Lý do vì Covid-19 Ba Lan hủy thương vụ F-35A chỉ là phần nổi của tảng băng?

VOV.VN - Vì nhiều lí do, Ba Lan được cho là đang “xem xét lại” quyết định mua F-35A.

Hợp đồng F-35A “khủng”

Năm rồi, Ba Lan đã ký hợp đồng trị giá khoảng 4,6 tỷ USD mua "quái điểu" F-35 (Mỹ) - kỳ phùng địch thủ của Su-57 (Nga), theo đó, ngoài 32 chiếc F-35A với mức giá 87,3 triệu USD/chiếc, quân đội Ba Lan sẽ nhận được gói hậu cần (gồm 8 thiết bị mô phỏng máy bay, phụ tùng thay thế, hệ thống thông tin quản lý vận hành máy bay, thiết bị phục vụ trên mặt đất) và đào tạo (huấn luyện phi công và nhân sự kỹ thuật). F-35A là phiên bản tiêm kích tàng hình nhỏ và nhẹ nhất trong dòng F-35, có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với F-35B (dành cho Thủy quân Lục chiến) và F-35C (dành cho Hải quân), cũng là mẫu F-35 duy nhất mang pháo GAU-22/A cỡ nòng 25mm trong thân.

Máy bay MiG-29 do Liên Xô sản xuất; Nguồn: k-politika.ru

Tham dự lễ ký kết hợp đồng không chỉ có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, mà còn cả đích thân Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan. "Siêu tiêm kích F-35 là mẫu máy bay sẽ đưa không quân Ba Lan vào thời đại hoàn toàn mới", Tổng thống Duda phát biểu sau lễ ký hợp đồng, khẳng định mẫu phi cơ này cùng tên lửa phòng không Patriot và pháo HIMARS của Mỹ sẽ củng cố an ninh quốc gia Ba Lan. Dự kiến, F-35 sẽ thay thế cho các chiến đấu cơ MiG-29 và Su-22 do Liên Xô sản xuất, hiện vẫn đang có trong trang bị của Không quân Ba Lan, tăng tính đồng bộ cho lực lượng này.

Các máy bay của Ba Lan sẽ là phiên bản Block 4, được trang bị dù hãm giống mẫu F-35A của Na Uy để rút ngắn quãng đường hạ cánh và tăng độ bền cho cụm càng đáp. 6 chiếc đầu tiên trong hợp đồng dự kiến được bàn giao trong giai đoạn 2024-2025, nhưng sẽ triển khai tại Mỹ để huấn luyện 24 phi công và 90 kỹ thuật viên Ba Lan; 16 chiếc sẽ về Ba Lan trong năm 2026 và 16 chiếc còn lại vào năm 2030; Không quân Ba Lan sẽ bắt đầu vận hành đầy đủ các F-35A vào năm 2026. Theo hãng thông tấn nhà nước Ba Lan (PAP), nhờ dàn F-35 Ba Lan, sẽ là đối tác không quân với Đan Mạch, Hà Lan, Anh và Ý tại châu Âu. Ngoài EU, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Australia và Canada được Mỹ bán cho F-35.

Thỏa thuận mua 32 chiếc F-35A của Mỹ đối với Ba Lan mang ý nghĩa lịch sử - cho tới nay chưa có “thành viên mới” (gia nhập liên minh hậu Chiến tranh Lạnh) nào của NATO mua sắm thiết bị quân sự từ Mỹ với số tiền lớn như vậy; với giá 4,6 tỉ USD, thương vụ này lớn thứ hai về mua sắm thiết bị quân sự trong lịch sử Ba Lan - chỉ sau kỷ lục mua 2 hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ với giá 4,75 tỉ USD. Đối với Ba Lan, tăng cường vũ trang không chỉ đơn thuần nhằm mục đích tăng sức mạnh quân sự và khả năng phòng thủ mà còn là hoạt động đầu tư rất thức thời và thực dụng mà cụ thể là đầu tư vào Mỹ và cá nhân Tổng thống Trump.

Hệ lụy nhãn tiền của đại dịch Covid-19?

Để phù hợp với hoạt động tác chiến cùng NATO, Ba Lan đã mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Hiện nay, Ba Lan có 48 tiêm kích F-16 Block 52+ nhưng có tiếng nói rằng Ba Lan chỉ cần tăng thêm các phi đội F-16 là đủ mà không cần đến F-35. Từ cuối năm 2019, truyền thông Nga cho rằng Ba Lan sẽ không loại bỏ tiêm kích MiG-29 và sẽ hủy bỏ hợp đồng đặt mua F-35. Trang Avia.pro của Nga cho biết, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã chỉ trích cực kỳ gay gắt các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ; nước này nên rút yêu cầu mua và nhanh chóng từ chối dòng tiêm kích đó.

