So sánh sức mạnh của các tàu ngầm mới lớp Columbia, lớp Dreadnought và SNLE-3G
VOV.VN - Một số tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo - trụ cột của các biện pháp răn đe hạt nhân của nhiều cường quốc đang cận kề thời hạn loại biên. Các tàu ngầm kế nhiệm đang được phát triển để duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy.
Tàu ngầm lớp Columbia
Tàu ngầm lớp Columbia, trước đây được gọi là tàu ngầm tương lai SSBN-X, là một lớp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) của Hải quân Mỹ, được thiết kế để thay thế các tàu ngầm lớp Ohio. Chiếc đầu tiên chính thức được khởi đóng ngày 1/10/2020, sẽ được trang bị tên lửa UGM-133 Trident II, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2031.
Việc thiết kế và phát triển công nghệ của lớp Columbia dự kiến sẽ tiêu tốn 4,2 tỷ USD (thời giá năm 2010), mặc dù để tiết kiệm kinh phí, công nghệ và cấu thành phần từ các lớp Ohio và Virginia sẽ được ứng dụng, nếu có thể. Chi phí để đóng chiếc Columbia đầu tiên ước tính khoảng 6,2 tỷ USD. Hải quân Mỹ đưa ra mục tiêu giảm chi phí trung bình của 11 chiếc còn lại theo kế hoạch trong lớp xuống còn 4,9 tỷ USD mỗi chiếc. Tổng chi phí vòng đời của toàn bộ lớp này ước tính khoảng 347 tỷ USD.
Tàu ngầm lớp Dreadnought
Kể từ khi quả bom hạt nhân WE.177 cuối cùng của Không quân Hoàng gia Anh bị loại biên vào năm 1998, kho vũ khí hạt nhân của Anh hoàn toàn được bố trí trên tàu ngầm. Tại Vương quốc Anh, các tàu ngầm lớp Vanguard được đưa vào trang bị vào những năm 1990 với thời hạn phục vụ dự kiến là 25 năm.
Theo Đánh giá Phòng thủ Chiến lược (SDR), Anh duy trì một kho dự trữ khoảng 215 đầu đạn, với khoảng 120 đầu đạn đang hoạt động. Duy trì răn đe liên tục, tại bất kỳ thời điểm nào, trên biển có ít nhất một SSBN lớp Vanguard với 16 trong tổng số 48 đầu đạn tên lửa Trident, trực chiến.
Lớp Dreadnought thay thế lớp tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Vanguard trong tương lai, sẽ mang tên lửa Trident II D-5. Theo dự án được chính thức công bố vào năm 2016, chiếc đầu tiên của lớp này sẽ được đặt tên là Dreadnought, và lớp đó sẽ là lớp Dreadnought. Ba chiếc tiếp theo sẽ được đặt tên là Valiant, Warspite và King George VI.
Tàu ngầm lớp SNLE-3G
Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Triomphant của Pháp đi vào hoạt động từ năm 1997 và dự kiến sẽ được loại biên vào khoảng năm 2035. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thế hệ thứ ba (Sous-Marin Nucléaire Lanceur d’Engins de Troisieme Génération - SNLE 3G) là một lớp tàu ngầm đang được phát triển cho nhiệm vụ răn đe hạt nhân của Hải quân Pháp. Việc bắt đầu giai đoạn thiết kế chi tiết chung được công bố ngày 18/2/2021.
SNLE 3G đang được thiết kế để thay thế cho lớp Triomphant hiện tại bắt đầu từ khoảng năm 2035 và có thể sẽ hoạt động đến cuối năm 2090, nhằm đảm bảo tính liên tục khả năng răn đe trên biển của Pháp với mức tối thiểu một SSBN tuần tra trên biển tại mọi thời điểm. Chiếc SSBN thế hệ thứ ba đầu tiên sẽ được chuyển giao vào năm 2035, tiếp theo - cứ sau 5 năm một tàu. Chúng sẽ mang theo thủy thủ đoàn 100 người và được trang bị 16 tên lửa hạt nhân M51.
Các tàu SNLE 3G dự kiến sẽ được đóng bởi Naval Group ở Cherbourg và TechnicAtome và sẽ có phần đuôi hình chữ X như được tàu ngầm tấn công lớp Barracuda. Chuỗi cung ứng sẽ có sự tham gia của 200 công ty và 3.000 người. Giai đoạn thiết kế dự kiến cần 15 triệu giờ công và việc chế tạo mỗi tàu ngầm - 20 triệu giờ công. Ước tính chi phí của dự án vào khoảng 40 tỷ euro, mặc dù theo Bộ Lực lượng Vũ trang, còn quá sớm để đưa ra một con số cụ thể.
