Tàu ngầm Type 212 Philippines sắp sở hữu có gì đặc biệt?
VOV.VN - Hội tụ tinh hoa công nghệ tàu ngầm Đức, Type 212 là sát thủ phi hạt nhân dưới mặt nước đáng sợ nhất, được mệnh danh là "F-22 giữa lòng đại dương”.
Để thay thế tàu ngầm Type 206, vào những năm 1990, Đức bắt đầu chương trình phát triển tàu ngầm Type 212 trên cơ sở cải tiến Type 209 và áp dụng hệ thống động lực không dùng không khí (Air-Independent Propulsion - AIP). Năm 1994, Hải quân Đức và Italy hợp tác thiết kế tàu ngầm phi hạt nhân mới, có thể hoạt động cả ở vùng biển nông và hẹp ở Baltic và vùng biển sâu hơn của Địa Trung Hải, mang tên Type 212A. Tháng 4/1996, Hải quân hai nước đã bắt đầu đóng bốn tàu đầu tiên cho hải quân mỗi nước tại cơ sở của Tập đoàn Howaldtswerke-Deutsche Werft AG (HDW), chiếc đầu tiên đi vào hoạt động năm 2005.
Tàu ngầm Type-212 - một trong những tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới; Nguồn: globalsecurity. |
Type 212 - Tàu ngầm phi hạt nhân tối tân bậc nhất thế giới
Lớp Type 212 hiện đang có trong biên chế của Hải quân Đức (sẽ có 8 chiếc, ký hiệu S 181 (U31) đến S188 (U38)), cũng là lớp Todaro của Italy (4 chiếc (S 526 - S 529)), là tàu ngầm phi hạt nhân rất tiên tiến, trang bị động cơ diesel-điện, AIP sử dụng pin nhiên liệu hydro nén dùng màng trao đổi proton (PEM). Type 212 có trọng lượng giãn nước khi nổi 1.450 tấn, khi lặn 1.830 tấn, dài 56m, rộng 7m, mớn nước 6m, tốc độ tối đa khi lặn 20 hải lý/giờ, tầm hoạt động 14.800km. Tàu có tính tự động hóa rất cao nên thủy thủ đoàn chỉ 22 người (5 sĩ quan).
Tàu ngầm Type 212 được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm có thể triển khai nhiều loại ngư lôi hiện đại, gồm ngư lôi dẫn đường bằng cáp quang DM2A4 có tầm bắn lên tới 50km, tốc độ tối đa 92,6km/h; ngư lôi WASSS A184 Mod.3; ngư lôi Black Shark và tên lửa hành trình chống hạm Harpoon. Tàu còn được trang bị 1 hệ thống tên lửa đối không IDAS để chống lại các mối đe dọa đường không tầm thấp, cũng như một khẩu pháo nhỏ 30mm Murane có thể hỗ trợ hoạt động tác chiến dưới nước. Đức đang có kế hoạch đưa tên lửa hành trình đối đất có tầm phóng xa hơn tích hợp cho Type 212.
Tàu ngầm Type -212 (U31) của Hải quân Đức; Nguồn: wikipedia. |
Giữa lúc tranh chấp Biển Đông đang căng thẳng, Bộ Quốc phòng Philippines đang huy động 554 triệu USD ngân sách cho hải quân vào năm 2020, tăng 4,3% so với ngân sách năm nay. Bên cạnh việc trang bị thêm các tàu mua mới từ nước ngoài, Hải quân Philippines cũng đang cố gắng thúc đẩy khả năng tự đóng tàu. Một trong những yêu cầu của quốc gia này đối với nhà cung cấp tàu tuần tra xa bờ là ít nhất một nửa số tàu sẽ được sản xuất tại Philippines.
Hải quân Philippines vừa công bố danh sách các tàu chiến sẽ được bổ sung cho lực lượng này, gồm có tám tàu tấn công nhanh mới có khả năng mang tên lửa có tốc độ 40 hải lý/giờ, sáu tàu tuần tra xa bờ mới, hai tàu hộ tống mới, hai tàu hộ tống lớp Pohang được tân trang cùng lớp với tàu BRP Conrado Yap được Philippines mua lại từ Hàn Quốc, và đặc biệt, hai tàu ngầm Type 212 mua từ Đức; đã đưa nhân sự đến Đức học cách vận hành tàu ngầm.
Và những điểm đặc biệt
Type 212 là một trong số ít những tàu ngầm được trang bị động cơ điện-diesel, AIP - hoạt động mà không cần sử dụng oxy lấy từ không khí (thông qua việc nổi lên sạc ắc qui, hay dùng ống thở). Dùng AIP, Type 212 khắc phục được nhược điểm của các tàu ngầm điện-diesel trước đây - thời gian hoạt động liên tục dưới lòng biển ngắn, phải thường xuyên nổi lên lấy oxy, chạy máy phát điện, xạc ắc quy …, dễ bị đối phương phát hiện và truy kích, tiêu diệt.
Tàu ngầm lớp Todaro Scire (S-527) của Hải quân Ý; Nguồn: wikipedia. |
Tháng 4/2006 tàu ngầm Type 212 số hiệu U-32 đã lập kỷ lục dành cho tàu ngầm phi hạt nhân khi lặn liên tục 1.500 hải lý mà không nổi lên mặt nước; tháng 5/2013, tàu ngầm U-36 đã lập một kỷ lục khác khi lặn liên tục trong 18 ngày mà không cần sử dụng ống thở.
Type 212 có thể vận động với tốc độ cao bằng năng lượng động cơ diesel hoặc chuyển sang hệ thống AIP để lặn chậm trong im lặng, thải ít nhiệt; có thể lặn ba tuần mà không nổi lên - vượt xa thời gian lặn tối đa của tàu ngầm Kilo 636 (Nga) hay Scorpene (Pháp). Hệ thống này cũng được cho là không rung, cực kỳ yên tĩnh và hầu như không thể phát hiện được. Ngoài hệ thống AIP, Type 212 còn được trang bị động cơ diesel MTU 16V 396 và động cơ điện Siemens Permasyn cùng chân vịt 7 lá với hình dạng tương tự cánh quạt trên máy bay vận tải hiện đại, góp phần giảm đáng kể tiếng ồn cũng như cải thiện hiệu suất. Ngoài ra, Type 212 được chế tạo từ loại thép không tạo ra từ tính giúp nó vô hình hoàn toàn với các thiết bị phát hiện từ tính (MAD) lắp trên tàu ngầm, máy bay săn ngầm và trực thăng săn ngầm của cả Mỹ, NATO và Nga.
Type 212 cũng là loạt tàu ngầm đầu tiên được trang bị hệ thống pin nhiên liệu hydro của hãng Siemens, sử dụng oxy và hydro để phát điện, được ứng dụng công nghệ nano để thu nhỏ kích cỡ, nén công suất bằng màng lọc proton nano. Pin hydro không gây ồn cao, chỉ kém các động cơ diesel-điện thông thường, được dự báo sẽ thay thế các chất oxy hóa như hydro peroxide (H2O2) - khá nguy hiểm, dễ gây cháy nổ, mặc dù có ưu điểm giữ bí mật cao, khí thải có thể đưa ra biển hoặc hấp thụ bằng các chất rẻ tiền như vôi…, khiến đối phương khó có thể phát hiện.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất, với thiết kế thủy động lực học đặc biệt, Type 212 có thể hoạt động trong vùng nước sâu chỉ 17m và có 3 bệ phóng cho 3UAV trinh sát, cho phép tiếp cận gần bờ mà chưa một loại tàu ngầm nào cùng loại có thể làm được. Tuy kém hơn Kilo 636 ở hệ thống tên lửa hành trình, nhưng bù lại Type 212 sở hữu hỏa lực phòng không đáng gờm với hệ thống tên lửa IDAS dẫn đường bằng cáp quang có tầm phóng tới 20km (xa hơn hệ thống phòng không kiểu vác vai trên các tàu ngầm Nga).
Các tàu ngầm phi hạt nhân Type 212 có thể thực hiện một loạt nhiệm vụ, từ tác chiến chống ngầm đến đối hạm, hỗ trợ các lực lượng đặc biệt tiến hành hoạt động thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát. Giới chuyên gia cho rằng Type 212 mạnh hơn tàu ngầm Kilo và cả Lada của Nga, được mệnh danh là "F-22 giữa lòng đại dương", vẫn là một trong những "sát thủ dưới mặt nước" đáng sợ nhất thế giới ở thời điểm hiện tại./.