Lộ diện xe tăng hạng nhẹ mới Sprut-SDM1 đầy uy lực của Nga
VOV.VN - Binh chủng đổ bộ đường không thiện chiến - niềm tự hào của các lực lượng vũ trang Nga - sẽ sớm được trang bị xe tăng hạng nhẹ đầy uy lực Sprut-SDM1.
Xe tăng bơi
Vào cuối những năm 1960, xe tăng lội nước PT-76 được đưa vào biên chế, chủ yếu trang bị cho các đơn vị trinh sát của lực lượng Lục quân Liên Xô và các đơn vị lính thủy đánh bộ. Với việc xuất hiện của xe chiến đấu bộ binh BMP-1 vào năm 1966, khả năng sử dụng lâu dài PT-76 đã bị lu mờ, tuy nhiên, theo Nguyên soái A.A. Grechko, đã không thể từ bỏ trang bị loại này. Hiệu quả của xe tăng lội nước hạng nhẹ đã được khẳng định qua kinh nghiệm sử dụng xe tăng PT-76 trong các cuộc chiến tranh Arab-Israel.
Vì vậy, kế hoạch thiết kế chế tạo kéo dài 8 năm nhằm phát triển một loại xe tăng lội nước hạng nhẹ mới, có các đặc tính vượt trội so với xe tăng PT-76B và các đối thủ nước ngoài, đã được thông qua. Vào đầu những năm 1980, một số mẫu xe tăng mới đã được phát triển và đặc biệt là xe tăng hạng nhẹ Object 934. Tuy nhiên, ngày 21/2/1980, tại một cuộc họp của Hội đồng Quân sự-Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng Liên Xô quyết định dừng phát triển xe tăng hạng nhẹ, do bắt đầu phát triển một loại xe chiến đấu bộ binh mới - Object 688.
Đến giữa những năm 1980, xe tăng M60A3, M1, Leopard 2 và Challenger bắt đầu được đưa vào trang bị tại các nước NATO. Vào thời điểm đó, Lực lượng đổ bộ đường không Liên Xô được trang bị BMD-1 và BTR-RD “Robot”, không có khả năng đối đầu hiệu quả với các xe tăng chủ lực mới của kẻ thù tiềm tàng. Đồng thời, khả năng chuyên chở tối đa của máy bay Il-76 đã tăng lên 40 tấn với trọng lượng thả dù lên đến 20 tấn.
Trong bối cảnh này, Viện nghiên cứu khoa học Trưng ương số 3 đã đề xuất một xu hướng phát triển các thiết bị quân sự cho Lực lượng lính dù, dựa trên khung gầm cơ sở với sức chở lần lượt là 3,5 và 6 tấn. Ngoài ra, sự phát triển của các hệ thống vũ khí đường không đã tạo điều kiện để chế tạo pháo chống tăng tự hành cơ động đường không có khả năng chống lại xe tăng chủ lực của các nước NATO một cách hiệu quả.
Thế mạnh chính của Lực lượng đổ bộ đường không là sự kết hợp giữa tính cơ động cao và sức mạnh tấn công phủ đầu. Để đòn tấn công đó thực sự mạnh, cần có vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như xe tăng hoặc pháo tự hành. Tuy nhiên, xe tăng không dễ dàng vận chuyển bằng đường không. Trong trường hợp sử dụng pháo tự hành, phải cân nhắc: đưa một đại đội lính dù hoặc một pháo tự hành đến điểm đổ bộ. Cố gắng giải quyết vấn đề trên, năm 1985, các nhà thiết kế Nga đã bắt đầu phát triển một loại xe hạng nhẹ có kích thước và trọng lượng của xe chiến đấu bộ binh nhưng có hỏa lực của một xe tăng thực thụ.
Đây là bối cảnh dự án Sprut-SD (2С25 «Спрут-СД» - Bạch tuộc) ra đời, nhằm tạo ra một dòng xe chiến đấu với nhiều biến thể khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có phiên bản hiện đại ("Sprut-SDM1") thành công. 2S25 Sprut-SD (hay 2S25 "Kraken-SD", Object 952) - pháo chống tăng tự hành, được phát triển bởi Văn phòng thiết kế của Nhà máy Máy kéo Volgograd và OKB-9 Yekaterinburg dưới sự giám sát khoa học của Viện Nghiên cứu Cơ khí Chính xác Trung ương Klimov cho lực lượng đổ bộ đường không Nga, lính thủy đánh bộ và lực lượng đặc nhiệm để chống lại xe tăng và các loại xe bọc thép khác cũng như sinh lực của đối phương.
