Sức mạnh tên lửa diệt hạm Kh-32 Nga dùng tấn công mục tiêu mặt đất ở Ukraine
VOV.VN - Thông tin mới nhất cho hay, oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M3M phiên bản hiện đại hóa của Nga đang sử dụng các tên lửa hành trình diệt hạm Kh-32 mới để tấn công chính xác vào các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.
Hé lộ mới nhất của truyền thông Nga
Tiết lộ mới nhất trên đến từ một bài viết của hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti vào ngày 2/11. Hãng này trích dẫn một nguồn tin quốc phòng Nga giấu tên.
Nguồn này cho biết tên lửa Kh-32, bắt nguồn từ tên lửa hành trình chống hạm Kh-22 thời Liên Xô, được thiết kế cho phiên bản máy bay Tu-22M3M nâng cấp. Một số chiếc Tu-22M3 đã được chuyển loại để phù hợp với tên lửa mới Kh-32.
Trước “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Nga từng nói rằng họ sẽ nâng cấp 30 chiếc máy bay ném bom Tu-22M3 thành phiên bản Tu-22M3M, nhưng cho đến nay chỉ có 4 máy bay như vậy được cho là đã trải qua quá trình nâng cấp.
Nguồn tin nói với hãng RIA: “Trong khuôn khổ chiến dịch đặc biệt, các máy bay Tu-22M3 chuyển đổi thực hiện phóng hàng loạt tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm Kh-32 mới vào các cơ sở hạ tầng trên bộ của phía Ukraine. Kết quả là, năng lực của các tên lửa này đã xác nhận đầy đủ trong điều kiện chiến đấu, đã đánh trúng và hiệu quả vào mục tiêu”.
Nguồn tin nói thêm rằng “chưa một quả tên lửa Kh-32 nào bị hệ thống phòng không Ukraine chặn được”.
Tên lửa hành trình Kh-32 so với Kh-22
Kh-32 là tên lửa tiếp nối Kh-22 được đưa vào phục vụ trong quân đội Liên Xô vào năm 1968 và tiếp tục được quân đội Nga sử dụng. Hai tên lửa giống nhau về hình thức, kích cỡ và trọng lượng.
Hai loại tên lửa này do Cục thiết kế hàng hải Raduga thiết kế. Mỗi quả nặng khoảng 5.800kg, dài 12m với đường kính 1m và sải cánh 3m.
Tuy nhiên, đầu đạn Kh-32 nhẹ hơn của Kh-22. Đầu đạn gắn trên Kh-22 nặng 900kg, còn trên Kh-32 chỉ nặng 500kg. Không gian trống còn lại trên Kh-32 được dùng để chở thêm nhiên liệu.
Tên lửa Kh-32 bay ở tốc độ hành trình từ Mach 3.5-4.6 (tương đương 4.000-5000km/h) và lên tới Mach 4.15 (5.124km/h) ở giai đoạn bay cuối.
Kh-32 có tầm bay tối đa là 1.000km và thiết bị dò tìm bằng radar có thể khóa mục tiêu ở cự ly từ 200-300km, trong khi Kh-22 có biên độ khóa trong cự ly từ 80-330km.
Tên lửa Kh-22 hoạt động ở các tần số cố định, khiến nó dễ bị gây nhiễu bằng radar. Trong khi đó, Kh-32 được trang bị thiết bị dò tìm bằng radar đa tần số, nên ít bị gây khó trước radar gây nhiễu của đối phương.
Sau khi phóng, tên lửa Kh-32 vọt lên độ cao khoảng 40km, vượt ra ngoài tầng bình lưu, rồi bổ nhào xuống mục tiêu theo chiều thẳng đứng, khiến nó rất khó bị bắn hạ.
Lợi thế vượt trội của Kh-32 trước đối thủ
Tên lửa Kh-32 dùng dẫn đường quán tính cho giai đoạn hành trình và thiết bị dẫn đường bằng tần số vô tuyến điện cho giai đoạn cuối. Tên lửa không phụ thuộc vào các hệ thống điều hướng vệ tinh như GPS hay GLONASS. Người ta cho rằng Kh-32 hoàn toàn “miễn nhiễm” trước các phương tiện đánh chặn và hệ thống phòng không. Tên lửa này được cho là chịu được các phát đạn từ pháo nòng xoay 20mm, một quả tên lửa AIM-7 hoặc 2 quả tên lửa AIM-9.
Các tên lửa Kh-32 cũng có thể trao đổi thông tin định vị mục tiêu với nhau giữa quá trình bay.
Mục đích chính của tên lửa Kh-32 và Kh-22 là phá hủy tàu mặt nước. Kh-32 đã cải thiện các đặc tính phục vụ xuyên thủng hệ thống phòng không của các nhóm tàu sân bay và nó có thể phá hủy các tàu sân bay, nên được đặt biệt danh “sát thủ tàu sân bay”.
Tầm bay 1.000km của tên lửa Kh-32 bảo đảm máy bay ném bom Tu-22M3 có thể đánh trúng mục tiêu từ bên ngoài bán kính phòng không của đội hình tàu sân bay. Trong khi đó, tầm đánh chặn xa nhất của một máy bay Mỹ xuất phát từ hàng không mẫu hạm là 700km (tính từ tàu sân bay). Còn Tên lửa Tiêu chuẩn-6 (SM-6) của hải quân Mỹ (dùng để tác chiến trên không) có tầm bắn là 240km với độ cao tối đa là 33km và tốc độ bay Mach 3.5 (4.000km/h hay 1.200m/s). Tốc độ tối đa của SM-6 khi đánh chặn mục tiêu cơ động ước tính là 800m/s.
Như vậy, Kh-32 vượt qua độ cao tối đa của SM-6 đến 7km và vượt tốc độ tối đa của SM-6 đến 400m/s (chênh lệch lớn).
Đem tên lửa diệt hạm để tấn công mục tiêu trên bộ
Được biết, quân đội Nga đã sử dụng tên lửa săn hạm Kh-22 để tấn công các mục tiêu trên bộ ở Ukraine kể từ đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhưng đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Nga đưa tin về việc sử dụng Kh-32 ở Ukraine.
Dựa trên các tin tức truyền thông thì có thể thấy quân đội Nga đang sử dụng Kh-22 thường xuyên hơn so với Kh-32, có lẽ vì kho đạn Kh-22 tồn đọng từ thời Liên Xô còn nhiều mà tuổi thọ của các tên lửa này sắp hết, và việc sử dụng chúng ở Ukraine dẫu sao vẫn có lợi về chi phí hơn là vứt bỏ chúng đi.
Trong khi đó, toàn bộ kho tên lửa Kh-32 từ trước thời điểm Nga phát động chiến dịch tấn công Ukraine ước tính chỉ có khoảng 100-150 đơn vị.
Bộ Quốc phòng Nga giải thích với RIA Novosti về việc dùng hai loại tên lửa săn hạm trên vào mục đích tấn công trên bộ: “Ngày nay, Kh-32 về thực chất không còn là một loại tên lửa chuyên về diệt hạm nữa mà đã trở thành tên lửa đa năng, có khả năng đánh cả mục tiêu trên mặt nước lẫn mục tiêu nhỏ trên mặt đất với hiệu quả cao ngang nhau”.
Cụ thể ngoài chiến hạm mặt nước, Kh-32 được cho là còn có thể phá hủy các căn cứ quân sự, nhà máy điện và cầu…/.