Nga sắp tung UAV "sát thủ" mới yểm trợ chiến đấu cơ chủ lực tại Ukraine
VOV.VN - Nhờ khả năng chia sẻ dữ liệu, UAV Sirius có thể thực hiện vai trò giám sát mặt đất, giúp giảm tải công việc cho các máy bay chiến đấu chủ lực Su-35 hoặc Su-30 trên chiến trường Ukraine.
Máy bay không người lái (UAV) Sirius của Nga, một loại máy bay không người lái do thám và tấn công có thể so sánh với UAV MQ-9 Reaper của Mỹ, gần đây đã được phát hiện đang trong quá trình bay thử nghiệm. Điều này cho thấy Nga có thể đang nối lại chương trình phát triển UAV này.
Các chuyên gia từ lâu đã chỉ ra rằng Nga đang thiếu máy bay không người lái chiến đấu tầm trung hoặc tầm xa có thể bay trong thời gian dài để đạt được một số mục tiêu nhất định trên chiến trường. UAV Sirius còn có tên gọi khác là Nokhodets-RU, do Tập đoàn Kronstadt có trụ sở tại St. Petersburg phát triển.
UAV Sirius của Nga thực hiện chuyến bay thử nghiệm gần một căn cứ không quân. Nguồn: Twitter
Máy bay không người lái trinh sát và tấn công Sirius được chế tạo dựa trên nền tảng UAV Orion. Khác với máy bay không người lái Orion - chủ yếu được sử dụng cho chiến thuật tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), UAV Sirius có thiết bị liên lạc vệ tinh đầu cuối tích hợp, giúp nó có phạm vi hoạt động xa hơn nhiều.
Sirius là UAV cỡ lớn, sử dụng 2 động cơ tua-bin cánh quạt, khác với động cơ đơn của UAV Reaper. UAV này có tốc độ tối đa 180 km/h, trần bay tối đa 7.000m, tầm hoạt động 3.000km. Sirius có trọng lượng cất cánh từ 2-2,5 tấn, tải trọng chiến đấu từ 300-450kg. Sải cánh của Sirius dài 16m. Tốc độ hành trình là 120km/h, tốc độ tối đa vào khoảng 200km/h. Nó có thể bay liên tục trong ít nhất 24 giờ nhưng với điều kiện tải trọng phải giảm xuống còn 70kg.
Theo một số nguồn tin, Sirius sẽ được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh Glonass/GPS và hệ thống chia sẻ dữ liệu độc lập. Tại diễn đàn Army-2020, nó được trưng bày cùng với bom dẫn đường FAB-100, KAB-100, OFAB-250.
Vẫn chưa rõ những loại vũ khí mà UAV Sirius có thể mang theo. Một số chuyên gia quân sự cho rằng những vũ khí này có thể bao gồm tên lửa không đối đất có dẫn đường và không dẫn đường, chẳng hạn như tên lửa Vikhr-1.
Vikhr-1 là tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser do Nga sản xuất. Nó được thiết kế để treo dưới cánh của máy bay không người lái tấn công. Mặc dù tên lửa ra đời vào cuối thời kỳ Liên Xô, nhưng nó đã được nâng cấp liên tục trong suốt 30 năm qua. Tên lửa Vikhr có thể đạt tốc độ Mach 1,8, có khả năng xuyên thủng các tấm giáp đồng nhất dày 750mm phía sau giáp phản ứng. Vikhr có phiên bản phóng từ trên không và trên biển.
Ngoài tên lửa Vikhr-1, một số nguồn tin cho biết, UAV Sirius có thể mang theo bom dẫn đường thả từ trên không như FAB-100 và KAB-100, OFAB-250. Cả ba loại bom này đều đáp ứng những yêu cầu về tải trọng tối đa của UAV.
UAV Sirius sẽ hoạt động thế nào trên chiến trường?
Theo một số chuyên gia quân sự, UAV Sirius có nhiều tính năng tương đương UAV MQ-9 Reaper của Mỹ, đặc biệt là ở năng lực tình báo. Để suy đoán cách Nga sử dụng loại UAV này trên chiến trường và và lợi ích mà nó mang lại, có thể nhìn vào cách hoạt động của các loại UAV do Mỹ sản xuất tại Ukraine như MQ-9 Reaper and the RQ-4B Global Hawk. Ukraine được cho là đã sử dụng UAV do Mỹ cung cấp để thực hiện nhiệm vụ Tình báo-Giám sát-Trinh sát (ISR) nhằm thăm dò hệ thống phòng không, việc triển khai hải quân và bộ binh của Nga.
Theo các nhà phân tích, sự hiện diện thường trực của máy bay không người lái hạng nặng, được tích hợp cảm biến hiện đại có khả năng giám sát liên tục các chuyển động trên mặt đất của đối phương một cách an toàn sẽ giúp các nhà hoạch định quân sự của Nga có nhiều lựa chọn. Dữ liệu UAV thu thập sẽ được chia sẻ với lực lượng mặt đất và lực lượng trên không như Su-34, Su-35 và Su-30 theo nhiều cách khác nhau.
Những dữ liệu này có thể được sử dụng để tăng cường khả năng phòng thủ, giúp Nga phản ứng nhanh chóng trước bất cứ động thái bất thường của đối phương. Ngoài ra, khi được trang bị nhiều vũ khí lợi hại, UAV Sirius có thể tiêu diệt mục tiêu sau khi phát hiện ra chúng mà không cần dựa vào những phương tiện trên mặt đất hoặc trên không.
Khi phối hợp cùng với máy bay chiến đấu có người lái Su-30 hay Su-35, hệ thống liên lạc vệ tinh Glonass/GPS và hệ thống chia sẻ dữ liệu của UAV Sirius sẽ hỗ trợ đáng kể hoạt động những máy bay này. Nhờ khả năng chia sẻ dữ liệu, UAV Sirius có thể thực hiện vai trò giám sát mặt đất, giúp giảm tải công việc cho các máy bay chiến đấu Su-35 hoặc Su-30.
Khi được triển khai trong đội hình chiến đấu, Sirius nhiều khả năng sẽ bay dưới sự bảo vệ của máy bay chiếm ưu thế trên không. Một kịch bản khác là Su-35 có thể đưa Sirius vào lãnh thổ Ukraine làm mồi nhử để kích hoạt phản ứng của các hệ thống phòng không của đối phương như S-300 hay Buk, sau đó máy bay sẽ phóng tên lửa chống radar Kh-31 để phá hủy các hệ thống này. Sử dụng radar tối tân, Sirus có thể vẽ bản đồ địa hình xung quanh, hỗ trợ điều chỉnh đường bay của tên lửa hay hỗ trợ các cuộc đụng độ có sử dụng pháo, súng cối./.