Vũ khí độc nhất vô nhị của Nga có thể đốt cháy UAV, chọc mù vệ tinh
VOV.VN - Nga đang phát triển các loại vũ khí laser tiên tiến có khả năng làm mù các vệ tinh cũng như bắn trúng máy bay trong bầu khí quyển.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông hồi đầu tháng 9, Tổng thống Putin tuyên bố Nga “đang nghiên cứu các loại vũ khí dựa trên nguyên tắc vật lý mới” nhằm đảo bảo an ninh quốc gia. Mặc dù nhà lãnh đạo Nga không đề cập vũ khí cụ thể nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng, tuyên bố của ông Putin nhiều khả năng ám chỉ vũ khí laser và những loại vũ khí năng lượng cao khác.
Trước đó vào năm 2018, Tổng thống Putin đã đề cập vũ khí laser của Nga có tên gọi Peresvet, được thiết kế dành cho tác chiến phòng không và chống vệ tinh. Đến tháng 2/2019, ông đã tiết lộ những tính năng độc nhất vô nhị của vũ khí này cùng với tên lửa siêu thanh Kinzhal.
Vào tháng 5/2022, Nga đã triển khai một loại vũ khí laser khác có tên gọi Zadira trong cuộc xung đột tại Ukraine để bắn hạ máy bay không người lái của đối phương. Ở thời điểm đó, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết: “Nguyên mẫu đầu tiên của vũ khí laser Zadira đã được sử dụng trong thực chiến. Các nhà vật lý học của chúng tôi đã và đang phát triển hàng loạt hệ thống vũ khí laser”.
Tính năng của vũ khí laser Peresvet
Mặc dù thông tin và đặc tính kỹ thuật của các loại vũ khí laser mà Nga chế tạo hầu như được giữ kín. Nhưng truyền thông Nga tiết lộ, Peresvet là tổ hợp laser có khả năng vô hiệu hóa các vệ tinh do thám hiện đại trong quỹ đạo ở độ cao lên tới 1.500km nhờ sử dụng bức xạ tia laser.
Các chuyên gia cho rằng, một tia laser mạnh mẽ với hiệu năng cao có thể làm mù các vệ tinh cũng như bắn trúng máy bay trong bầu khí quyển. Nó cũng có khả năng “đốt cháy” thiết bị của máy bay trinh sát và máy bay không người lái. Nếu được hiệu chỉnh, nó có thể bắn hạ các máy bay này ở cự ly gần. Theo các chuyên gia, Nga từng sử dụng Peresvet để che chắn cho các vị trí phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars.
Phát biểu với Sputnik, Chuyên gia quân sự Nga và đại tá về hưu Yury Knutov cho rằng: “Thông thường chỉ có một tổ hợp laser Peresvet được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Tổ hợp này phát ra tia laser cực mạnh. Dựa trên kích thước của nó, chúng ta có thể suy đoán tia laser này có khả năng “chọc mù” các vệ tinh, tác động đến máy bay không người lái, tên lửa hành trình, thậm chí là cả máy bay chiến đấu và trực thăng. Hệ thống laser này có lẽ là một phần của tổ hợp tên lửa liên lục địa Yars, thuộc lực lượng tên lửa chiến lược”.
Vào tháng 12/2020, Đại tá Sergei Karakaev, chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược của Nga cho biết, Peresvet đã được thử nghiệm để bảo vệ các hệ thống di động trên mặt đất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, chiến đấu. Vũ khí laser không cho phép các vệ tinh trinh sát xác định tọa độ chính xác của các hệ thống tên lửa đạn đạo di động của Nga đang làm nhiệm vụ.
Sức mạnh vũ khí laser Zadira
Vũ khí laser Zadira mới nhất được cho là mạnh hơn hệ thống Peresvet. Nếu như Peresvet có thể “chọc mù” các hệ thống của đối phương thì Zadira có khả năng đốt cháy chúng.
