Dự án tiêm kích KF-X của Hàn Quốc đang phải đối đầu với vấn đề gì?
VOV.VN - Đòi hỏi cao, nội bộ không thống nhất, kinh phí phát sinh… chương trình KF-X đầy tham vọng của Hàn Quốc liệu có được như kỳ vọng?
KF-X - Dự án đầy tham vọng
KF-X (Korean Fighter eXperimental) là chương trình phát triển máy bay chiến đấu của Hàn Quốc với mục tiêu sản xuất máy bay chiến đấu đa năng tiên tiến cho lực lượng không quân nước này, được công bố bởi Tổng thống Kim Dae- jung tại Lễ Tốt nghiệp của Học viện Không quân Hàn Quốc vào tháng 3/2001. Các yêu cầu về nghiên cứu và phát triển (R&D) được Bộ Tham mưu Liên quân xác định vào năm 2002. Đây là là chương trình phát triển máy bay chiến đấu nội địa thứ hai của Hàn Quốc, sau FA-50.
KF-X sẽ là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 một (và hai) chỗ ngồi, 2 động cơ như F-16, với hiệu suất khí động học được cải thiện, một số tính năng tàng hình mới và radar AESA sản xuất trong nước. KF-X được cho là có tốc độ tối đa xấp xỉ Mach 1,83 và có tầm hoạt động khoảng 1.800 dặm, có ba điểm cứng dưới mỗi cánh để gắn vũ khí và/hoặc thùng nhiên liệu bên ngoài, có thể mang tải trọng lên tới 7.700kg, có khả năng mang 4 tên lửa dưới thân máy bay.
Chiếc KF-X đầu tiên dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2021. Việc sản xuất hàng loạt dự kiến bắt đầu vào năm 2028, với 120 chiếc được đưa vào sử dụng năm 2032. Lô đầu tiên các KF-X sẽ được xuất xưởng với vũ khí gắn bên ngoài, nhưng các bản sửa đổi sau đó sẽ bổ sung thêm khoang chứa vũ khí bên trong cho tên lửa đất đối không tầm xa, do nhà sản xuất LIG Nex1 (Hàn Quốc) phát triển. Nếu tất cả diễn ra theo đúng thời gian biểu của Seoul, KF-X sẽ loại bỏ dần đội máy bay chiến đấu F-5E và F-4 Phantom II đã già cỗi của Không quân Hàn Quốc (ROKAF), cũng như một số mẫu F-16 trong những thập kỷ tới.
Việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất lô KF-X ban đầu đã tiêu tốn của Hàn Quốc khoảng 7 tỷ USD kể từ khi bắt đầu dự án. 16 tỷ USD khác sẽ được yêu cầu để sản xuất các chiếc KF-X sắp tới, khiến chi phí cho mỗi mẫu vào khoảng 130 triệu USD. Dự án KF-X là gánh nặng tài chính và hậu cần lớn đối với lĩnh vực quốc phòng non trẻ của Hàn Quốc, đặc biệt là do Seoul đã lựa chọn sản xuất trong nước các thành phần đắt tiền như radar AESA mà có thể nhập khẩu với giá cạnh tranh hơn.
Mâu thuẫn giữa các cổ đông
Năm 2010, Indonesia thông qua Indonesia Aerospace thuộc sở hữu nhà nước, tham gia chương trình KF-X, đóng góp 20% (gần 1,5 tỷ USD) kinh phí và sẽ mua 50 trong số khoảng 150-200 máy bay dự kiến được sản xuất. Chương trình KF-X còn được gọi là Boramae (tiếng Hàn có nghĩa là "diều hâu"), và ở Indonesia đôi khi được gọi là IF-X hay IFX. Theo tờ Jakarta Globe, chiếc máy bay hoàn thiện sẽ nhận được định danh F-33. 80% cổ phần còn lại do các đối tác tư nhân trong đó có cả nhà sản xuất Korean Aerospace Industries (KAI) nắm giữ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xem xét tham gia với 20% cổ phần, nhưng muốn kiểm soát nhiều hơn so với mức mà Hàn Quốc đã đề nghị (Chính phủ Hàn Quốc cam kết đóng 60% chi phí).
Dự án KF-X được cho là cực kỳ tham vọng, Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA, một cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng) nghi ngờ khả năng hoàn thành dự án phức tạp này. Giai đoạn phát triển có nhiều lần bị trì hoãn và chi phí của nó đã được tranh luận. Tuy nhiên, Indonesia đã chậm thanh toán khoảng 420 triệu USD vào tháng 8/2020. Jakarta đang tìm cách đàm phán lại các điều khoản của hợp đồng, trong đó quy định 20% cổ phần đầu tư để đổi lấy một mô hình nguyên mẫu và kinh nghiệm kỹ thuật của Hàn Quốc, mặc dù các cuộc đàm phán dường như đã dừng lại.