Cả ba thiết kế mới đều có nhiều điểm chung, ví dụ hình dáng bên ngoài, bánh lái dạng X và máy bơm phản lực mới nhất. Bên trong, chúng cũng có thể chia sẻ nhiều công nghệ nhạy cảm, nhưng có một số khác biệt lớn trong thiết kế tổng thể.
Số lượng tên lửa
Với chiều dài khoảng 171m, tàu lớp Columbia sẽ có chiều dài tương đương với các SSBN lớp Ohio hoặc hơn một chút, mặc dù mang ít tên lửa đạn đạo hơn. Ban đầu, mỗi chiếc Ohios mang theo 24 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident nhưng con số này của Columbia sẽ giảm xuống còn 20 quả, chủ yếu là do tiết kiệm kinh phí. Nhưng về cơ bản, mỗi tàu có đủ tên lửa để đảm bảo gây tổn thất không thể chấp nhận được đối với bất kỳ kẻ xâm lược hạt nhân nào. Người Mỹ tin rằng, 12 tàu ngầm với 16 tên lửa mỗi tàu sẽ đủ sức răn đe đáng tin cậy trong tương lai.
Tàu ngầm lớp Columbias sẽ mang tên lửa Trident D5 giống như tàu lớp Ohio hiện tại. Mỹ đang có kế hoạch thay thế Trident D5 bằng một tên lửa mới từ những năm 2040. Lớp Dreadnought của Anh cũng sẽ mang ít tên lửa hơn của lớp Vanguard hiện tại (12 thay vì 16 tên lửa) và tải trọng thực tế có thể thấp hơn trong thực tế. Do có mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác ngày càng tăng giữa Mỹ và Anh, các tên lửa và các khoang chứa tên lửa tương ứng trên tàu ngầm của Mỹ và Anh giống nhau.
Hai đối tác này cũng sẽ chia sẻ các thành phần quan trọng trong khoang lò phản ứng hạt nhân và máy móc. Các khoang tên lửa quyết định phần lớn kích thước của con tàu, sẽ có thiết kế chung. Các mô-đun tên lửa mới được chế tạo theo bộ 4 ống phóng. Tàu lớp Colombia sẽ có bốn bộ (16 tên lửa) và Dreadnought ba (12 ống tên lửa).
Không giống như thiết kế của Mỹ và Anh, SNLE-3G của Pháp sẽ giữ nguyên số lượng tên lửa như lớp Triomphant hiện tại. SNLE-3G sẽ được tích hợp 16 ống phóng và được trang bị SLBM M51 mới nhất. SNLE-3G dự kiến sẽ tận dụng công nghệ từ tàu ngầm tấn công lớp Suffren mới nhất. Do kích thước của tên lửa, thân tàu sẽ phải lớn hơn, và SNLE-3G không đơn thuần là một chiếc Suffren đã được cải biên.
Khả năng tàng hình
Không có gì ngạc nhiên khi cả ba loại tàu trên sẽ hoạt động tàng hình hơn các loại tàu hiện có. Đối với các thiết kế của Mỹ và Anh, các lò phản ứng hạt nhân mới kết hợp với hệ thống truyền động turbo-điện sẽ giảm tiếng ồn hơn nữa. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nhiều không gian hơn, vì vậy các con tàu ngày càng lớn hơn về kích thước và trọng lượng rẽ nước mặc dù mang ít tên lửa hơn.
Tàu ngầm của Anh sẽ sở hữu các tính năng tàng hình đáng chú ý nhất. Lớp Dreadnought có thể sẽ chọn hình dạng thân tàu góc cạnh bên ngoài mà nước Anh đã âm thầm phát triển trong hơn 30 năm qua. Loại tàu góc cạnh này đã được biết đến nhiều hơn qua thiết kế Type-212CD của Đức, nhưng được các nhà thiết kế người Anh kết hợp với nhiều mức độ khác nhau. Tàu ngầm của Pháp cũng sẽ có khả năng tàng hình được hoàn thiện bằng việc gắn các hệ thống máy móc một cách tối ưu để giảm tiếng ồn; sử dụng gạch chống ồn mới ở bên ngoài thân tàu, tương tự như thiết kế của Anh.
Cả ba thiết kế mới hứa hẹn sẽ tạo ra những con tàu có khả năng đáng kinh ngạc, sẽ kế thừa xứng đáng các lớp tàu Ohio, Vanguard và Triomphant. Điểm khác nhau là các thiết kế của Mỹ và Pháp sẽ mang nhiều tên lửa hơn, trong khi điểm nhấn ấn tượng nhất về các công nghệ tàng hình mới là thiết kế của Anh. Điều lớn hơn được rút ra là chúng cũng giống nhau về nhiều phương diện, nhiều chi tiết so với các thế hệ trước. Các thiết kế của Mỹ và Anh nói riêng thậm chí còn chia sẻ nhiều về thiết kế và các cấu phần./.