Xe tăng đổ bộ mới "Sprut-SDM1" của Nga độc đáo ở điểm nào
Xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut-SDM1 được phát triển và chế tạo tại trên cơ sở phiên bản tiền nhiệm Sprut-SD, có dự trữ hành trình 500km, có thể được vận chuyển bằng tàu đổ bộ đường biển và máy bay vận tải quân sự, nhảy dù theo phương thức hạ cánh và nhảy dù cùng với kíp xe. Sprut-SDM1 được thiết kế để hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị, chống các phương tiện bọc thép, phá hủy các cứ điểm và công trình phòng thủ của đối phương, trinh sát... Nó được đề xuất để trang bị cho lực lượng đổ bộ đường không, lính thủy đánh bộ và xe tăng của Lục quân.
Sprut-SDM1 là loại xe hạng nhẹ (đến 18 tấn) được trang bị pháo 125mm, một súng máy 7,62mm đồng trục và một súng máy 7,62mm gắn trên một mô-đun được điều khiển từ xa, thích hợp với mọi kiểu đổ bộ, kể cả bằng dù, có kích thước nhỏ. Theo các nhà phát triển, Sprut-SDM1 "đã trở nên cơ động hơn do được lắp đặt các cụm động cơ, hộp số, gầm xe, hệ thống thông tin và điều khiển vốn đã được thử nghiệm trên BMD-4M và BMP-3"; “về hỏa lực, Sprut-SDM1 không thua kém các xe tăng T-80 và T-90, còn về khả năng cơ động trên bộ và dưới nước thì ngang ngửa BMD-4M”.
Xe mới đã cải tiến khả năng kiểm soát chỉ huy bằng cách lắp đặt thiết bị hoạt động như một phần của Hệ thống Chỉ huy Thống nhất cấp chiến thuật (ESU TZ). Sprut-SDM1 có khả năng vượt qua chướng ngại nước mà không cần chuẩn bị trong điều kiện sóng cấp 3, đồng thời vừa bơi vừa bắn. Ngoài ra, để tăng khả năng việt dã, xe có thể được lắp xích chuyên dụng đi tuyết và vượt đầm lầy.
Sprut-SDM1 đã qua thử nghiệm cấp nhà máy, sẽ được thử nghiệm dã ngoại cấp nhà nước trong vòng một năm rưỡi tại các đơn vị trong điều kiện biển và độ cao, trong các vùng khí hậu khác nhau, kể cả ở nhiệt độ không khí từ -40 đến +40 độ C, với việc bắn thử nghiệm ở từng giai đoạn. Sau khi kết thúc các cuộc thử nghiệm, xe sẽ được quân đội Nga đề xuất đưa vào trang bị.
Hiện nay trên thế giới không có loại tương tự nào khiến Sprut trở thành một sản phẩm xuất khẩu có giá trị. Xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut-SDM1 của Nga bắt đầu được quan tâm ở Trung Đông. Một trong những quốc gia trong khu vực (không được tiết lộ cụ thể) đã nộp đơn đăng ký mua xe tăng này. Được biết, Phương Tây cũng đã nỗ lực phát triển xe tăng lội nước hạng nhẹ nhưng không thành công. Chiếc “CV90120-T” của Thụy Điển nặng 28 tấn và không thể dùng để đổ bộ. Chiếc “LC-08 Anders” của Ba Lan đang ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng khó có tương lai vì trọng lượng của vượt quá 30 tấn.
M-8 "Bufort" của Mỹ, loại gần nhất với Sprut-SDM1 của Nga, đã được phát triển từ những năm 90, nặng 17,5 tấn, nhưng chỉ có lớp bảo vệ chống đạn súng bộ binh. Người ta dự định sử dụng nó với một bộ giáp chủ động cấp hai hoặc cấp ba, nhưng điều này sẽ làm tăng trọng lượng của xe lên 23 tấn. Tuy nhiên, trường hợp này đang là thử nghiệm ý tưởng và vẫn còn lâu mới áp dụng thực tế được./.