Hé lộ loại bom lượn Mỹ sắp trang bị cho Ukraine đủ sức làm tê liệt cả sân bay
VOV.VN - Mỹ đang chuẩn bị trang bị cho Ukraine một loại bom lượn mới cực kỳ nguy hiểm, có thể tấn công và làm tê liệt toàn bộ sân bay của đối phương.
Mỹ vừa công bố gói viện trợ mới trị giá 375 triệu USD cho Ukraine. Gói này bao gồm vũ khí không đối đất, đạn dược cho hệ thống tên lửa, xe bọc thép và vũ khí chống tăng, trong đó có cả bom lượn AGM-154 JSOW để trang bị cho các máy bay chiến đấu F-16. Đây là lần đầu tiên Mỹ cung cấp loại bom lượn này cho Kiev.
Eurasia Times dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết, loại bom lượn AGM-154 mà nước này sắp trang bị cho Ukraine là phiên bản sử dụng đầu đạn chùm. Tuy vậy, quyết định cung cấp JSOW không phải là lời đáp cho yêu cầu của Tổng thống Zelensky muốn phương Tây cung cấp thêm vũ khí tầm xa hoặc trao quyền cho Ukraine sử dụng chúng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Bên cạnh đó, việc sử dụng JSOW cũng phụ thuộc vào khả năng của lực lượng Ukraine trong việc điều máy bay chiến đấu bay gần biên giới hơn. Hiệu quả của JSOW có thể bị hạn chế do Nga có nhiều hệ thống phòng không tiên tiến.
Sức mạnh của bom AGM-154
AGM-154 JSOW là vũ khí dẫn đường chính xác cao, được trang bị cánh và có bề mặt khí động học để hiệu chỉnh và mở rộng tầm bay. Loại bom này do không quân và hải quân Mỹ phối hợp phát triển, để chuẩn hóa tiêu chuẩn các loại vũ khí dẫn đường chính xác tầm trung, tấn công mục tiêu ngoài tầm tác chiến phòng không của đối phương, do đó tăng cường khả năng sống sót của máy bay. Mặc dù mang kiểu dáng của một quả tên lửa hành trình nhưng AGM-154 được xếp vào dạng bom lượn - vũ khí nổ phá không cần động cơ, nó được thiết kế với đặc điểm bề mặt khí động học để thay đổi đường bay so với đường đạn đạo.
Mỹ bắt đầu thử nghiệm bom JSOW vào năm 1995 và chính thức đưa vào sử dụng năm 1999. Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia như Australia, Phần Lan, Hy Lạp, Ba Lan, Singapore và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sử dụng loại bom này. Loại bom lượn này có thể mang phóng trên các máy bay tiêm kích F/A-18, F-16, F-15, F-35 và máy bay ném bom chiến lược B-1B, B-2, B-52H.
AGM-154 có chiều dài 4,06m, đường kính thân 33cm, sải cánh 2,7m, trọng lượng từ 483 đến 681kg tùy theo loại đầu đạn mang theo. Nó có thể mang nhiều kiểu đầu đạn khác nhau gồm: đầu đạn BLU-97/B chứa 145 quả bom con, đầu đạn BLU-108/B chứa 6 bom con hoặc đầu đạn BLU-111/B. AGM-154 cũng có thể trang bị một đầu đạn đa tầng BROACH thích hợp để xuyên phá mục tiêu kiên cố như xe tăng, thiết giáp, công sự phòng ngự.
AGM-154 JSOW được dẫn đường bằng hệ thống quán tính INS kết hợp hệ thống định vị toàn cầu GPS, có khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Vũ khí này nếu được phóng ở tầm cao có thể đạt tầm bắn lên tới 130km, còn phóng ở tầm thấp thì đạt cự ly chỉ 22km. AGM-154 đạt được tầm bắn 130 km khi thả từ độ cao 8 km, ở tốc độ 960 km/h.
AGM-154 có nhiều phiên bản khác nhau. AGM-154A là thiết kế cơ bản, sử dụng đầu đạn BLU-97. Nó được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu cố định không được bảo vệ hoặc được bọc thép nhẹ, chẳng hạn như xe tải, xe bọc thép chở quân và máy bay đỗ trên sân bay.
AGM-154B có sử dụng đầu đạn chùm BLU-108/B với 6 đầu đạn con, mỗi đầu đạn phóng ra bốn quả đạn. Nó sử dụng cảm biến hồng ngoại để phát hiện mục tiêu. Khi đầu đạn con tiếp cận mục tiêu, nó sẽ phát nổ và tạo thành một luồng xuyên chọc thủng vỏ thép xe tăng, thiết giáp.
AGM-154C sử dụng hệ thống dẫn đường tự động hồng ngoại và mang theo đầu đạn nặng 225 kg. Nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu cố định và đã được Hải quân Mỹ đưa vào sử dụng từ năm 2005.
