Tiểu phẩm

Hội thi… cúng

Phong bì nằm gọn lỏn trong túi áo, có trời biết được tôi “cúng” ai, “cúng” bao nhiêu – ngoài Sếp và vợ Sếp.

Vương quốc nọ thịnh hành tập quán thờ cúng thần thánh, tổ tiên, ăn sâu vào cuộc sống tâm linh của đại đa số cư dân. Vì lẽ đó, đã thành thông lệ, hàng năm các địa phương đều tổ chức hội thi … “cúng”, với mong muốn duy trì được phong tục cổ truyền, nhưng đồng thời cải tiến, phát triển tư duy “cúng” ngang tầm thời đại, trên tinh thần hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm.

Hội thi năm nay càng rôm rả hơn, bởi có thêm vài công ty, đơn vị hành chính được mời tham gia cho thêm phần phong phú. Bản sắc văn hóa mà lại, có phải mê tín dị đoan đâu mà ngại! Để bảo đảm tính khách quan của hội thi, phòng thi bố trí cách biệt bên ngoài, chỉ có Ban Giám khảo và từng thí sinh riêng rẽ thực hiện.

Cuối cùng, hai thí sinh xuất sắc nhất lọt vào vòng chung khảo – một là Đại Đức X, trụ trì Chùa Y, còn một là Giám đốc Doanh nghiệp lớn tầm cỡ khu vực. Đại Đức X hồi hộp trả lời câu hỏi:

- Thưa Ban Giám khảo. Hưởng ứng chủ trương vì một môi trường sống lành mạnh, tiết kiệm và hiệu quả, bổn sư luôn giáo dục Phật tử sử dụng loại nhang, nến công nghiệp, cháy đến đâu tàn tự hủy đến đó, không khói, mùi nhẹ nhàng, không ô nhiễm.

- Tốt, nếu khắp lãnh thổ, chùa chiền, gia đình nào cũng làm cách đó, chắc chắn mang lại hiệu quả xã hội thiết thực.

Đại Đức X khấp khởi mừng thầm trước nhận xét của Ban Giám khảo, hy vọng đứng lên bục cao danh dự.

Thí sinh thứ hai – Giám đốc nọ tự tin trước câu xử lý tình huống nhạy cảm:

- Thưa Ban Giám khảo. Tôi thường xuyên “cúng”, định kỳ có, bất thường có, nhưng tuyệt nhiên không sử dụng nhang đèn, cũng chẳng cần nến, mà hiệu quả, luôn “hơn cả sự mong đợi”. Tôi “cúng” bằng loại nhang “không màu, không mùi, không vị” và cũng không cần … đốt, bởi nhang sạch tới đâu vẫn để lại hậu quả ô nhiễm môi trường.

- Đề nghị giải thích rõ hơn.

- Thưa, tôi cúng bằng… phong bì! Ấy là mỗi dịp chuẩn bị dự kiến nhân sự bộ máy quản lý, mỗi dịp lễ Tết, hoặc gia đình Sếp có sự kiện giỗ chạp, mừng thọ, sinh nhật, cưới hỏi…, tôi lệnh cho tài vụ chuẩn bị chu tất “nhang đèn” đặc chủng (phong bì), thản nhiên thăm Sếp mà không cần cảnh giác trước báo chí, thiên hạ. Phong bì nằm gọn lỏn trong túi áo, có trời biết được tôi “cúng” ai, “cúng” bao nhiêu – ngoài Sếp và vợ Sếp. 

“Cúng” này ta cũng phải học tập – lễ vật, nhang đèn không màu, không mùi, không vị - mà hiệu quả tất yếu mỹ mãn.

Ban Giám khảo thống nhất chấm điểm tối đa, vị Giám đốc đoạt giải đặc biệt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên