Chuyện quê ý mà

Tiểu phẩm vui của Nguyễn Huấn

Có dễ đến cả chục năm nay - kể từ ngày nghỉ hưu ông Cậy mới lại về quê ăn tết. Như vậy cũng là cố gắng lắm rồi. ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" mà còn lóc cóc tàu xe mấy ngàn cây số từ Nam ra Bắc quả là diệu vợi biết mấy. Chẳng phải ông không có điều kiện đi phương tiện hiện đại. Anh con rể làm Phó Chủ tịch huyện cứ nằng nặc đòi chở bố vợ bằng xe con lên thành phố Hồ Chí Minh mua vé máy bay để: "Ông đi cho nhẹ nhàng, thanh thản, tận hưởng cái cảm giác bồng bềnh trên không trung". Ông không chịu. Ông lý luận rằng: "Tôi chẳng dại đi trao thân gửi phận cho cái thứ chân không đến đất, cật chẳng đến giời. Mắc mớ gì mà bỏ ra hàng đống tiền để ngồi lên  quả bom treo trên sợi tóc ấy.”Anh con rể đành mời ông đi tàu khách Thống Nhất với những lời quảng bá hấp dẫn chẳng kém gì một nhân viên tiếp thị có hạng của ngành đường sắt Việt Nam. Tưởng rằng ông Cậy sẽ hết sức hài lòng khi nghe tả về  đoàn tàu thế hệ mới với những thiết bị nội thất sang trọng, hiện đại và thái độ chu đáo, văn minh của đội ngũ nhân viên phục vụ . Ông Cậy vẫn không ưng, ông bảo:

- Tàu bè thời nay nghe mà phát khiếp! Tại sao lại cứ thi nhau tăng tốc, giảm giờ nhỉ. Đã đành là nên như thế, nhưng phải từ từ. Muốn tăng mà đường xấu, nạn lấn chiếm hành lang và mở đường ngang bừa bãi, đất đá ném lên tàu vù vù.... Thế thì tăng để mà đổ kềnh ra đấy à. Thôi! tôi chả dại lắc lư mấy chục tiếng đồng hồ trên cái "tàu đua tốc độ” ấy. Anh cứ để bố đi xe đò liên tỉnh chất lượng cao là được rồi. Đi thế mới được thoải mái ngắm cảnh quê hương đất nước. Thời gian với  cánh hưu trí là vô biên cương. Đi đâu cũng phải nhẩn nha, vừa an toàn, vừa tiết kiệm...

Thế là sau ba ngày, hai đêm lắc lư trên xe khách, ông Cậy cũng đã về được quê cha đất tổ. Tất nhiên, theo lời ông than thở với bà Na - em gái ông thì cái chuyến xe xuyên Việt ấy cũng chẳng suôn sẻ gì. Nào nạn bán khách, cờ bạc đỏ đen trên xe, rồi ép khách vào quán ăn với giá cắt cổ mà cánh báo chí thường gọi là “cơm tù” vẫn chưa đỡ được là bao.Ông lại còn tận mắt chứng kiến cái cảnh dấm dấm, đút đút tiền mãi lộ theo “Luật rừng” của mấy chú lơ xe với những anh cảnh sát giao thông biến chất nữa chứ. Thật là ngang tai trái mắt.Ăn tết xong, ra giêng ngày rộng tháng dài , dứt khoát sẽ phải viết lại những cảnh đời bất lương ấy để nhờ báo đài đưa lên cho các cụ hưu trí cùng đóng góp ý kiến ngõ hầu giúp cho các nhà chức trách sớm dẹp bỏ tận gốc những tệ nạn nhức nhối trên tuyến quốc lộ Bắc Nam - ông ấp ủ điều đó.

                                                   ***

Nỗi bực bội, mệt mỏi dặm trường cũng qua nhanh bởi trong lòng ông Cậy tràn ngập niềm vui được trở về mái nhà xưa trên mảnh đất mà cha ông để lại. Giao thừa đón xuân Canh Ngọ này sẽ ý nghĩa biết bao trong không khí ấm áp sum vầy cùng vợ chồng người em gái và các cháu chắt. Những khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng mà con người ta chỉ có thể tìm thấy ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Nào ngờ sự thể lại diễn ra khác hẳn so với những gì mà ông Cậy mường tượng từ trước. Ngay tối đầu tiên, cả đại gia đình bà Na đã mở "hội nghị" tại sân nhà để lôi ông vào "bát quái trận đồ". Mở đầu "hội nghị" người em gái giọng đầy lễ nghĩa:

- Em xin đại diện nhà em và các con, cháu, chắt có nhời cảm ơn bác vì bác đã không quản đường sá xa xôi, tuổi già sức yếu về quê hương ăn tết và lo việc phân chia minh bạch  nhà cửa, đất đai mà các cụ để lại …

Ông Cậy nhảy thách lên như bị kiến đốt:

- Cô nói cái gì. Tôi về là vì tình nghĩa…vì tổ tiên… Sao lại có chuyện...

Ngay lập tức, anh con trưởng của bà Na cướp lời:

- Bác ơi! Bác cứ bình tĩnh để nghe mẹ cháu nói cho rõ ngọn ngành đã ạ. Mà thôi, để con thưa với bác cho  có luật lệ hẳn hoi. Chả là thế này bác ạ. Cái việc thừa kế  ấy mà...

Ông Cậy vẫn ngơ ngác:

- Cháu bảo thừa kế cái gì? ai thừa kế?