Máy bay F-16 có thể mang theo tối đa bốn quả bom JSOW. Quá trình chuẩn bị và tích hợp vũ khí cần phải được hoàn tất trước khi máy bay cất cánh. Chuyên gia hàng không Valerii Romanenko cho rằng, bom AGM-154 là đối thủ đáng gờm của bom lượn FAB mà Nga sử dụng.
“Nga sở hữu số lượng lớn các loại bom KAB khác nhau. JSOW là bom hành trình thông minh hơn so với bom lượn của Nga. Tuy nhiên, chúng cũng phức tạp hơn và có giá thành rất đắt, lên tới 500.000 USD mỗi quả. So với bom thông minh JDAM-ER đã được không quân Ukraine sử dụng, chúng có tầm bắn ngắn hơn nhưng đắt hơn gấp 10 lần. Việc mua các loại bom đạn như vậy để chiến đấu là điều không mấy khả thi", ông Valerii Romanenko lưu ý.
Vì sao Mỹ chuyển giao bom JSOW cho Ukraine?
Các nhà phân tích của trang tin Defense Express cho rằng việc Mỹ chuyển giao AGM-154 JSOW cho Ukraine là một quyết định kỳ lạ, dù chúng có thể được tích hợp cho F-16. AGM-154 chỉ đạt tầm bắn tối đa khi được phóng ở độ cao lớn, nhưng không quân Ukraine bị hạn chế về mặt này do mối đe dọa từ máy bay của Nga và mật độ dày đặc của các hệ thống phòng không tầm xa mà Moscow triển khai. Vì thế, tầm bắn của AGM-154 có thể bị giới hạn ở mức 22 km.
Về mặt lý thuyết, JSOW có khả năng được chuyển đổi thành tên lửa hành trình. Vào giữa những năm 2000, Mỹ đã bắt đầu quá trình phát triển phiên bản JSOW-ER mới, với việc lắp đặt thêm động cơ tên lửa đẩy phụ trợ, có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 500 km. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa được hoàn thiện.
"Mỹ vẫn đang tiến hành phát triển phiên bản này. Không rõ nó có được thử nghiệm ở Ukraine hay không. Nhưng có một thực tế là AGM-154 vẫn chưa đạt tới tầm bắn 500 hoặc 1.000 km", chuyên gia hàng không Anatolii Khrapchynskyi lưu ý.
Nhà phân tích Romanenko cho rằng, dù có những hạn chế kể trên, nhưng AGM-154 vẫn có rất nhiều ưu điểm.
"Trước hết, chúng có khả năng chống chịu tốt hơn với các biện pháp gây nhiễu bằng phương tiện tác chiến điện tử. Thứ hai, chúng có thể có đầu đạn chùm, bao gồm các loại đạn kết hợp hiệu ứng xuyên phá và phân mảnh. Nếu một vũ khí như vậy tấn công một sân bay, các máy bay tại sân bay đó sẽ bị hư hỏng hoàn toàn. Đầu đạn có thể tạo ra luồng xuyên phá xuyên thủng toàn bộ máy bay. Nếu nó bắn trúng thùng nhiên liệu trên cánh, máy bay sẽ bốc cháy", ông Romanenko nhấn mạnh.
RBC-Ukraine dẫn một số nguồn tin cho rằng, trong điều kiện chiến đấu hiện tại, AGM-154 JSOW không thực sự hữu ích đối với Ukraine. Lực lượng Ukraine sẽ rất khó ngăn chặn các vụ phóng bom lượn KAB của Nga ngay cả khi họ sở hữu JSOW. Nguyên nhân chủ yếu là họ không được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga. Ngay cả khi có thể tấn công ở khoảng cách 130 km, họ cũng không thể tiếp cận các sân bay chính.
"Các binh sỹ Ukraine có thể hoạt động dọc theo tuyến đầu. Nhưng liệu chúng tôi có thể phóng hàng nghìn quả mỗi tháng như Nga không? Không, vì không ai cung cấp cho chúng tôi nhiều như vậy. Có rất nhiều câu hỏi liên quan đến những quả bom không đối đất này. Nhưng nếu được bật “đèn xanh” cho các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa vào lãnh thổ Nga, chúng tôi có thể mở rộng năng lực của mình", nhà phân tích Khrapchynskyi lưu ý.
Theo giới phân tích, bom JSOW khó có thể giúp Ukraine thực hiện các nhiệm vụ chiến lược. "Vũ khí này có thể hạn chế bước tiến của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, nó không thể ảnh hưởng đến các vấn đề chiến lược liên quan đến những cuộc tấn công vào các mục tiêu ở Nga. Trên thực tế, Ukraine vẫn cần khả năng tấn công tầm xa hơn nhiều", ông Khrapchynskyi nhận định.