Tiêm kích cơ với nhiều khả năng “siêu việt” F-35A Mỹ; Nguồn: armytimes.com

Đáng chú ý là trước đó, ở Ba Lan, người ta nói rằng việc mua chiến đấu cơ F-35 sẽ cho phép loại bỏ toàn bộ phi đội tiêm kích MiG-29 trong kho vũ khí của đất nước. Tuy nhiên thực tế là Warsaw lại quyết định tiếp tục vận hành MiG-29 khi nhận thấy những máy bay này hứa hẹn hơn F-35 nhiều lần -trang Avia.pro nêu rõ. Theo các chuyên gia Ba Lan, những chiếc MiG-29 tương tự đang phục vụ trong không quân nước này không chỉ hiệu quả hơn mà còn vượt trội đáng kể so với F-35 về chất lượng cũng như giá thành.

Theo tờ svpressa.ru ngày 7/4/2020, Ba Lan quyết định xem xét lại quyết định mua máy bay F-35 của Mỹ - Bộ trưởng Tài sản Nhà nước Ba Lan cho biết trên đài phát thanh FM của RMF, gắn ý định này với cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra do đại dịch Covid-19.

Tảng băng chìm vô hình

Cần lưu ý rằng, chương trình bán ném bom-tiêm kích cơ F-35 của Mỹ cho không chỉ các thành viên NATO, mà cả các quốc gia đồng minh của nước này, bắt đầu gặp trục trặc. Vấn đề ở đây không chỉ liên quan đến cuộc khủng hoảng sắp xảy ra do đại dịch Covid-19 - các quốc gia buộc phải tiết kiệm, mà còn vì thất vọng ngày càng tăng về các khả năng “siêu việt” của F-35, mà Tập đoàn Lockheed Martin cố gán cho nó. Không chỉ vậy, các cơ hội này đôi khi đi ngược lại lợi ích của các quốc gia vận hành loại máy bay này.

Ba Lan được cho là đang “xem xét lại” quyết định mua F-35A; Nguồn: wikimedia.org

Nhà sản xuất F-35 đã rất tự hào về Hệ thống thông tin hậu cần tự động (ALIS), khiến cho hoạt động của F-35 "không bị cản trở". Thiết bị theo dõi tình trạng của các bộ phận và hệ thống khác nhau của máy bay chiến đấu cũng như trong trường hợp cần thiết, tự động truyền thông tin về nhà sản xuất ở Mỹ, từ đó các bộ phận cần thay thế sẽ được chuyển đến cho phía đối tác. Theo cách tương tự, đạn dược và vật tư tiêu hao được kiểm soát và tự động bổ sung, không bắt buộc phải có bất kỳ đơn đặt hàng nào.

Tuy nhiên, tất cả những khía cạnh tích cực này có thể dễ dàng biến thành “gót chân Achilles”. Không quân Hà Lan đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng những chiếc F-35 hoàn toàn mới truyền đến máy chủ Mỹ không chỉ thông tin kỹ thuật, mà còn cả thông tin bản đồ nhận được trong các chuyến bay huấn luyện. Điều này là dễ hiểu - Mỹ từng nhiều lần bị kết tội hoạt động gián điệp với các đối tác của mình trong NATO.

Có chi tiết khó chịu khác đối những nước không phải là Mỹ dùng F-35 - trong trường hợp có bất kỳ xung đột chính trị nào, người Mỹ có khả năng bằng "một cú nhấp chuột" hạn chế khả năng chiến đấu của F-35 - không gửi tên lửa bù vào số đã sử dụng hoặc bất kỳ linh kiện điện tử bị cháy nào của máy bay, thậm chí chặn hoàn toàn hệ thống điều khiển máy bay. Không những vậy, một nguy cơ hiện hữu khác là thông tin về thực trạng của máy bay gửi về Mỹ sẽ có thể bị đối phương chặn. Đây sẽ là thông tin vô giá đối với bất kỳ đối thủ nào, đặc biệt là trong trường hợp có xung đột quân sự.

Hệ thống ALIS đã được điều chỉnh trong một thời gian dài, nhưng đã không đạt được sự hoàn hảo thực sự và khách hàng bắt đầu tỏ ra lo ngại về các chức năng bí mật của nó. Lockheed Martin đã quyết định vội vàng thay thế ALIS bằng một chương trình khác - Mạng tích hợp dữ liệu hoạt động (ODIN) với khác biệt rất ít về mặt ý tưởng, chỉ có khía cạnh kỹ thuật có một số thay đổi. Như vậy, nguyên tắc không chỉ phi công, mà còn có ai đó ở bên kia đại dương điều khiển máy bay chiến đấu, vẫn được bảo tồn, như cũ.

Số lượng các quốc gia muốn rời khỏi chương trình bằng cách từ bỏ mua máy bay đang dần tăng lên. Trước đây, Washington khá dễ dàng đối phó việc này bằng cách gây khó dễ và gây áp lực nhưng bây giờ, khi các đối tác của Mỹ, vì F-35 mà bị buộc phải thắt lưng buộc bụng, sẽ có thêm một lý do để từ chối mua F-35. Có vẻ như Ba Lan đã trở thành người đi đầu trong phong trào này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên