Hệ thống phòng không mới giúp bảo vệ bộ binh Nga trước UAV phiến quân
VOV.VN - Các tên lửa phòng không Gibka-S mới sẽ bảo vệ bộ binh quân đội Nga trước vũ khí của phiến quân Trung Đông - UAV (phi cơ không người lái) mang bom.
Đầu năm 2020, quân đội Nga thử nghiệm thành công hệ thống phòng không mới Gibka-S dùng cho lực lượng lục quân.
Về thực chất, thiết bị này là sự tích hợp hệ thống phòng không vác vai, mà bộ binh sử dụng trong tác chiến, với một xe thiết giáp Tiger.
(Ảnh: Vitalykuzmin) |
Gibka hoạt động thế nào?
Mọt trung đội Gibka-S gồm 6 xe chiến đấu trên đó gắn các bệ phóng tên lửa, công thêm các xe trinh sát và kiểm soát vũ khí được đặt trong nhóm chỉ huy.
Gibka-S phát hiện kẻ địch trên không ở tốc độ 700m/giây trong bán kính lên tới 40km và độ cao tới 10km. Có được điều này là nhờ vào hệ thống phức hợp quang điện tử Garmon được tích hợp vào “bộ não” của hệ thống. Máy này dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép nó độc lập phân biệt các mục tiêu và những thứ không phải là mục tiêu, khóa mục tiêu, và đợi đến khi con người ra lệnh tiêu diệt mục tiêu.
Gibka-S cũng có thể nhận tọa độ mục tiêu từ các radar và trung tâm mạnh hơn và truyền lại toàn bộ tình hình chiến thuật trên mặt đất cho người điều khiển.
Hệ thống này sử dụng vũ khí gì?
Có tới 4 bệ phóng tên lửa Igla và Verba được gắn trên mỗi xe thiết giáp. Các hệ thống này được thiết kế để bắn hạ máy bay, trực thăng, và phi cơ không người lái ở độ cao thấp.
(Ảnh: Vitalykuzmin) |
Victor Murakhovsky, Tổng biên tập của tạp chí Kho vũ khí Tổ quốc, nói với Russia Beyond: “Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của hệ thống Gibka-S có Igla và Verba MPADS sẽ là chống lại các vũ khí mới của các chiến binh ở Trung Đông, bao gồm số lượng lớn các phi cơ không người lái (UAV) trang bị bom lượn.
Tại sao lại cần đến Gibka-S?
Theo ngôn từ của Murakhovsky, phi cơ không người lái trong thế kỷ 21 đang ngày càng trở thành lực lượng tấn công chính trong tay bọn khủng bố. Có vài lý do cho điều này.
“Thứ nhất, đó là vấn đề giá cả. Một kỹ sư có năng lực có thể lắp ráp một UAV nhỏ từ các thiết bị tự chế và chất lên đó những quả bom tự chế rẻ không kém. Sử dụng các tên lửa trị giá nhiều triệu USD của các hệ thống Pantsir hay S-400 để trị các UAV này thì quả là lãng phí”.
Các hệ thống phòng không như là Pantsir-S1, S-400, Tor-M2, Buk và các loại khác được chế tạo nhằm tiêu diệt máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, tên lửa hành trình, và những thứ tương tự. Nói một cách đơn giản, đây là các hệ thống đắt tiền, sử dụng tên lửa đắt tiền, và nhằm tiêu diệt các hệ thống đắt tiền khác.
Murakhovsky lưu ý: “Do vậy, lực lượng quân cơ động cần tới một vũ khí hiệu quá, giá rẻ để vô hiệu hóa một tá UAV loại nhỏ mà trong thập kỷ tới đây sẽ trở thành các thành phần được phối hợp với nhau để thực hiện tấn công”./.