- Thế bác không định chia phần cho mẹ cháu à?

- Chia phần gì mới được chứ? Mà tại sao lại mang chuyện chia chác ra nói trước con cháu lúc năm hết tết đến thế này? Dẹp ngay cái sự chia bôi gì ấy đi! Tự nhiên lại sinh sự rắc rối rắc rơm .

Anh con cả bà Na phì cười:

-...Bác ơi, sao bác cứ coi luật pháp như  ván bài tổ tôm  ấy ạ.

Đến lúc này thì ông Cậy nổi cáu thật sự:

- Anh đừng có hỗn nhé, ai cho phép anh nói bác anh coi thường pháp luật. Lại còn tổ tôm với tổ cua. Xưa nay tôi không bao giờ dính đến chuyện cờ bạc đâu nhé.

- Hí...Hí...bác bảo không coi thường pháp luật thì tại sao đến bây giờ vẫn không làm thủ tục chia nhà đất thừa kế cho mẹ cháu để mẹ cháu chia cho anh em chúng cháu ạ?

Nghe người cháu thế, ông Cậy thấy trong lồng ngực mình như òa vỡ một cái gì mà những người vốn trọng đạo lý như ông luôn nâng niu gìn giữ. Ông cố nén:

- Thì ra là như vậy, nhưng cụ thể là cô chú và các cháu muốn thế nào?

Cả "hội nghị" nhao nhao như sắp có một trận mưa rào. Anh con cả bà Na vẫn được thay mặt tất cả "đấu lý" với ông bác:

- Thưa bác! ông bà ngoại xưa chỉ có hai người con là bác và mẹ cháu có phải không ạ?

- Đúng thế!

- Tức là khi ông bà mất đi thì toàn bộ gia sản để lại cho hai người con theo luật thừa kế phải không ạ?

- Ngày đó còn đang loạn lạc, nước nhà chưa giành độc lập lấy đâu ra luật lệ.

- Nhưng giờ có luật thì chúng ta phải theo luật bác ạ. Trong Luật dân sự mà cháu nghiên cứu qui định rõ những người thừa kế theo pháp luật, diện con đẻ như bác và u cháu đứng hàng thừa kế thứ nhất đấy ạ.

- Thế còn anh đứng hàng thứ mấy?

- Cháu lại đứng hàng thứ nhất, cái phần mẹ cháu được hưởng thừa kế.

- Hai con cách cách nhà anh cũng thứ nhất chứ?    

- Vâng! dĩ nhiên chứ ạ, hai con vịt nhà cháu cũng sẽ đứng đầu bảng cái phần mà bà nội nó chia cho bố nó...hì hì

Bỗng nhiên cả "Hội nghị "vỗ tay reo hò cứ như vàng tấm rơi lả tả xuống sân. Đang đà hăng hái, anh con cả bà Na tiếp tục:

- Bác ơi, bác đừng trách chúng cháu hỗn láo dám đem của cải ông cha ra mà bàn chuyện chia chác, nhưng cái gì cũng phải công khai, rành mạch bác ạ.”Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” mà bác. Việc bác về hưu vào ở với vợ chồng chị Lựu để lại toàn bộ nhà đất của tổ tiên ông bà cho thầy u cháu và chúng cháu trông nom sử dụng là tấm lòng thơm thảo của bác và chị Lựu. Thế nhưng về lý mà nói thì phần nào của bác, phần nào của mẹ cháu cũng chưa được phân định rõ ràng. Bác thấy đấy, phố huyện đã mở rộng đến đây, đất đai lên giá ầm ầm, anh em chúng cháu thì rất cần mở mang kinh doanh sản xuất để thoát cảnh nghèo túng. Chính vì vậy, mẹ cháu và chúng cháu muốn nhân dịp về ăn tết năm nay bác đứng ra phân định rõ ràng phần đất đai mà mẹ cháu được phép thừa hưởng để mẹ cháu phân định cho 3 anh em cháu rõ ràng, có chính quyền xác nhận hẳn hoi. Làm như thế để bây giờ và sau này anh em con cháu không lâm vào cảnh khiếu kiện, đấu đá nhau, thiên hạ họ cười cho bác ạ. Trên đài, trên báo thỉnh thoảng người ta bêu ra những vụ tranh chấp huynh đệ tương tàn, ngẫm mà xót xa .

Ông Cậy lặng người khi nghe những lời đầy tình nghĩa và cũng rất rắn rỏi của anh cháu ngoại.¤

                                                   ***

Sau một đêm suy ngẫm, sáng sớm hôm sau ông Cậy điện thoại ngay cho vợ chồng cô con gái . Không cần bàn bạc lâu, hai bố con ông đã nhất trí để lại toàn bộ nhà đất, vườn tược cho vợ chồng bà Na để chia cho các con, các cháu. Mọi thủ tục theo quy định của pháp luật, ngay sau tết ông sẽ đứng ra lo thật chu tất và chóng vánh. Ông chỉ yêu cầu xây một gian nhà nhỏ làm nơi thờ tự tổ tiên trong khoảng vườn có mấy cây bưởi giáp tết năm nào  cũng trĩu trịt quả bên những cánh đào phai mướt mát trong làn mưa xuân. Hoa ấy, quả ấy sẽ còn mãi mãi, bởi nó được chính bàn tay của tổ tiên, ông bà nâng niu, vun trồng và chăm bón./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên