Ukraine gắn vũ khí mồi nhử cho MiG-29 để đánh lừa phòng không Nga
VOV.VN - Trong khi chờ đợt chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên từ phương Tây để đối phó với ưu thế trên không của Nga, Ukraine dường như đã trang bị tên lửa mồi nhử phóng từ trên không (MALD) thu nhỏ ADM-160 cho tiêm kích MiG-29, theo một số hình ảnh trên mạng xã hội.
Bức ảnh cho thấy một chiếc MiG-29 của Không quân Ukraine thuộc Lữ đoàn không quân chiến thuật 114 bay tầm thấp, dưới cánh của máy bay là tên lửa mồi nhử phóng từ trên không ADM-160 MALD do Mỹ cung cấp. MALD biên chế vào lực lượng không quân Mỹ từ năm 2009, thường được tích hợp vào phi đội B-1B phóng từ các máy bay chiến đấu F-16 hoặc máy bay ném bom B-52H.
Mặc dù những mồi nhử này đã được sử dụng để đánh lừa các hệ thống phòng không của Nga kể từ năm 2023, nhưng đây là lần đầu tiên trong hơn một năm qua, một máy bay chiến đấu của Ukraine được nhìn thấy trang bị tên lửa mồi nhử ADM-160 MALD. Đây cũng có thể là lần đầu tiên máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine được trang bị ADM-160 MALD.
Theo EurAsian Times, dù Ukraine đã nhận được tên lửa mồi nhử từ Mỹ vào năm 2023, nhưng Kiev không chính thức thừa nhận việc này. Đến tháng 5/2023, mảnh vỡ của một tên lửa mồi nhử này được phát hiện ở Lugansk, cho thấy lực lượng Ukraine đã sử dụng loại vũ khí này. Các mảnh vỡ thu được tại miền Đông Ukraine cho thấy đây có thể là ADM-160 phiên bản cũ hơn.
Sau khi phát hiện ra mảnh vỡ của ADM-160 MALD, các nhà quan sát và chuyên gia quân sự bắt đầu suy đoán về phương tiện mà Ukraine sử dụng để phóng tên lửa mồi nhử. Một số chuyên gia ban đầu cho rằng đó có thể là MiG-29, loại máy bay này cũng đã được kết hợp với các hệ thống vũ khí khác của Mỹ, chẳng hạn như bom thông minh JDAM-ER và tên lửa AGM-88 HARM. Một số chuyên gia khác lại cho rằng ADM-160 MALD có thể được trang bị cho máy bay Su-27.
Cách hoạt động của tên lửa mồi nhử ADM-160 MALD
ADM-160 MALD là vũ khí được sử dụng để đánh lừa hệ thống phòng không của đối phương. Tên lửa có thể lập trình, bắt chước máy bay của đối phương để gây nhầm lẫn cho hệ thống phòng không tích hợp (IADS). Dù thiếu đầu đạn nổ hoặc khả năng tấn công nhưng tên lửa này có ý nghĩa đáng kinh ngạc trong vai trò tấn công.
“AGM-160B MALD về cơ bản là một tên lửa hành trình/bom lượn nhỏ được trang bị gây nhiễu radar, có khả năng phát bức xạ tín hiệu giống như trên bộ phận điều khiển hoả lực của các loại tên lửa. Sự xuất hiện của hệ thống này trong kho vũ khí của Ukraine có ý nghĩa rất lớn”, Trent Telenko, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.
AGM-160B MALD là tên lửa hành trình thu nhỏ nhằm đánh lừa lực lượng phòng không đối phương hơn là có vai trò tấn công chủ động. Chúng có thể gây nhiễu radar của đối phương hoặc đánh lừa người điều khiển nghĩ rằng các mối đe dọa đang tiếp cận từ các hướng khác nhau, thường xuyên chuyển hướng sự chú ý của lực lượng phòng thủ khỏi các mối đe dọa thực sự sắp xảy ra.
