Vùng 4 Hải quân – điểm tựa vững chắc cho ngư dân trên biển
VOV.VN - Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhiều năm qua, Vùng 4 Hải quân còn tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân vươn khơi an toàn.
Đóng quân ở khu vực Nam Trung Bộ, với nhiệm vụ trực tiếp quản lý và bảo vệ Quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quý, biển Đông và vùng biển phía nam miền Trung, từ Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với nhiều đơn vị đóng quân ở các điểm đảo, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhiều năm qua, Vùng 4 Hải quân còn tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân vươn khơi an toàn. Phóng viên VOV phỏng vấn Thượng tá Trần Mạnh Chiến, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân.
PV: Thưa thượng tá Trần Mạnh Chiến, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhiều năm qua, lực lượng Hải quân còn tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân vươn khơi an toàn. Kết quả công tác này của cán bộ chiến sĩ Vùng 4 thời gian qua?
Thượng tá Trần Mạnh Chiến: Nhận thức rõ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển của lực lượng Hải quân nói chung. Vâng, Vùng 4 Hải quân nói riêng. Trong những năm qua, Vùng 4 Hải quân đã tích cực giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế biển bền vững.
Trước hết Vùng 4 Hải quân đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền trên các vùng biển nào được phân công, tạo niềm tin, sự yên tâm cho ngư dân khai thác hải sản, nhất là khu vực biển, đảo Trường Sa là khu vực khai thác hải sản truyền thống lâu đời của ngư dân nước ta. Thời gian qua Vùng 4 Hải quân thường xuyên duy trì các lực lượng tàu trực các đảo trên quần đảo Trường Sa để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển về nhiên liệu, nước ngọt, sữa chữa hỏng hóc tàu thuyền và hỗ trợ y tế.
Chúng tôi phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, lực lượng có liên quan trong việc bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự và quản lý, theo dõi tàu thuyền thực hiện việc tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Vận động ngư dân chấp hành tốt các quy định về khai thác thủy hải sản, khai thác hải sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và không đánh bắt dưới dạng hủy diệt để giữ nguồn hải sản lâu dài, đặc biệt không vi phạm các vùng biển của nước bạn đánh bắt trái phép.
Hệ thống các âu tàu, các làng chài trên quần đảo Trường Sa là nơi thường xuyên hỗ trợ để bảo đảm nhiên liệu, nước ngọt, thu mua hải sản, giúp ngư dân tăng thời gian hoạt động đánh bắt trên biển. Hệ thống y tế trên các đảo cugx luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ về y tế, chăm sóc sức khỏe cho ngư dân.
Bên cạnh đó chúng tôi duy trì chặt chẽ và thông báo rộng rãi mạng đài canh dân sự, quân sự, thông tin liên lạc thông suốt với các tàu đánh bắt hải sản để bảo đảm cho việc cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Đó là những nét nổi bật trong công tác của Vùng 4 Hải quân trong thời gian qua để nhằm tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế biển, giúp đỡ ngư dân vươn khơi an toàn. Chính điều đó thì tạo niềm tin vững chắc cho ngư dân sau mỗi chuyến tàu ra khơi đánh bắt và sự quan tâm theo dõi, sẵn sàng hy sinh, không ngại khó khăn, gian khổ của những người lính Hải quân để bảo vệ sự an toàn cho bà con ngư dân. Nhiều năm qua, Vùng 4 Hải quân luôn là chỗ dựa vững chắc để bà con yên tâm vươn khơi bám biển an toàn.
PV: Quản lý vùng biển có nhiều tàu thuyền của ngư dân khai thác, nhất là ngư trường Trường Sa. Ở Trường Sa, thời gian qua những âu tàu, làng chài đi vào hoạt động, là địa chỉ tin cậy của ngư dân. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn hoạt động của những âu tàu này?
Thượng tá Trần Mạnh Chiến: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng, hiện nay tại quần đảo Trường Sa có 4 âu tàu (Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Đá Tây) và hai làng chài (Tốc Tan, Núi Le) đủ sức tạo chỗ dựa cho hàng nghìn tàu cá vào neo đậu, tránh trú trong mùa mưa bão, sửa chữa hỏng hóc tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm để hoạt động dài ngày trên biển và khám chữa bệnh. Đây được xem là những ngôi nhà chung giữa biển.
Khi vào âu tàu, làng chài neo đậu, tránh trú, tiếp nhiên liệu… ngư dân được khám, chữa bệnh miễn phí, được sửa chữa, thay thế hỏng hóc thông thường và cung cấp nước ngọt. Đối với nhiên liệu để cho tàu hoạt động đánh bắt hải sản thì được cung cấp cho bà con với giá như trên đất liền.
Từ đầu năm 2020 đến nay, các âu tàu trên quần đảo Trường Sa đã hướng dẫn cho hơn 500 lượt tàu cá vào âu tàu, làng chài tránh trú bão với hơn 3000 lượt ngư dân. Cứu nạn và đưa vào bờ 65 ngư dân an toàn.
Thời gian gần đây một số tàu đánh bắt hải sản của ngư dân đã vi phạm vùng biển của nước ngoài. Nếu chúng ta không có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề về quan hệ quốc tế, nhận thức sâu sắc vấn đề chúng tôi luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho ngư dân làm ăn trên biển đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, chúng tôi đã lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác này một cách thường xuyên. Thời gian qua các âu tàu, làng chài đã làm rất tốt công tác tuyên truyền Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, góp phần nâng cao nhận thức của các ngư dân.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản phổ của các văn bản pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta và Luật Biển quốc tế; những cơ sở lịch sử pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, những văn bản pháp lý về biển, đảo mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng và các nước có liên quan; đẩy mạnh việc tuyên truyền, đấu tranh chống các hiện tượng sai trái, tiêu cực trên biển, đảo như vi phạm quy định về trật tự an toàn trên biển, buôn bán hàng cấm, trốn lậu thuế, đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản, hải sản, phá hoại môi trường sinh thái biển.
Bên cạnh đó, vận động ngư dân kịp thời thông báo về việc tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, không quyền tài phán trên các vùng biển của ta đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực, cơ hội thù địch nhằm mục đích xuyên tạc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
PV: Quân y ở Trường Sa nhiều năm qua cũng là chỗ dựa của bà con ngư dân khai thác quanh khu vực. Công tác quân y thời gian qua được trang bị đầu tư như thế nào để vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, vừa chăm sóc, cấp cứu ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển thưa thượng tá Trần Mạnh Chiến?
Thượng tá Trần Mạnh Chiến: Để đảm bảo sức khỏe bộ đội và còn chăm sóc và cấp cứu được cho ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển. Trong những năm gần đây, hệ thống quân y ở các đảo ở huyện đảo Trường Sa đã được đầu tư trang thiết bị y tế như các máy siêu âm, huyết học, điện tim, tăng áp.. và trang bị đầy đủ cơ số thuốc chữa bệnh.
Các bệnh xá, các cơ sở quân y đều được các bệnh viện thuộc các tuyến đầu của quân đội trực tiếp tham gia phụ trách và đã đưa lực lượng y, bác sĩ luân phiên gia công tác như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì trực tiếp phụ trách tuyến đảo phía Bắc, Bệnh viện Quân y 103 phụ trách tuyến giữa và Bệnh viện Quân y 175 phục trách cụm đảo ở phía Nam quần đảo Trường Sa.
Bên cạnh việc đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, các bệnh xá đảo đã được triển khai đầu tư các hệ thống y khoa trực tuyến để qua đó giúp các bệnh xá kết nối hình ảnh, dữ liệu về các bệnh viện lớn trong đất liền để hỗ trợ về việc hội chẩn và điều trị.
Chỉ tính 10 tháng năm 2020, riêng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho gần 2000 lượt người, với số tiền trên 200 triệu đồng, cấp cứu và điều trị cho hơn 100 lượt ngư dân. Mặc dù ngoài đảo còn có rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã không để xảy ra tai biến trong điều trị.
PV: Tìm kiếm cứu nạn là “mệnh lệnh từ trái tim” khẩu hiệu này đã thấm nhuần với mỗi cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Với diễn biến phức tạp của thời tiết như hiện nay, công tác này được Vùng 4 thực hiện như thế nào, thưa Thượng tá?
Thượng tá Trần Mạnh Chiến: Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong nhiều năm qua lực lượng Hải quân tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân vươn khơi an toàn và đối với việc phát triển kinh tế biển. Đặc biệt trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vai trò của ngư dân là hết sức quan trọng. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Hải quân, trong đó có Vùng 4 Hải quân là tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển, từ đó tạo niềm tin, sự an tâm cho ngư dân khi làm ăn trên biển.
Vùng 4 được phân công quản lý vùng biển rất rộng lớn, bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Thời tiết tại khu vực này rất phức tạp, thường xuyên có dông, lốc bất thường, tần suất bão thì từ 5 đến 10 cơn bão lớn trong năm, đặc biệt là trong những năm gần đây xuất hiện những cơn bão lớn bất thường. Mới đây nhất, chỉ trong vòng 1 tháng, Biển Đông liên tiếp đón 4 cơn bão với cường độ mạnh, trong khi đó trang bị bảo đảm an toàn tàu thuyền của ngư dân mặc dù đã được đầu tư song vẫn còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trên biển.
