Nga kết hợp tiêm kích tối tân Su-35 với bom cũ để không kích Ukraine
VOV.VN - Máy bay Su-35 là tiêm kích siêu hiện đại hàng đầu của Nga nhưng lại sử dụng bom cũ từ thời Liên Xô để tấn công các mục tiêu ở Ukraine. Phải chăng đây là chiến thuật mới của Nga?
Một đoạn video xuất hiện gần đây cho thấy một máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-35 của Nga bay rất thấp và thả bom xuống mục tiêu bên dưới trong khi các lực lượng Ukraine cố bắn hạ máy bay này nhưng không thành công.
Trong clip này, lực lượng Ukraine dường như đang đi tuần thì chiếc Su-35 đột ngột xuất hiện, bay cực thấp và thả 3 quả bom phát nổ sau đó vài giây.
Trong lúc ấy, một binh sĩ Ukraine cố gắng dùng tên lửa vác vai để bắn hạ chiếc phi cơ Nga này. Nhưng quả tên lửa phóng đi không với tới được máy bay và chiếc máy bay sau đó biến mất khỏi tầm nhìn.
Tin tức cho hay, dựa trên cường độ của vụ nổ, loại bom mà chiếc máy bay này thả là bom FAB-250.
Vì sao Nga dùng tiêm kích cơ tối tân để thả bom cổ thời Xô viết?
Su-35 là máy bay tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4.5 và là một trong các phi cơ chiến đấu tiên tiến hàng đầu của Nga. Trong khi đó, bom FAB-250 lại là bom phân mảnh không dẫn đường từ thời Liên Xô.
Thời gian qua, khi đẩy mạnh tấn công các mục tiêu ở Ukraine, kho vũ khí chính xác có dẫn đường của Nga đã bị suy giảm, khiến họ tăng cường sử dụng các loại bom không dẫn đường. Tình báo Ukraine đoán rằng Nga đã bắn khoảng một nửa kho tên lửa có dẫn đường của mình (như tên lửa Iskander, Kalibr, và KH-101).
Khi kho tên lửa chính xác bị hao hụt, không quân Nga sử dụng máy bay thế hệ 4.5 theo phương thức truyền thống, đó là bay thấp để tấn công mục tiêu mặt đất bằng bom cổ.
Nhà phân tích quân sự Ấn Độ Vijender K Thakur cho biết, Nga có xu hướng chú trọng đến các vũ khí vừa túi tiền để có thể chịu đựng được các tổn thất khi phải tiến hành giao tranh kéo dài với các đối thủ như Ukraine.
Su-35 là máy bay không chiến và cường kích rất lợi hại với các đặc điểm như khả năng tổng hợp dữ liệu và năng lực siêu cơ động.
Su-35 có cảm biến cảnh báo tên lửa tiếp cận (MAW) để phát hiện các vụ phóng tên lửa phòng không vác vai, tự động phóng mồi nhiệt, và các cần tác chiến điện tử Khibiny gắn ở đầu cánh nhằm lẩn tránh các quả tên lửa đối phương phóng tới.
Mồi nhiệt đánh lừa các cảm biến hồng ngoài trên các tên lửa phòng không dùng để dẫn đường các tên lửa này. Cần Khibiny nhằm phát hiện radar phòng không và tên lửa phòng không, từ đó đánh lừa thiết bị săn tìm mục tiêu trên các tên lửa đối phương.
Máy bay Su-35 còn có công nghệ vector đẩy tái định hướng lực đẩy của động cơ bằng cách nghiêng họng phun của động cơ theo bề ngang hoặc phương lên xuống, khiến máy bay này có khả năng cơ động cực lớn để tránh né tên lửa phóng tới.
Thakur kết luận: “Muốn bắn hạ Su-35 bằng tên lửa vác vai thì phải dựa vào may mắn cực lớn. Phải trong một cuộc chiến kéo dài, người ta mới có thể làm được điều hy hữu đó”.
Do vậy, Su-35 rất phù hợp cho lối đánh “tìm - diệt” kiểu cũ, tức là bay tới khu vực mục tiêu, quan sát bằng mắt thường rồi ném bom.
Thakur giải thích thêm, bom không thông minh vẫn có thể được ném chính xác nếu máy bay thả bom ở độ cao rất nhỏ. Ông nói, “từ trải nghiệm cá nhân của tôi, có thể đạt được độ chính xác tới 5m nếu ném bom ở độ cao 60m”.
Nga sẽ khắc phục thiếu hụt đạn dẫn đường chính xác như thế nào?
Dẫu vậy, việc thiếu hụt đạn dược chính xác trong chiến sự Ukraine vẫn là một thách thức không nhỏ đối với an ninh của Nga, vì năng lực sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang gặp khó khăn nhất định do sự cấm vận của phương Tây.
Một số vũ khí dẫn đường của Nga phụ thuộc vào các con chip bán dẫn do phương Tây sản xuất để thực hiện việc dẫn đường chính xác. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn Nga tiếp cận các linh kiện của phương Tây.
Tuy nhiên, Nga vẫn có năng lực sản xuất nội địa các chip vi điện tử để thay thế đồ bán dẫn của phương Tây và đẩy mạnh hoạt động sản xuất đáp ứng nhu cầu của quân đội Nga.
Dù mất thêm vài tháng nữa đi chăng nữa, thì Nga vẫn có đủ năng lực sản xuất các chip với khả năng hoạt động như linh kiện của phương Tây.
Khác biệt chủ yếu là ở khả năng thu nhỏ linh kiện. Công nghệ chip của Nga lạc hậu 10-15 năm so với phương Tây nên các thiết bị điện tử của Nga có thể sẽ cồng kềnh và nặng hơn, từ đó làm tăng trọng lượng tổng thể của vũ khí.
Tuy nhiên, Nga vẫn có phương án khắc phục tình huống đó. Chẳng hạn, họ có thể giảm dung tích bình nhiên liệu, đồng thời bù trừ bằng việc áp dụng công nghệ composite tiên tiến của mình./.