Sức mạnh tiêm kích Su-34 được Nga nâng cấp thành vũ khí răn đe chiến lược
VOV.VN - Máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 của Nga gần đây đã được nâng cấp để phóng tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình tầm xa, biến chúng trở thành vũ khí răn đe chiến lược.
Theo RIA Novosti, Nga đã nâng cấp các máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 NVO (Khả năng Mới), để phóng tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình tầm xa.
Bản thân tên lửa hành trình hay tên lửa siêu thanh không phải mới, nhưng chúng không nằm trong hệ thống vũ khí của Su-34 trước đây. Việc tích hợp các vũ khí này lên Su-34 là giải pháp mới nhằm làm tăng tính đa dạng trong quá trình tác chiến.
Su-34 NVO lần đầu tiên được đưa vào phục vụ trong trung đoàn không quân ở vùng Chelyabinsk vào tháng 3/2021. Biến thể này khác với mẫu cơ bản ở hệ thống tác chiến điện tử (EW) cải tiến, cũng như khả năng điều khiển và dẫn đường cho vũ khí.
Su-34 NVO được trang bị radar cải tiến và hệ thống điện tử hàng không mới, một máy tính dành cho tổ hợp tìm kiếm và dẫn đường, hệ thống bay tự động ở độ cao thấp và bản đồ kỹ thuật số.
Năm 2020, có thông tin cho rằng tổ hợp vũ khí dành cho Su-34 NVO sẽ bao gồm tên lửa chống hạm Kh-35U và tên lửa Kh-38ML để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất thông qua dẫn đường bằng laser, cũng như tên lửa không đối không R-77-1 để tấn công các mục tiêu trên không.
Tên lửa hành trình tầm xa
Nguồn tin RIA Novosti không nêu tên loại tên lửa hành trình tầm xa mới được tích hợp, nhưng nhiều khả năng đó là Kh-101, loại tên lửa tàng hình có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân. Biến thể trang bị đầu đạn hạt nhân có tên là Kh-102.
Tên lửa được cho là có tầm hoạt động 4.500 km, được trang bị hệ thống dẫn đường INS, các hệ thống TERCOM, DSMAC và bộ thu GPS/GLONASS.
So với biến thể cũ Kh-555 ALCM được trang bị vũ khí thông thường, Kh-101 có độ chính xác được cải thiện đáng kể và trọng tải lớn hơn, khiến nó phù hợp để sử dụng chống lại các mục tiêu kiên cố.
Theo các nguồn tin mở, Kh-101 có trọng lượng chiến đấu 2.400 kg (bao gồm đầu đạn nặng 400 kg), dài 7,45m, tốc độ Mach 0,6 - 0,78. Tên lửa có thể được trang bị đầu đạn nổ mạnh (HE), đạn xuyên phá hoặc đạn chùm.
Kh-101 hiện được tích hợp với máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MSM của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal
Đầu tháng này, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin Su-34 đã lần đầu tiên phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal.
“Máy bay chiến đấu Su-34 đã phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhóm phi công đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ này đã được trao phần thưởng cấp nhà nước”, TASS dẫn lời một quan chức quốc phòng Nga cho biết nhưng không tiết lộ thời gian và địa điểm tiến hành cuộc không kích.
Kinzhal thường được triển khai trên máy bay chiến đấu đánh chặn MiG-31K. Theo các chuyên gia quân sự, máy bay ném bom Tu-22M3 là phương tiện duy nhất ngoài MiG-31K có thể mang tên lửa Kinzhal. Một số chuyên gia khác nhận định máy bay ném bom chiến lược Tu-160 cũng sắp được trang bị tên lửa siêu thanh này.
Tuy nhiên, việc sử dụng Su-34 làm bệ phóng Kinzhal là một động thái bất ngờ và đáng chú ý của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Su-34 trở thành nền tảng chiến lược
Khoảng 100 máy bay Su-34 đã được sản xuất theo hợp đồng dài hạn giữa Bộ Quốc phòng Nga với Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) và Công ty Sukhoi.
Đầu tháng 6/2020 Bộ Quốc phòng Nga và Công ty Sukhoi đã ký hợp đồng cung cấp khoảng 20 máy bay ném bom tiền tuyến Su-34. Những chiếc máy bay này (Su-34M) được sản xuất dựa trên phiên bản cơ sở nhưng có một số chỉnh sửa cụ thể dựa trên kinh nghiệm của các phi công.
Các phiên bản Su-34 hiện tại cũng được nâng cấp lên tiêu chuẩn Su-34M.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã đàm phán hợp đồng cung cấp 76 máy bay ném bom Su-34 NVO hiện đại hóa vào năm 2027. UAC sẽ sản xuất 8-14 máy bay mỗi năm.
Ở Syria, Su-34 chủ yếu được sử dụng để thả bom không dẫn đường và tên lửa không đối đất dẫn đường chính xác tầm ngắn. Trong khi đó, ở chiến trường Ukraine, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga tiến hành các cuộc tấn công chính xác bằng tên lửa không đối đất như như tên lửa chống bức xạ Kh-31P, tên lửa không đối đất tầm xa Kh-59 dẫn đường quang học/radar, tên lửa hành trình tầm xa Kh-36 và tên lửa không đối đất tầm ngắn Kh-38.
Công cụ răn đe đáng tin cậy của Nga
Kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát, Mỹ và các nước phương Tây đã viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Kiev. Phạm vi tấn công của những vũ khí này đã tăng từ 70 km lên 300 km. Tầm tấn công có thể tăng lên 500 km nếu Đức đồng ý cung cấp tên lửa hành trình tàng hình Taurus.
Trước đây, các nhà lãnh đạo phương Tây ngăn Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga bằng vũ khí NATO. Giờ đây điều này dường như đã bị loại bỏ.
Phát biểu trên ABC trong bối cảnh Mỹ đồng ý cung cấp số lượng hạn chế tên lửa ATACMS cho Ukraine, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh: “Xét về quyết định nhắm mục tiêu, đó là quyết định của họ, không phải của chúng tôi”.
Nga nhiều lần chỉ trích phương Tây chuyển vũ khí cho Kiev, đồng thời cảnh báo điều này khiến thành viên NATO trở thành bên tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine.
Việc nâng cấp Su-34 lên vai trò chiến lược sẽ tăng thêm khả năng răn đe của Nga vì nhiều lý do. Su-34 được sử dụng rộng rãi hơn nhiều so với các máy bay ném bom chiến lược. Ngoài ra, Su-34 được tối ưu hóa cho chuyến bay tầm thấp trong thời gian dài, khiến việc phát hiện chúng trở nên khó khăn khi sử dụng radar trên mặt đất và AWACS (Hệ thống Kiểm soát & Cảnh báo Trên không).
Trong trường hợp xảy ra xung đột với NATO, Su-34 của Nga có thể mang theo 2 tên lửa Kh-101, di chuyển đến các điểm phóng mà không bị phát hiện và phóng tên lửa từ một hướng bất ngờ. Khả năng phóng tên lửa Kinzhal của Su-34 cũng bổ sung thêm một khía cạnh chiến lược khác, khiến máy bay ném bom tiền tuyến trở thành một công cụ răn đe đáng tin cậy.