Uy lực tàu phá băng hạt nhân Rossiya của Nga
VOV.VN - Tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân Rossiya của Nga có thể xuyên qua lớp băng dày hơn 4 mét, điều này nằm ngoài khả năng của bất kỳ nước nào khác.
Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga, Denis Manturov, ngày 20/5 cho biết, Nga sẽ hoàn thành dự án đóng tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới – tàu Rosssiya – vào năm 2030. Thông tin được ông Manturov chia sẻ trên kênh Telegram sau cuộc gặp với Thủ tướng Mikhail Mishustin.
Ông Manturov cho biết tàu Rossiya hiện đang được đóng tại xưởng đóng tàu Zvezda ở Viễn Đông. Tàu sẽ được trang bị hai lò phản ứng RITM-400 công suất 315 MW và 4 máy phát điện turbine.
Ông Manturov cho biết thêm, Nhà máy đóng tàu Baltic vẫn đang tiếp tục chế tạo tàu phá băng hạt nhân có công suất 60 MW. Các tàu phá băng do nhà máy này đóng đã được đưa vào hoạt động bao gồm Arktika, Sibir và Ural ở Bắc Băng Dương. Tàu phá băng Yakutia dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2024.
Phó Thủ tướng Manturov nhấn mạnh, sẽ thêm có 3 tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2026-2030, trong đó tàu Rossiya đánh dấu một bước nhảy vọt đáng kể về năng lực và sức mạnh.
Năng lực vượt mọi đối thủ
Rossiya là tàu đầu tiên trong số 3 tàu được lên kế hoạch theo Dự án 10510. Những tàu phá băng này sẽ do Atomflot quản lý. Atomflot, công ty con của Rosatom, là cơ quan giám sát đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga.
Các tàu phá băng thuộc Dự án 10510 là cần thiết để đảm bảo hàng hải quanh năm dọc theo tuyến đường biển phía Bắc. Thiết kế và thông số kỹ thuật của các tàu phá băng hạt nhân thuộc Dự án 10510 được Cục Thiết kế Trung tâm Iceberg phát triển, đảm bảo chúng đáp ứng các điều kiện khắt khe của môi trường Bắc Cực.
Tàu phá băng Rossiya có các thông số kỹ thuật ấn tượng: lượng giãn nước 70.000 tấn, chiều dài 209,2 mét, chiều rộng 47,7 mét, sâu 18,7 mét, tốc độ 23 hải lý/giờ.
Sau khi đi vào hoạt động, đây sẽ là con tàu mạnh nhất trên thế giới, có khả năng xuyên qua lớp băng dày tới 4,3 mét và tạo ra một kênh rộng tới 50 mét.
Năm 2021, Công ty cổ phần kỹ thuật hạt nhân Afrikantov OKBM của Nga bắt đầu sản xuất các bộ phận chính cho lò phản ứng RITM-400.
Lò phản ứng RITM-400 được cải tiến đáng kể so với lò phản ứng RITM-200 sử dụng trong các tàu phá băng hiện tại thuộc Dự án 22220, chẳng hạn như tàu Arktika đưa vào hoạt động tháng 10/2020.
Với công suất tăng thêm 315 MW, RITM-400 mạnh hơn 1,8 lần so với RITM-200. Bước tiến này sẽ cho phép Rossiya đảm bảo việc di chuyển quanh năm dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc và hỗ trợ các chuyến thám hiểm Bắc Cực, bao gồm cả những chuyến thám hiểm có sự tham gia của các tàu công suất lớn.
Tiến sĩ Alexei Podberezkin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị-quân sự thuộc Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow cho rằng, năng lực của tàu phá băng hạt nhân Rossiya vượt mọi đối thủ hiện nay của Nga.
“Cần phải nói rằng, không có quốc gia nào đang xây dựng các tàu phá băng hạt nhân lớn như vậy. Trên thực tế, có quốc gia muốn khám phá Bắc Cực nhưng lại không có tàu phá băng. Nga đang vượt xa họ. Tất nhiên, Trung Quốc và Mỹ sẽ cố gắng bắt kịp Nga. Nhưng, chưa rõ đến khi nào họ có thể đạt thành công. Ưu điểm chính của tàu phá băng hạt nhân là nó có thể đi qua những tuyến đường xa xôi nhất mà không bị giới hạn bởi thời gian đi đường và nhiên liệu. Nghĩa là, tàu có thể đi qua toàn bộ Tuyến đường biển phía Bắc không chỉ vào mùa hè mà còn cả vào mùa đông. Tàu phá băng có thể vượt qua lớp băng dày tới hơn 4 mét, điều này nằm ngoài khả năng của bất kỳ nước nào khác”, ông Podberezkin nói.
Yếu tố “thay đổi cuộc chơi” ở Bắc Cực
Tàu phá băng là yếu tố thay đổi cuộc chơi được Nga sử dụng để thực hiện những tham vọng ở Bắc Cực, Giáo sư Leonid Grigoriyev thuộc Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh vai trò của tàu phá băng trong các kế hoạch đầy tham vọng của nước này ở vùng Bắc Cực.
Nga có đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, với khoảng 40 tàu, và hiện là nước duy nhất trên thế giới vận hành đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nga hiện có 7 tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân và đến năm 2035 sẽ sở hữu ít nhất 9 tàu loại này. Đây là một phần nỗ lực chiếm ưu thế tuyệt đối của Nga ở Bắc Cực.
Để phục vụ cho tham vọng ở Bắc Cực, Nga không chỉ có tàu phá băng. Moscow đã mua các tàu hộ vệ tên lửa được thiết kế để xâm nhập vùng biển phủ băng. Gần đây, Nga đã chỉnh sửa một tàu ngầm chuyên dụng để hoạt động ở Bắc Cực.
Tuy nhiên, các tàu phá băng cỡ lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân, chẳng hạn như tàu Rossiya sắp ra mắt, vẫn đóng vai trò là trụ cột trong nỗ lực của Nga.
Trong khi đó, Mỹ đang phải vật lộn với tình trạng thiếu tàu phá băng khi chỉ sở hữu một tàu phá băng hoạt động đầy đủ và một chiếc khác gặp trục trặc do nhiều vấn đề.
Vào tháng 8/2020, tàu phá băng Healy đã gặp phải sự cố hỏa hoạn và trục trặc hệ thống động cơ, buộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ này phải hủy bỏ nhiệm vụ đã lên lịch ở Bắc Cực và quay trở lại căn cứ. Tàu Polar Star lớn hơn nhưng cũ hơn và cũng phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng tương tự trong thời gian gần đây.
Mặc dù Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ chuẩn bị nhận 3 tàu phá băng hạng nặng mới, nhưng sự chậm trễ liên tục trong các chương trình mua sắm đã cho thấy thách thức mà Washington đối mặt nhằm thu hẹp khoảng cách với Nga. Các tàu của Mỹ, mặc dù có kích thước tương tự như tàu phá băng Dự án 22220 của Nga nhưng vẫn còn nhiều năm nữa mới được đưa vào sử dụng.
Năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã ủng hộ ý tưởng chính phủ Mỹ mua tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay không có cuộc thảo luận công khai nào nữa về kế hoạch này.