Gió reo vườn cũ

Mới đầu ngõ đã nghe thoảng tiếng đàn kìm. Căn nhà tuềnh toàng đến không ngờ của ông Út Thơ đón gió ùa mênh mông từ nẻo vườn rộng.  

Đó là căn nhà của một nghệ sĩ già đã đi qua chiến tranh, nuôi nấng tiếng hát mình trong lửa đạn...

Những năm 60 của thế kỷ trước, nghệ sĩ Út Thơ làm diễn viên, rồi Phó trưởng Đoàn văn công Cần Thơ. Sau khi về nghỉ hưu tại Ô Môn, cái chất nghệ sỹ vẫn chảy trong huyết mạch không ngơi nghỉ. Gặp ông, nghe ông hát, nghe ông say sưa nói về vọng cổ, mới thấy không dễ gì tắt đi ngọn lửa đã được nhóm lên từ rất lâu rồi. “Đờn ca tài tử nhiều khi không cần khán giả, chỉ tự hát tự nghe đã khoái rồi”- Ông Út Thơ trầm ngâm trong tiếng đàn - “Ở vùng Nam Bộ này, từ đám giỗ, đám cưới cho đến đám ma, người ta đều chơi đờn ca, như thể cơm ăn áo mặc vậy”.

Buổi chiều hôm đó gió lộng. Nơi thửa vườn xanh lá, niềm vui của ông Út Thơ được nhân lên gấp bội khi người bạn diễn ăn ý nhất trong đời nghệ sĩ ghé chơi; những người bạn, người em trong ban nhạc tài tử Ô Môn đến hẹn mang theo đàn sến, song loan; người vợ hiền lặn lội vượt cây cầu ọp ẹp vá víu bằng những mẩu tre mẩu gỗ, để mượn bằng được cây ghi-ta phím lõm, linh hồn của những đêm tài tử.

Niềm hạnh phúc lại vỡ òa như buổi ban đầu dù đã trải nhiều buồn vui. Đã bao mùa gió mùa trăng, con sáo bay qua đời. Và cũng đã ngần ấy tháng năm để thương lấy những đời lục bình. Người vợ ông Út ốm nặng từ mấy năm nay. Chút tiền giải thưởng từ những cuộc thi soạn lời ca cổ, ông dành dụm để mua thuốc thang. Tiếng hát, tiếng đàn như liều thuốc quý giúp bà chống chọi với bệnh tật…

Thửa vườn nhà ông Út Thơ như hẹp lại. Tiếng thử đàn làm sốt ruột những người hàng xóm. Tề tựu quanh vườn thấy có ông Sáu Sang, Phạm Vệ, Đào Sinh...; người còn đi làm, người đã nghỉ hưu và cả dăm thành viên ít tuổi mà giọng ca ngọt lịm đã có thể xuống sáu câu vọng cổ rất mùi. Từ đầu buổi, ông Đào Sinh chỉ ngồi lặng lẽ. Dường như ông chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra khi xuất hiện mấy vị khách lạ. Ông thợ cắt tóc Đào Sinh trước là cán bộ văn hóa huyện đã từng giật giải nhất liên hoan tiếng hát nông dân.

Ở vùng này, họ Đào thường là người Khmer nhưng ông Sinh là người Kinh. Người đàn ông nãy giờ im một góc vườn, chợt sôi nổi hẳn lên khi mọi người đem chuyện vọng cổ ra bàn. “Đờn ca là nghiệp thôi, không phải nghề. Tài tử là không hát lấy tiền để sống. Những người cùng sở thích đam mê tập hợp lại, cảm đến đâu đàn ca đến đó, mỗi người mỗi vẻ”.

Ông Sinh mê và khá am hiểu đờn ca nhờ đọc sách, nhờ hay đi nghe chuyện của các bậc tài tử cao niên. Với ông, hát là hạnh phúc, là tỏ nỗi lòng, để mình tâm sự với chính mình. Mà thực ra cái nghiệp đờn ca này không ai dạy được cho ai, mà phải mê, mà phải ngấm tiếng đàn kìm, đàn sến, điệu hát Trường tương tư, Dạ cổ hoài lang, Trăng thu dạ khúc văng vẳng điệu Xuân nữ, Hành vân, Nam Bình…

Vọng cổ là từ tâm. Cổ là tiếng trống. Vọng cổ là Mong được nghe tiếng trống, và bài “Dạ cổ hoài lang” lưu truyền hậu thế có một ý nghĩa thăm thẳm: Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng. Còn lúc này đây, ông Sinh lại đang nhớ người vợ vừa mới mất. Có phải vậy không mà câu hát cứ nghẹn lại… Trong một đêm mưa gió, có một tráng sĩ gục đầu dừng bước, điệu đàn cất lên bi hùng.

Vừa hết đoạn ca của tác giả Hoa Phượng, thấy gió cuộn lên từ góc vườn, rồi khe khẽ thấm vào từng kẽ tóc. Đã cuối chiều, tiếng ca vẫn chưa hết dìu dặt. Một người đàn ông tóc cờm tai, dáng tài tử miệt vườn, ôm cây ghi-ta đệm cho người vợ ốm gày mà giọng ca cao vút. Buổi tối chắc sẽ còn vui. Anh chị nên duyên cũng là nhờ những đêm tài tử dập dìu từ năm mười tám đôi mươi. Giờ đã có cháu nội cháu ngoại ẵm bồng.

Chỉ tự học thôi, cũng điệu Bắc điệu Nam, lời ca xua đi muộn phiền và hờn giận. Buồn hát, vui cũng hát, lúc nào cũng hát được, những bình minh vạm vỡ, những buổi chiều châu thổ âm vang... Chợt lang thang ý nghĩ tới một người bạn, một nhà nghiên cứu văn hóa. Tay lãng du nhiều duyên nợ miền Tây này đi đâu cũng mang theo cuốn sổ ghi lại những chi tiết về quá trình sinh thành vọng cổ: “Trên đường Nam tiến mưu sinh, những lưu dân cùng khổ miền Trung mang theo ca Huế, bài chòi, hát bội...; những trí thức bất mãn với triều đình thì mang theo Hành vân, Lưu thủy, Kim tiền, Bình bán...

Những sắc thái trang nghiêm của âm nhạc cung đình hòa với chất dân dã của bài chòi, xuân nữ cùng tâm trạng của người rời bỏ quê hương… Những lưu dân giờ đây không còn được quyền làm người quân tử ngồi nhấn nhá từng nốt nhạc thẳm sâu trên phím đàn kìm, họ tụ họp lại cùng nhau kẻ ca người hát để vơi bớt nỗi lòng người xa xứ, và sáng tạo ra cây đàn sến khoan nhặt, rộn ràng… Chiều buồn, đêm trăng, con thuyền, đờn ca tự thán cuộc đời khai hoang rừng thiêng nước độc; tình chòm xóm, trung quân ái quốc và gảy khúc giao hòa với thiên nhiên...”.

Nhưng đâu chỉ có ngao du, thù tạc, như hiểu được nỗi hoài nghi của khách, ông Út Thơ phá tan dòng suy nghĩ: “Đờn ca tài tử thấm đẫm đạo lý ở đời. Thoát thai từ nhạc lễ cung đình, vô Nam, thích ứng với môi trường mới, không có trường dạy đạo làm người, nên chỉ có thể truyền dạy qua lời ca, tiếng hát mà thôi”. Khi tiếng đàn sến, đàn kìm, ghi-ta phím lõm cất lên, gác lại những chức tước, danh vị trong đời, chỉ còn gần gũi bình dị những anh Hai, anh Tư, dì Út… Thứ bậc sinh trong nhà được đặt thành tên đại diện cho cái tôi. Bởi vậy mà trong buổi chiều bình dị ấy, không ai nghĩ đến các thứ bậc, hư danh. Lời ca đã xóa hết mọi khoảng cách. Cái khí chất Nam Bộ đó đã thấm vào từng điệu hát và trải mênh mông theo chiều rộng cù lao, châu thổ, miệt vườn.

Mai này, bên căn nhà ở một nơi xa xôi mà trước đây nằm mơ cũng không nghĩ sẽ có một ngày được đặt chân đến, tôi giữ lại nụ cười của người nghệ sĩ già. Sao thật lạ, cứ về miền đất ấy, bàn chân lại muốn ghé tới cái ngõ nhỏ nghèo lấm bụi, đọng nước sau những cơn mưa, khuất hẳn phía sau con lộ lớn; dọc theo mái cũ, những vách tường gỗ thô mộc, chiếc võng nhẹ đưa theo hơi gió; bàn tay lại muốn nắm chặt bàn tay chai sạn mà ấm áp lạ thường.

 Và nhìn thật sâu vào khóe mắt như có những giọt đàn. Ngần ấy tháng năm, tiếng đàn ấy, lời ca ấy cứ quanh quẩn ru người vợ già đau bệnh. Lúc rào rạt, lúc dặt dìu như gió lành thổi qua vườn lá thắm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên