UAV không phải “viên đạn thần” quyết định kết quả xung đột ở Ukraine
VOV.VN - UAV không phải “viên đạn thần” cung cấp khả năng thay đổi cuộc chơi hay quyết định vận mệnh của các bên xung đột, nhà quan sát Paul Lushenko nhận định trên The Conversation.
Các máy bay không người lái là trung tâm cuộc xung đột ở Ukraine. Một số nhà phân tích nhận định, UAV đã định hình xung đột, không chỉ tác động ở cấp độ chiến thuật mà còn định hình những kết quả chiến dịch và chiến lược.
Trước tiên, cần phân biệt các cấp độ chiến tranh này. Cấp độ chiến thuật là các hoạt động trên chiến trường, chẳng hạn như tuần tra hoặc đột kích. Cấp độ chiến dịch là sự đồng bộ hóa các hành động chiến thuật của quân đội để đạt được các mục tiêu quân sự rộng hơn, chẳng hạn như phá hủy các thành phần của quân đội đối phương. Cấp độ chiến lược liên quan đến cách thức mà các mục tiêu quân sự này kết hợp với nhau để đảm bảo đạt được mục tiêu chính trị, đặc biệt là chấm dứt chiến tranh.
Trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhiều minh chứng cho thấy các UAV đã mang đến một số thành công về chiến thuật và chiến dịch cho cả hai bên. Tuy nhiên, chúng không hiệu quả về mặt chiến lược. Bất chấp việc gia tăng sử dụng UAV, Ukraine không thể đẩy lùi Nga khỏi khu vực Donbass và Moscow cũng chưa thể phá vỡ ý chí kháng cự của Kiev.
Cuộc chiến UAV ở Ukraine
Cuộc chiến UAV ở Ukraine có những điểm khác biệt nhất định so với cách các quốc gia khác sử dụng UAV, đặc biệt là Mỹ.
Đầu tiên, Mỹ sử dụng UAV trên toàn cầu và thường trong các khu vực xung đột không được công nhận bởi Liên Hợp Quốc hoặc không có quân đội Mỹ trên thực địa. Không giống các cuộc tấn công "ngoài đường chân trời" kiểu này, Ukraine và Nga sử dụng UAV trong suốt cuộc xung đột được giới hạn bởi biên giới hai bên.
Thứ hai, Mỹ vận hành các UAV được vũ trang và được liên kết với nhau, chẳng hạn như Reaper - UAV tiên tiến nhất thế giới. Trong khi đó, Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi UAV tầm thấp và tầm trung.
Đội quân UAV của Ukraine bao gồm các UAV giá rẻ, có thể dễ dàng trang bị vũ khí. Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh ước tính, Ukraine tổn thất 10.000 UAV mỗi tháng và ước tính trong 1 năm tới nước này sẽ có trong tay khoảng hơn 2 triệu UAV. Để xoay xở được số phương tiện này, gần đây Ukraine đã thành lập một nhánh mới của lực lượng vũ trang đó là Lực lượng Các Hệ thống không người lái.
Theo The Conversation, Nga đã phản ứng bằng cách nhập khẩu UAV cảm tử Shahed-136 do Iran sản xuất. Nước này cũng mở rộng việc sản xuất UAV trong nước, chẳng hạn như Orion-1, được sử dụng cho các hoạt động giám sát và UAV Lancet được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công.
Nga có kế hoạch sản xuất ít nhất 6.000 UAV theo mẫu Shahed-136 vào năm 2025 tại một nhà máy mới rộng bằng 14 sân bóng. Bên cạnh đó, hiện Nga đang sản xuất được khoảng 100.000 UAV giá rẻ mỗi tháng.
Thứ ba, Mỹ sử dụng các máy bay không người lái để tấn công những thứ được chỉ định là các mục tiêu giá trị cao, trong đó có các nhân vật cấp cao trong các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Nga và Ukraine sử dụng UAV cho các mục đích chiến thuật, chiến dịch và chiến lược.
Ảnh hưởng chiến thuật
Các UAV có tác động lớn nhất trên mức độ chiến thuật của cuộc xung đột. Cụ thể Đơn vị Trinh sát Trên không Aerorozvidka của Ukraine đã sử dụng các UAV để ngăn chặn và phong tỏa một đoàn xe lớn của Nga, di chuyển từ Chernobyl tới Kiev một tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Kiev cũng dùng UAV để phá hủy các phương tiện di chuyển chậm khiến Nga phải từ bỏ cuộc tiến công của mình.
Cả Nga và Ukraine đều sử dụng các máy bay không người lái "góc nhìn thứ nhất", chẳng hạn như Switchblade do Mỹ sản xuất hoặc Lancet của Nga để tấn công các xe tăng, xe bọc thép chở quân nhân và binh lính đối phương. Các lực lượng của Nga và Ukraine cũng tăng cường sử dụng các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, kết hợp với các máy bay không người lái giá rẻ khác để trinh sát và tấn công mục tiêu để ngăn chặn đối phương.
Ngăn chặn lực lượng hoặc vũ khí đối phương thực hiện nhiệm vụ của mình là nhiệm vụ thường dành cho pháo binh. Chẳng hạn, hỏa lực ngăn chặn có thể buộc bộ binh phải trú ẩn trong chiến hào hoặc hầm trú ẩn và ngăn họ tiến qua các vùng đất trống.
Những thành quả này đã khiến Nga và Ukraine phát triển các biện pháp đối phó với UAV của nhau. Chẳng hạn, Nga đã tận dụng khả năng tác chiến điện tử tiên tiến để gây nhiễu đường dây liên lạc giữa những người điều khiển và các máy bay không người lái. Moscow cũng đánh lừa hệ thống liên lạc trên bằng cách tạo ra tín hiệu giả để đánh lạc hướng các UAV của Ukraine và khiến chúng lao xuống đất.
Trong khi đó, những người điều khiển UAV của Ukraine đang thử nghiệm các biện pháp để đối phó với các hệ thống gây nhiễu và đánh lừa.
Thành quả chiến dịch hạn chế
Các máy bay không người lái ít thành công hơn ở cấp độ chiến dịch, được thiết kế để tích hợp các cuộc giao tranh thành các chiến dịch để đạt được những mục tiêu quân sự lớn hơn.
Vào mùa xuân năm 2022, Ukraine đã sử dụng một UAV TB-2 cùng với các phương tiện khác để đánh chìm chiến hạm Moskva của Nga trên Biển Đen. Kể từ đó, các quan chức Ukraine tuyên bố đã phá hủy thêm 15 tàu chiến Nga cũng như gây hư hại thêm cho 12 chiến hạm khác.
Ukraine cũng sử dụng xuống không người lái trên biển để tấn công Cầu Kerch, nối Bán đảo Crimea với lục địa Nga, cũng như tấn công các kho nhiên liệu trên Biển Baltic và gần St. Petersburg.
Việc Ukraine thiếu ưu thế trên không đã khuyến khích nước này sử dụng đội quân máy bay không người lái để thực hiện các nhiệm vụ thường dành cho máy bay ném bom, máy bay phản lực, trực thăng tấn công và máy bay không người lái cao cấp.
Mặc dù Đan Mạch và Hà Lan cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine tiêm kích F-16 để thay thế các chiến đấu cơ đã cũ của nước này nhưng chúng vẫn chưa đến tay Kiev. Theo nhà quan sát Paul Lushenko, Mỹ có thể sẽ không cung cấp các máy bay không người lái Reaper cho Ukraine do lo ngại leo thang căng thẳng với Nga. Ngoài ra, những UAV này cũng dễ tổn thương trước các hệ thống phòng không của Moscow.
Việc thiếu ưu thế trên không cũng làm nghiêm trọng thêm các thách thức chiến thuật với Ukraine như các hệ thống gây nhiễu và thiết bị đánh lừa.
Thách thức chiến lược
Bất chấp những hiệu quả chiến thuật và những thành quả chiến dịch hạn chế, các máy bay không người lái không có hiệu quả về mặt chiến lược.
Các máy bay không người lái chưa và sẽ không thể định hình kết quả xung đột ở Ukraine. Chúng không cho phép Ukraine phá vỡ tình thế bế tắc trước Nga và cũng không khiến Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Bài học từ Ukraine là trong khi máy bay không người lái có một vài giá trị ở cấp độ chiến thuật và chiến dịch thì chúng không có hiệu quả chiến lược. Chúng không phải “viên đạn thần” cung cấp khả năng thay đổi cuộc chơi để quyết định vận mệnh của các bên xung đột. Thay vào đó, các quốc gia phải dựa vào các hoạt động triển khai binh chủng hiệp đồng trong khi phối hợp lực lượng và các hệ thống vũ khí để đạt được mục tiêu.