Nhật Bản đưa thiết bị tác chiến điện tử hiện đại vào trang bị
VOV.VN - Lực lượng phòng vệ Nhật bắt đầu được trang bị Mạng các hệ thống vũ khí điện tử, được cơ giới hóa cao, có khả năng thực hiện chức năng phát hiện, định vị và nhận dạng các thiết bị điện tử của đối phương và chế áp chúng trong khi di chuyển.
Xu hướng quân sự hóa gần đây ở Nhật Bản được thể hiện qua việc “lực lượng phòng vệ” đang âm thầm biến thành một quân đội và hải quân hoàn toàn bình thường. Hạm đội Nhật Bản với gần 40 tàu khu trục có thể gây hấn bất kỳ ai, có lẽ chỉ trừ Trung Quốc, và thậm chí với Trung Quốc, chưa biết chắc “mèo nào cắn mỉu nào”; lục quân cũng có những phát triển ổn định.
Một trong những điểm đáng chú ý của sự phát triển này là việc các lực lượng mặt đất bắt đầu được trang bị Mạng các hệ thống vũ khí điện tử (Network Electronic Weaponry System - NEWS), có nhiệm vụ vô hiệu hóa các radar, hệ thống liên lạc và điều khiển của đối phương. Theo tuyên bố chính thức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong năm nay, các thành phần NEWS hoạt động đầu tiên sẽ được triển khai tại căn cứ tác chiến điện tử ở Kengun và vào cuối năm, các tổ hợp đầu tiên sẽ bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ trực chiến.
Câu hỏi ngay lập tức được đặt ra - các trạm chiến tranh điện tử (EW) “trực chiến” chống lại ai? Đối với những người biết rằng, Nhật Bản là một quốc đảo không có biên giới trên đất liền với bất kỳ ai, thì sự hiện diện của những tổ hợp như vậy trong cấu trúc của lực lượng mặt đất là điều thú vị. Không những vậy, trong năm 2021, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ chi 8,7 tỷ yên (tương đương 90 triệu USD) - một con số không hề nhỏ, cho việc phát triển, sản xuất và triển khai các trạm tác chiến điện tử.
Việc Mỹ tích cực bơm tiền và công nghệ cho quân đội Nhật Bản là điều dễ hiểu. Người Mỹ có hệ thống tác chiến điện tử tốt. Những gì người Nhật không tự nghĩ ra được thì chắc chắn người Nhật cũng không sao chép các thiết bị đó một cách giáo điều mà sẽ cải tiến và hoàn thiện chúng.
Các yêu cầu chính đối với các hệ thống EW là tính cơ động cao, khả năng phân tích môi trường vô tuyến cao nhất có thể và chế áp một loạt các bước sóng bức xạ điện từ. Đặc biệt, các nhà thiết kế được lưu ý phải chú ý đến việc giảm thiểu tác động của các trạm chế áp điện tử lên các phương tiện điện tử vô tuyến của quân nhà, mức chi phí tối thiểu cho việc phát triển và vận hành thiết bị.
Theo các nguồn tin độc lập, từ năm 2101 đến năm 2016, khoảng 10 tỷ yên (110 triệu USD) đã được chi cho nghiên cứu và phát triển NEWS. Các cơ sở quân sự bí mật hoạt động dưới sự bảo trợ của Tập đoàn Mitsubishi Denki nổi tiếng trong lĩnh vực quốc phòng, bí mật và sử dụng tất cả các công nghệ hiện có, kể cả thiết kế mô hình 3-D trên máy tính.
Người Nhật đã đi theo con đường tạo ra các tổ hợp, trong đó kết hợp các phương tiện do thám và chế áp hoạt động trong cùng một dải tần. Hầu hết tất cả các nhà phát triển EW trên thế giới đều đi theo theo hướng này, nhưng điều mà các chuyên gia Nhật Bản đạt được là khả năng chủ động vận hành các trạm đang di chuyển. Các cuộc thử nghiệm thực tế của các trạm được tổ chức tại cơ sở Trường thông tin liên lạc mặt đất ở Yokosuka, trên đảo Honshu và tiểu đoàn EW số 1 của Quân đoàn phía Bắc ở thành phố Chitos, trên đảo Hokkaido.
Đảo Hokkaido là nơi thích hợp để thử nghiệm tác chiến điện tử. Đặc biệt là vì Quần đảo Kuril nằm rất gần đó, nơi các đơn vị của Nga có nhiệm vụ tương tự được triển khai. Nhưng việc các trạm tác chiến điện tử của Nhật Bản có thể hoạt động khi đang di chuyển là một bước tiến rất lớn; các kỹ sư Nhật Bản đã có thể tạo ra những thành phần quan trọng nhất cho công việc như vậy - các khối ăng-ten nhỏ gọn.
Ăng-ten nhỏ gọn cũng cần có phần cứng thích hợp và các thuật toán mới để điều hướng và tìm hướng phức tạp. Trạm (và thuật toán của nó) phải biết nó đang ở điểm nào trong không gian, và tổ hợp của đối phương cần phải chế áp đang ở tại vị trí nào để hành động. Khi cả hai điểm đều tĩnh, vấn đề rất đơn giản; nhưng khi trạm di động, thì ngoài mọi thứ, nó phải theo dõi chuyển động của đối phương liên quan đến chính nó, và người Nhật đã làm được điều đó.
Một trạm radar làm việc khi đang di chuyển là một vấn đề bổ sung đối với tên lửa chống radar. Và một “chiếc ô” trên một cột chuyển động được thực hiện bởi một trạm tương tự như “Dome” và “Pole-21” của Nga - điều này rất không đơn giản. Người ta cũng nói rằng người Nhật đã thực hiện những bước đáng kể để cải thiện khả năng phát hiện, định vị và nhận dạng các thiết bị điện tử của đối phương, sau đó chế áp chúng.
Hệ thống NEWS bao gồm bốn loại trạm tác chiến điện tử. Để tăng tính cơ động, chúng được đặt trên khung gầm xe Toyota có tải trọng 1,5 tấn. Của Nga, các thiết bị chủ yếu được bố trí trên khung gầm xe BAZ, điều đó là hợp lý, nhưng ở Nhật Bản, đường xá rất tốt, họ có thể làm được. Các trung tâm điều khiển với thiết bị xử lý được đặt trong khung gầm lớn hơn - xe bốn bánh “Izudzu” có tải trọng 3,5 tấn. Ăng-ten quay theo chu kỳ được gắn trên xe kéo một trục - rẻ và tiện lợi.
Nói chung, đối với các hoạt động trong điều kiện của Quần đảo Nhật Bản - mọi thứ đều khá ổn và logic, với mức độ cơ giới hóa là cao nhất, mọi thứ được thực hiện bằng điện. Đương nhiên, tất cả các thiết bị đều được trang bị máy phát điện để nâng các cột và ăng-ten.
Mitsubishi Denki bắt đầu cung cấp các trạm EW từ năm 2017. Bộ NEWS đầu tiên có giá 70 triệu USD (tương đương 7,5 tỷ yên), được gửi đến trường huấn luyện, nơi các chuyên gia quân đội được đào tạo. Và các trạm tiếp theo trong thời gian 2021 và 2022 sẽ được trang bị cho Tiểu đoàn 1 EW của Quân đoàn phía Bắc (đương đầu với Nga) và tiểu đoàn 3 của Quân đoàn phía Tây (đối đầu với Trung Quốc)./.