Trong bão số 8, nhóm 3 tàu cá Bình Định gặp nạn trong quá trình di chuyển vão bờ tránh bão đã gặp nạn trên vùng biển cách Đông Bắc Nha Trang từ 135-170 hải lý, lần lượt mang số hiệu BĐ 96388 TS với 12 lao động, BĐ 98658 TS với 12 lao động và tàu BĐ 97469 với 14 lao động. Ngay sau khi được lệnh của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã thành lập Sở chỉ huy phía trước tại vùng 4 Hải quân do đồng chí Tư lệnh Hải quân trực tiếp chỉ đạo, nhanh chóng điều động 3 lực lượng: Vùng 4 Hải quân, Chi đội Kiểm ngư số 4 và Không quân Hải quân với 3 tàu và máy bay DHC6 hiện đại để tìm kiếm tàu cá, ngư dân mất tích. Cán bộ chiến sĩ Hải quân đã vượt qua mọi điều kiện thời tiết phức tạp, với tinh thần cứu dân là mệnh lệnh trái tim đã cứu kéo 1 tàu cá và 17 ngư dân về bờ an toàn, bàn giao cho chính quyền địa phương .
Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ, giúp đỡ nhân dân làm ăn, sinh sống trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim, từ đó đã triển khai nhiều biện pháp để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Trước hết là kênh thông tin cứu hộ, cứu nạn luôn được duy trì 24/24 h thông suốt, sẵn sàng nhận tin báo của các lực lượng và ngư dân trên biển. Các tàu trực của đơn vị luôn sẵn sàng cơ động khi có mệnh lệnh nên luôn có lượng dự trữ nhiên liệu, nước ngọt, y tế luôn được bảo đảm đầy đủ. Lực lượng không quân, Hải quân cũng luôn duy trì sẵn sàng phối hợp khi có bão hay TKCN trên biển.
Khi có bão, áp thấp nhiệt đới, CBCS tại các đảo ở Quần đảo Trường Sa đã chủ động hướng dẫn tàu thuyền, ngư dân vào các âu tàu để tránh sóng, gió, bảo đảm an toàn.
Trong năm 2019 đã hướng dẫn cho 215 lượt với gần năm 2200 ngư dân vào các âu tàu, cấp cứu 51 lượt ngư dân, cứu kéo thành công 2 tàu cá mắc cạn, 3 tàu hỏng hóc vào sửa chữa, tiếp nhận và bàn giao được 110 ngư dân cho các địa phương khi bị nạn trên biển.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Vùng 4 chỉ đạo các đảo thuộc Vùng quản lý tổ chức công tác giúp đỡ hỗ trợ ngư dân được 28 vụ: cấp cứu, điều trị hơn 150 bệnh nhân trên các đảo; cứu vớt 50 ngư dân khi tàu cá bị cháy, chìm. Sửa chữa khắc phục sự cố cho hàng trăm tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
PV: Có thể thấy thời gian qua Vùng 4 Hải quân đã trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế biển của đất nước. Thưa thượng tá Trần Mạnh Chiến, theo đồng chí, việc kết hợp giữa bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển tạo ra hiệu quả và ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?
Thượng tá Trần Mạnh Chiến: Như chúng ta đã thấy các quốc gia có biển đồng loạt hướng ra biển, phát triển kinh tế biển, thậm chí đối với nhiều quốc gia phát triển kinh tế biển là trụ cột, là xương sống của nền kinh tế. Việt Nam, cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Xác định kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo ra sức mạnh tổng hợp thế và lực mới để vừa phát triển kinh tế, vừa củng cố quốc phòng, an ninh trên biển trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian qua, trong công tác phối hợp tuyên truyền biển đảo, chúng tôi đã tập trung giới thiệu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo và nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển.
Cùng với đó chúng tôi luôn tăng cường xây dựng các đơn vị vững mạnh về mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu cao, đủ sức bảo vệ biển, đảo trong mọi tình huống, đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân làm ăn trên biển cả về vật chất và tinh thần. Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương và các lực lượng có liên quan xử lý kịp thời các tình huống về trật tự, an ninh, duy trì luật pháp trên mọi vùng biển, đảo được phân công quản lý. Đối với các xã đảo trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã tổ chức xây dựng dân quân tự vệ biển và thường xuyên huấn luyện để sẵn sàng huy động trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
Phải khẳng định rằng việc kết hợp giữa bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển là không thể tách rời, luôn có tác động lẫn nhau. Biển có êm, kinh tế biển mới có nền tảng để phát triển bền vững. Kinh tế biển phát triển sẽ quay trở lại, góp phần nâng cao sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chính vì vậy, hiệu quả và ý nghĩa của việc kết hợp hai vấn đề là hết sức quan trọng, là một nội dung chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tá Trần Mạnh Chiến./.