Những vũ khí trở thành biểu tượng chiến thắng trong Thế chiến 2
VOV.VN - Không có cuộc đối đầu quân sự nào có nhiều xe thiết giáp, máy bay và súng được triển khai như Thế chiến 2.
Dù phải liên tục nâng cấp trong thời gian ngắn, nhưng những thiết bị này vẫn rất xuất sắc trên chiến trường và là biểu tượng chiến thắng Phát xít.
“Donkey” huyền thoại
Ở giai đoạn đầu cuộc chiến, tiêm kích chủ lực của Hồng quân Liên Xô là Polikarpov I-16. Với chiều dài chỉ 6 mét, đây là một trong những chiếc máy bay nhỏ nhất ở thời điểm đó. Chiếc máy bay ra mắt vào giữa những năm 1930, và trong suốt vòng đời, nó đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột quân sự: Nội chiến Tây Ban Nha, cuộc chiến tranh thứ 2 giữa Trung Quốc-Nhật Bản, các trận chiến Khalkhin Gol, Chiến tranh mùa đông Liên Xô-Phần Lan...
I-16; Viktor Talalikhin. Ảnh: Sputnik |
I-16 có nhiều biệt danh. Người Tây Ban Nha gọi nó là “Mosca”, Trung Quốc gọi nó là “Swallow” (chim nhạn) còn Nhật Bản gọi nó là “Abu” (Gadfly – con mòng). Tuy nhiên ở Liên Xô, chiếc chiến cơ này được biết đến với cái tên “Ishachok” (Donkey).
Đây là chiếc máy bay đầu tiên của Liên Xô có bộ phận tiếp đất có thể thu gọn vào trong thân máy bay. Trong các cuộc thử nghiệm đầu tiên, phi công Valery Chkalov gặp khá nhiều khó khăn với máy bay và cho rằng nó khó điều khiển. Sau đó, chiếc máy bay được cải tiến và trong những ngày đầu của chiến tranh, những chiếc Ishachok đã đối đầu với máy bay của Không quân Đức và thường dùng chiến thuật lao vào đối phương. Phi công I-16 Ivan Ivanov được xem là người đầu tiên làm điều đó chỉ 25 phút sau khi cuộc chiến tranh bắt đầu [ngày 22/6/1941].
Khi bay với một chiếc I-16, phi công Viktor Talalikhin cũng đã sử dụng chiến thuật “taran” như vậy. Đêm 6-7/8/1941, thiếu úy 22 tuổi nhận lệnh xuất kích chặn các máy bay ném bom của Đức. Ở gần làng Kuznechiki, chỉ cách Moscow vài km, Talalikhin đối đầu với hỏa lực từ chiếc Heinkel He 111 và quyết định lao vào đối phương. Viên phi công đánh trúng phần đuôi chiếc máy bay ném bom của Đức và nhảy dù thoát an toàn. Talalikhin được trao huân chương Anh hùng Liên Xô vì hành động dũng cảm của mình.
Chiến cơ dễ bay nhất
Tháng 6/1945, các phi công của Trung đoàn tiêm kích Normandie-Niemen đã hạ cánh tại sân bay Le Bourget ở Pháp trong những chiếc Yak-3. Chúng quả thực là những chiếc máy bay dễ bay nhất và cơ động nhất trong số các loại máy bay thời đó, và Pháp chỉ muốn bay với những chiếc Yak-3.
Phi công Trung đoàn tiêm kích Normandie-Niemen; Yak-3. Ảnh: Sputnik |
Cùng với những chiếc Yak-3, các phi công Pháp tham gia vào cuộc giải phóng Lithunia (Chiến dịch Baltic) tháng 11/1944 và chiến đấu ở Đông Prussia năm 1945. Kết thúc chiến tranh, Liên Xô đã tặng khoảng 40 chiếc Yak-3 cho Pháp và ngày nay, một trong số này được trưng bày ở bảo tàng Le Bourget.
Bóng ma thiết giáp
Chiếc xe tăng KV-1 (được đặt theo tên của Nguyên soái Kliment Voroshilov), được người Đức đặt biệt danh là “Gespenst” (Ghost, hay bóng ma).
Quả thực, chiếc xe tăng này là một điều vô cùng bất ngờ đối với người Đức. Nặng khoảng 47 tấn, chiếc KV được bảo vệ bởi lớp giáp dày khoảng 75mm, lớp bảo vệ không thể xuyên thủng ở thời điểm đó. Xe tăng KV được sử dụng trong giai đoạn 1941-1942 để ngăn chặn quân Đức ở Mặt trận phía Tây.
Xe tăng KV-1 tại bảo tàng UMMC ngoại ô Yekaterinburg. Ảnh: Bảo tàng UMMC |
Tháng 6/1941, trong Trận chiến Raseiniai (Lithuania ngày nay), một chiếc KV đã cầm chân được một đoàn hộ tống quân sự Đức trong 2 ngày. Ban đêm, những kẻ phá hoại tìm cách làm nổ tung chiếc xe tăng, nhưng tất cả những gì họ làm được chỉ là phá hủy bánh xích của xe tăng. Chiếc xe tăng bị bất động và trở thành mục tiêu của hỏa lực. Chỉ có súng phòng không mới có thể phá hủy được KV-1 cùng kíp lái.
T-34 –chiếc xe tăng làm đổi chiều chiến tranh
T-34 là một trong những biểu tượng nổi bật nhất của chiến tranh và là chiếc xe tăng được sản xuất hàng loạt nhiều nhất ở Liên Xô. Chỉ riêng vùng Ural (Nizhny Tagil, Chelyabinsk và Sverdlovsk/nay là Yekaterinburg), có khoảng 25.000 chiếc T-34 được sản xuất trong giai đoạn 1942-1944. Xe tăng T-34 cũng được lắp ráp ở Kharkov (Ukraine), Gorky (Nizhny Novgorod), Stalingrad (Volgograd) và Omsk.
Huân chương "Vì bảo vệ Moscow" có khắc hình xe tăng T-34 tank cùng Bức tường Kremlin Wall ở phía sau. Ảnh: Nikolay Kovalevsky |
Ở phía bắc Vùng Moscow, có một bảo tàng T-34, và đây là bảo tàng duy nhất trên thế giới chỉ chuyên về 1 chiếc xe tăng. Cũng tại đây, gần làng Sholokhovo, chỉ cách Kremlin 30km, quân Đức đã bị chặn lại tháng 12/1941. Trong cuộc phản công của Hồng quân, những chiếc T-34 hạng trung mới đóng một vai trò đặc biệt, giúp đẩy lùi kẻ thù ra khỏi phạm vi 250km từ thủ đô. Chỉ riêng một kíp tăng (dưới sự chỉ huy của thượng úy Dmitry Lavrinenko – một lính tăng hàng đầu), đã phá hủy khoảng 50 chiếc xe tăng Đức trong 2 tháng trong quá trình bảo vệ Moscow.
Bước ngoặt của cuộc chiến là sau Trận chiến Kursk, trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử, trong đó có sự tham gia của khoảng 2 triệu người, 6.000 xe tăng và 4.000 máy bay. Hai phần ba số xe tăng của Liên Xô là xe tăng hạng trung T-34.
“Tháp pháo của T-34 cũng có thể được lắp đặt trên các loại vũ khí khác, ví dụ như tàu (chạy trên sông) thiết giáp “Đề án 1124” và “Đề án 1125” trong hạm đội Damube và Volgas, và vì lý do nay, chúng được gọi là “xe tăng trên sông” theo Grigory Pavlyukov, thuộc bảo tàng các thiết bị quân sự và dân sự UMMC nói.
Trong những năm chiến tranh, nhiều nhà máy, nhiều nông trường tập thể và thậm chí là các hiệp hội sáng tạo đã gây quỹ cho việc sản xuất thiết bị quân sự. Năm 1944, số tiền được giáo dân của Nhà thờ Chính thống giáo Nga tài trợ đã chi vào việc xây dựng binh đoàn Dimitry Donskoy, gồm 40 xe tăng (19 chiếc xe tăng T-34-18 và 21 chiếc OT-23). Chúng tham gia vào Trận sông Dniester, giải phóng Vienne và Prague và giao tranh trên các đường phố Berlin.
Sau chiến tranh, nhiều phiên bản của T-34 được đưa vào hoạt động tại hơn 40 nước./.