Có báo cáo cho rằng Ukraine đã sử dụng những mồi nhử này kết hợp với tên lửa tầm xa Storm Shadow. Với trọng lượng khoảng 136kg, AGM-160B MALD có thể được lập trình để sao chép các tín hiệu radar của máy bay và tên lửa khác nhau, từ đó đánh lừa hệ thống phòng không Nga.
Tờ Izvestia cho biết, quân đội Nga ngày 12/1 đã phá hủy 2 tên lửa ADM-160 MALD của Ukraine.
Theo báo cáo của RIA Novosti, hệ thống dẫn đường quán tính với sự hỗ trợ của GPS sẽ giữ giúp tên lửa mồi nhử ADM-160 MALD di chuyển theo “đường đi đã được lập trình”. Người điều khiển có thể chuyển hướng bất cứ lúc nào, ngay trước khi phóng.
Do một chiếc tên lửa hành trình mồi nhử ADM-160 MALD có giá lên tới 300.000 USD, nên Ukraine chỉ sử dụng loại vũ khí này trong nhiệm vụ phá hủy các mục tiêu có giá trị cao. Bởi vậy, việc các hệ thống phòng không Nga “chạm trán” với tên lửa này là rất ít khi xảy ra.
Vì không nhìn thấy ADM-160 MALD trên giá treo của tiêm kích MiG-29 trong bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội, một số nhà quan sát cho rằng chiếc máy bay chiến đấu này có thể đang trở về sau một chuyến xuất kích.
Hình ảnh này xuất hiện vào thời điểm giao tranh giữa Nga và Ukraine đang trở nên căng thẳng, đặc biệt ở khu vực Kharkov. Đầu tháng 5, Nga phát động một cuộc tấn công trên mặt trận mới và kể từ đó thường xuyên tuyên bố đạt được những bước tiến đáng kể.
Ukraine muốn nhờ phương Tây đánh chặn tên lửa Nga
Khi Nga tăng cường các hoạt động tấn công Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất lực lượng vũ trang của các nước láng giềng NATO có thể đánh chặn tên lửa của Nga bay qua lãnh thổ Ukraine nhằm giúp Kiev phòng vệ.
“Nga đang sử dụng 300 máy bay trên lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi cần ít nhất 120, 130 máy bay để chống chọi trên bầu trời”, ông Zelensky nói.
Ukraine dự kiến sẽ nhận được máy bay chiến đấu F-16 từ phương Tây trong những tháng tới. Nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải chống lại máy bay chiến đấu của Nga, Tổng thống Ukraine nói rằng nếu các quốc gia không thể cung cấp máy bay ngay lập tức cho Ukraine, họ vẫn có thể xuất kích chúng từ các quốc gia láng giềng NATO và bắn hạ tên lửa Nga.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết, Kiev đang thảo luận với các nước khác về việc sử dụng vũ khí của họ tấn công các thiết bị quân sự của Nga ở biên giới và xa hơn bên trong lãnh thổ Nga.
Tổng thống Zelensky nhắc lại rằng ông không phá vỡ thỏa thuận với các đồng minh về việc không sử dụng vũ khí của họ tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
“Chúng ta không thể đặt toàn bộ số lượng vũ khí vào tình thế nguy hiểm”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Tổng thống Zelensky nói rằng diễn biến hiện tại trên chiến trường là “một trong những tình hình khó khăn nhất” kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
“Một làn sóng giao tranh rất mạnh mẽ đang diễn ra ở Donbass. Thậm chí không ai nhận thấy rằng thực tế có nhiều trận chiến hơn ở phía Đông đất nước, đặc biệt là theo hướng Donbass: Kurakhove, Pokrovsk, Chasiv Yar”, ông Zelensky cho hay.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng tình hình ở Kharkov hiện đã được kiểm soát, “nhưng vẫn chưa hoàn toàn ổn định” sau nhiều ngày Nga tấn công.