Zadira có thể bắn trúng máy bay không người lái (UAV) cách xa tới 5 km. Trong quá trình thử nghiệm, một máy bay không người lái bay cách đó 5 km đã bị Zadira nhắm trúng và cháy rụi trong vòng 5 giây. Ông Yury Knutov cho biết: “Tổ hợp Zadira hiện đang được Nga sử dụng. Nó có khả năng bắn hạ máy bay không người lái. Tổ hợp này thường được lắp trên xe bọc thép nên có thể tránh được các mảnh đạn pháo của đối phương”.
Zadira hoạt động một cách thầm lặng, không hề gây ra tiếng ồn. Tia laser được mệnh danh là “sát thủ vô hình” với tốc độ tương đương với tốc độ ánh sáng nên đối phương chỉ có thể phát hiện khi bị nhắm trúng. Chi phí để tạo ra một chùm laser có năng lượng cao thấp hơn nhiều so với tên lửa phòng không.
Zadira được thiết kế dành cho khu vực diễn ra các hoạt động quân sự đặc biệt, chủ yếu chống lại máy bay không người lái. Hệ thống phóng ra năng lượng cường độ cao, hoạt động theo cơ chế đốt cháy mục tiêu thông qua tác động vật lý bằng nhiệt.
“Để tiêu diệt máy bay không người lái, bạn cần một hệ thống dẫn đường đặc biệt. Bởi vậy, chúng tôi đã thiết kế trạm quang điện tử tự động theo dõi máy bay không người lái. Sau khi xác định mục tiêu, tia laser sẽ được bật lên và xuyên qua thân UAV khiến chúng bốc cháy trong vòng vài giây”, ông Yury Knutov lưu ý.
Với tổ hợp vũ khí này, Nga có thể đối phó dễ dàng với máy bay không người lái trong khi không cần phải sử dụng các tên lửa đắt đỏ phóng từ hệ thống phòng không tầm ngắn hoặc tầm trung. Mặc dù vũ khí laser khá phức tạp về mặt công nghệ nhưng chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với hệ thống tên lửa phòng không (SAM). Chưa kể, chùm tia laser có thể tiếp cận mục tiêu ngay tức khắc và rất khó bị đánh chặn.
Ngoài các tổ hợp tổ hợp laser Peresvet và Zadira, quân đội Nga cũng cho biết đang phát triển dự án Luchezar. Đây là hệ thống laser di động cỡ nhỏ đầy hứa hẹn, được thiết kế để vô hiệu hóa các thiết bị trinh sát. Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống laser này có thấu kích đặc biệt, cho phép nó phá hủy mục tiêu.
Ưu và nhược điểm của vũ khí laser
Theo ông Knutov, vũ khí laser có thể bắn trúng các mục tiêu gần như ngay lập tức, thậm chí ở khoảng cách xa và hoạt động một cách im lặng. Nhưng chúng vẫn có những nhược điểm nhất định. “Trong điều kiện sương mù, nhiều mây hoặc có mưa, tia laser sẽ hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, một số quốc gia đã có thể tạo ra được những tia laser xuyên qua các đám mây hoặc sương mù. Chẳng hạn, các nhà khoa học tại trường Đại học Wurzburg của Đức đã thành công khi kết hợp 10 chùm tia laser thành một. Và như vậy, thay vì có những chùm tia laser nhỏ công suất 30 kilowatt, giờ đây họ đã có chùm tia laser lớn hơn có công suất 300 kilowatt. Chùm tia laser này không những có khả năng bắn hạ UAV hoặc tên lửa hành trình mà thậm chí cả xe bọc thép”.
Nếu giới khoa học có thể tạo ra chùm tia laser vượt quá 1 megawatt thì điều này sẽ tạo ra bước đột phá thực sự và loại vũ khí laser này sẽ giống như tên lửa hoặc đạn pháo, ông Knutov lưu ý.
Nga cho biết sẽ trang bị cho các máy bay chiến lược và máy bay chiến thuật của nước này các hệ thống vũ khí laser để bảo vệ chúng trước các vụ tấn công bằng tên lửa đất đối không và không đối không có đầu dò quang học.