Vũ khí hạt nhân của Anh có sức hủy diệt mạnh cỡ nào?
VOV.VN - Anh duy trì một hạm đội gồm 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo có khả năng phá hủy cả quốc gia lớn nhất thế giới.
Hạm đội này ra đời sau khi Mỹ, đồng minh của Anh, hủy bỏ một hệ thống vũ khí quan trọng, hứa hẹn đóng vai trò trụ cột trong kho vũ khí hạt nhân của London. 50 năm sau, lực lượng tàu ngầm tên lửa của Anh trở thành lực lượng duy nhất nắm giữ vũ khí hạt nhân quan trọng, mang lại cho nước này sức mạnh răn đe bất biến trước bất cứ cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng nào.
Tàu ngầm HMS Vigilant trước khi ra khơi. Ảnh: SeaForce. |
Sự ra đời của lực lượng tàu ngầm hạt nhân
Vào đầu những năm 1960, lực lượng hạt nhân của Anh chủ yếu dựa vào dàn máy bay ném bom chiến lược còn gọi là “V-Force” bao gồm: Avro Vulcan, Handley Page Victor và Vickers Valiant. Những máy bay này được thiết kế để trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Skybolt, có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không của Liên Xô với tốc độ Mach 12,4 (tương đương hơn 15.000km/giờ). Thật không may, nhiều trục trặc kỹ thuật đã xảy ra với tên lửa Skyboit, buộc chính phủ Mỹ buộc phải hủy bỏ chương trình này vào năm 1962.
Việc hủy bỏ chương trình chế tạo tên lửa Skybolt đã đe dọa lực lượng răn đe hạt nhân của Anh. Thời điểm đó, cả Anh và Mỹ đã chạy đua với thời gian để tìm giải pháp. Mỹ đồng ý cung cấp tên lửa đạn đạo mới phóng từ tàu ngầm có tên gọi Polaris để thay thế Skybolt. Anh không có tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo để có thể sử dụng Polaris vì thế nước này sẽ phải chế tạo loại tàu ngầm như vậy.
Nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Anh cho biết, giống như Pháp, Anh sẽ cần ít nhất 5 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo để duy trì hoạt động răn đe hạt nhân một cách hiệu quả. Con số này sau đó đã được giảm xuống còn 4 chiếc. Các tàu ngầm mới của Anh đòi hỏi phải có tính năng mạnh mẽ giống như tàu ngầm lớp Le Redoutable của Pháp và tàu ngầm lớp Lafayette của Mỹ, với 8 ống phóng tên lửa chia ra làm 2 hàng ở phía sau cánh quạt. Tuy nhiên, tàu ngầm mới lớp Resolution của Hải quân Hoàng gia Anh lại khác biệt ở chỗ nó có các thủy phi cơ nằm trên mũi tàu, có khả năng thu gọn lại khi con tàu neo đậu tại một bến cảng.
4 tàu ngầm mới, về cơ bản đều được đóng tại Anh, trong đó hai chiếc do công ty Vickers Armstrong ở Furness đóng và hai chiếc khác do công ty Cammel Laird ở Birkenhead đóng. Tuy nhiên, tên lửa, ống phóng tên lửa và bộ phận điều khiển hỏa lực được chế tạo tại Mỹ. Mỗi tàu ngầm được trang bị 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Polaris A-3, có tầm bắn hơn 4.000 km. Ban đầu, mỗi tên lửa được trang bị một đầu đạn đơn của Anh. Sau đó phiên bản cải tiến của tên lửa này là Polaris A-3TK đã thay đầu đạn đơn bằng hai đầu đạn Chevaline, cộng thêm các thiết bị hỗ trợ xâm nhập.
Chiếc tàu ngầm HMS Resolution đầu tiên được hạ thủy vào năm 1964 và đưa vào hoạt động trong năm 1967. Tàu ngầm HMS Resolution đã thực hiện thành công vụ phóng tên lửa đầu tiên ngoài khơi biển Florida vào tháng 2/1968. Tiếp đến, Anh đã đóng thành công các tàu ngầm HMS Repulse và HMS Renown, cuối cùng là HMS Revenge, đưa vào hoạt động lần lượt vào các năm 1968 và 1969.
Chương trình nâng cấp vũ khí đầy tham vọng
Đến đầu những năm 1980, có một thực tế là tàu ngầm lớp Resolution cần được thay thế. Dù chiến tranh Lạnh kết thúc và mối đe dọa từ Liên Xô không còn nữa, Anh vẫn quyết định sản xuất tàu ngầm nội địa của riêng mình và trang bị bằng các tên lửa của Mỹ. Kết quả là 4 tàu ngầm lớp Vanguard ra đời gồm HMS Vanguard (hoạt động năm 1993), HMS Victorious (1995), HMS Vigilant (1996) và HMS Vengeance (1999). Vanguard đã thực hiện vụ phóng tên lửa Trident II đầu tiên vào năm 1994 và hoạt động tuần tra đầu tiên vào năm 1995.
Video: Tàu ngầm HMS Vigilant của Hải quân Hoàng gia Anh bắn thử tên lửa Trident. Nguồn: Youtube.
Với lượng giãn nước 15.000 tấn, tàu ngầm lớp Vanguard có kích cỡ to gấp đôi so với tàu ngầm lớp Resolution. Mỗi tàu ngầm có 16 ống phóng, tuy nhiên theo quyết định đưa ra vào năm 2020, mỗi chiếc chỉ được tích hợp 8 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II D-5 do Mỹ sản xuất. Tên lửa Trident II D-5 có tầm bắn hơn 7.400km, đồng nghĩa với việc nó có thể dễ dàng tấn công các mục tiêu của Nga ở Châu Âu. Mỗi tên lửa này còn có khả năng mang 8 đầu đạn hạn nhân 100 kiloton, cung cấp cho mỗi tàu ngầm tổng cộng 6,4 megaton hỏa lực hạt nhân. Giống như Mỹ, Anh duy trì hai hạm đội để vận hành mỗi tàu ngầm nhằm gia tăng khả năng sẵn sàng tác chiến.
Đến năm 2016, Bộ Quốc phòng Anh đã công bố chế tạo tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ mới, có tên gọi Successor thuộc lớp Dreadnought. Hải quân Hoàng gia Anh dự kiến đóng 4 chiếc tàu ngầm lớp Dreadnought, mỗi chiếc nặng 17.200 tấn và công việc bắt đầu vào tháng 9/2016. Mỗi tàu ngầm có 12 ống phóng và sẽ tái sử dụng tên lửa Trident II D-5 từ các tàu ngầm tiền nhiệm. Tàu ngầm lớp Dreadnought dự kiến đưa vào hoạt động vào những năm 2030, với tuổi thọ 30 năm. Bộ Quốc phòng Anh cũng dự trù ngân sách 39 tỷ USD và một khoản kinh phí dự phòng 12 tỷ USD cho chương trình đóng tàu ngầm mới này. Sự ra đời của tàu ngầm lớp Dreadnought sẽ giúp Anh tăng cường khả năng răn đe hạt nhân cho đến giai đoạn những năm 2060, thậm chí xa hơn nữa.
Vào bất cứ thời điểm nào, hàng chục tên lửa hạt nhân của Anh cũng sẵn sàng khai hỏa trong vòng vài phút cảnh báo. Mặc dù không có được khả năng răn đe hạt nhân chiến lược mạnh như Mỹ, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Hoàng gia Anh luôn có khả năng ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công bất ngờ từ đối phương, cũng như thực hiện sứ mệnh kéo dài hàng thế kỷ để bảo vệ đất nước từ trên biển./.
Anh kêu gọi Mỹ ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân bằng thỏa thuận mới
Vì sao hai dự án vũ khí hạt nhân chiến thuật của Liên Xô đoản mệnh?
Vũ khí nhiệt áp - vũ khí hạt nhân không phóng xạ