Chi tiết cụ thể các cuộc đàm phán vẫn được giữ kín, nhưng lập trường của Indonesia xoay quanh hai bất bình chính - bất đồng liên tục về các điều khoản cấp phép xuất khẩu và cáo buộc rằng các kỹ sư Indonesia đang bị từ chối tiếp cận kỹ thuật đối với các phần quan trọng của dự án. Điều này có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều, chỉ ra sự khác biệt sâu sắc giữa Indonesia và Hàn Quốc về các quyền sở hữu cơ bản.
Vẫn còn phải xem liệu thâm hụt đầu tư bất ngờ này có khiến Seoul phải điều chỉnh lại mục tiêu sản xuất 120 chiếc trong thập kỷ tới hay không. Hàn Quốc rất có thể sẵn sàng chấp nhận những tổn thất này, vì chương trình KF-X không bao giờ nhằm mục đích đảm bảo lợi nhuận đầu tư ngay lập tức - nếu tiết kiệm tiền là ưu tiên hàng đầu, thì Hàn Quốc có thể chỉ cần nhập khẩu một máy bay chiến đấu được trang bị tương tự rẻ hơn nhiều.
Thay vào đó, mục tiêu cơ bản của Seoul với máy bay chiến đấu sản xuất trong nước đầu tiên là tạo nền tảng lâu dài cho việc kinh doanh xuất khẩu máy bay chiến đấu có lãi. Sự rút lui tiềm năng của Indonesia với tư cách là đối tác đầu tư sẽ cản trở, nhưng không vô hiệu hóa nỗ lực không mệt mỏi của Hàn Quốc để trở thành nhà xuất khẩu quân sự lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Máy bay tàng hình KF-X có thể đắt hơn F-35
Hồi tháng 6, Hàn Quốc tuyên bố sẽ mua 40 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A Lightning II ngoài 13 máy bay F-35A mà nước này nhận được vào năm 2019. Theo kế hoạch mới được công bố cho giai đoạn 2021-2025, quốc gia châu Á này sẽ đóng một tàu sân bay để cạnh tranh với các đối thủ chính trong khu vực bao như Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng không rõ liệu Seoul có mua phiên bản F-35B hạ cánh thẳng đứng do Lockheed Martin sản xuất hay không.
Một kịch bản có khả năng xảy ra hơn là tàu sân bay tương lai của Hàn Quốc sẽ hoạt động với các máy bay phản lực đa năng KF-X được chế tạo trong nước, dự kiến sẽ bay vào năm 2022. KF-X được xác định là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 - vì vậy có thể là một bước lùi đối với Hàn Quốc khi chọn máy bay phản lực này thay thế F-35B cho chiếc tàu sân bay sẽ ra mắt.
Mặc dù đây được kỳ vọng là một chiếc máy bay ấn tượng - ngay cả khi nó không phải là một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm thực sự - nhưng một điểm mấu chốt có thể là chi phí. Tờ Eurasian Times đưa tin, một số chuyên gia hàng không cho rằng chi phí của máy bay KF-X do KAI chế tạo sẽ vượt qua F-35 Lightning II của Lockheed Martin. Vào thời điểm bắt đầu sản xuất 120 chiếc máy bay phản lực mới mà ROKAF mong muốn, có thể bắt đầu vào năm 2026, Seoul có thể chứng kiến hóa đơn tăng thêm 10 nghìn tỷ won.
Một bài báo trên trang Forbes.com nhận định rằng, mỗi chiếc KF-X có thể có giá khoảng 130 triệu USD, cao hơn đáng kể so với chi phí F-35 do Mỹ chế tạo vào năm 2019. Về phía mình, Lockheed Martin đã thực hiện một công việc hợp lý trong việc giảm giá thành của F-35 - đặc biệt là bằng cách thu hút khách hàng nước ngoài và F-35 vẫn là máy bay chiến đấu tàng hình duy nhất có được những khách hàng khó tính.
Không rõ liệu KF-X của Seoul có thể nhận được sự quan tâm tương tự từ người mua trên khắp thế giới hay không. Trong trường hợp Hàn Quốc cần hàng trăm máy bay chiến đấu để thay thế phi đội máy bay McDonnell Douglas F-4D/E Phantom II và Northrop F-5E/F Tiger II đã già cỗi của họ, thì KF-X có thể sẽ là lựa chọn đắt tiền nhất./.