.
Đối thủ của JDAM-ER Mỹ cung cấp cho Ukraine?
Đầu tháng này, Tướng James Hecker - Chỉ huy Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi tiết lộ Mỹ đã cung cấp cho Ukraine bom JDAM-ER. Ông Hecker nhấn mạnh Ukraine hiện chỉ sở hữu số lượng JDAM-ER hạn chế "đủ để thực hiện một số cuộc tấn công".
Theo các nhà phân tích quân sự Mỹ, thậm chí một số lượng nhỏ JDAM-ER cũng có thể gây ra những thách thức chưa từng có cho các lực lượng của Nga bởi với vũ khí phóng và quên (fire and forget weapon - vũ khí điều khiển chính xác (tên lửa, bom, đạn pháo...) có khả năng tự tìm đến mục tiêu đã định mà không cần bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài - ND), phi công Ukraine có thể quay về ngay lập tức sau khi thả bom, duy trì một khoảng cách nhất định với hệ thống phòng không của đối phương. Ngoài ra, INS được trang bị trên hệ thống dẫn đường đồng nghĩa với việc loại bom này có thể đạt được độ chính xác đáng kể, thậm chí cả khi tín hiệu GPS bị nhiễu hoặc mất. Phần cánh của JDAM-ER còn có thể mở rộng tầm hoạt động của vũ khí này và tăng khả năng sống sóng của máy bay triển khai nó.
Quan trọng hơn, JDAM-ER có thể giúp Không quân Ukraine tấn công từ xa các mục tiêu quy mô lớn của Nga như cầu đường hoặc các công sự kiên cố. Việc sử dụng vũ khí này có ý nghĩa rất quan trọng với Ukraine bởi các cuộc tiến công của Nga ở sườn phía Bắc và phía Nam Bakhmut đang khiến các tuyến hậu cần của Ukraine vào thành phố dễ bị nhắm vào. Các quan chức quân sự Ukraine cho biết, nếu Nga giành được Bakhmut, Moscow có thể nhanh chóng mở rộng các chiến dịch sang những khu vực khác ở phía Đông Ukraine.
Về "đôi cánh" được trang bị cho bom FAB-500M-62 của Nga, hiện chưa rõ liệu chúng có thể dẫn đường hay không nhưng kể cả khi loại bom này không được dẫn đường, thiết bị trên vẫn có thể giúp máy bay chiến đấu Nga ném bom từ khoảng cách xa với chi phí tương đối thấp. Điều này cho phép các phi công Nga ở ngoài tầm hoạt động của hệ thống phòng không của Ukraine.
Không quân Nga và Ukraine đã tổn thất một số máy bay chiến đấu trước các tên lửa đất đối không và hệ thống phòng không vác vai (MANPADS). Giữa bối cảnh phương Tây không ngừng cung cấp vũ khí phòng không cho Ukraine, loại bom được điều chỉnh trên có vai trò cần thiết với Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Về mặt vận hành, vũ khí này có thể phát huy hiệu quả lớn nhất khi được thả ở độ cao lớn để phát huy khả năng lượn tốt nhất có thể. Điều này có thể giúp các phi công Nga triển khai bom cách mục tiêu hàng chục km, làm tăng khả năng sống sót - điều khó có thể thực hiện trước đó nếu không có đạn chính xác từ xa.
Việc Nga sử dụng vũ khí trên có thể nhằm vào các mục tiêu như hào chiến của Ukraine, mạng lưới công sự và các khu vực tập trung số lượng lớn binh lính Ukraine./.