Tết về, tảo mộ cùng cha

Tôi không khi nào quên được niềm vui thiêng liêng mỗi khi đi tảo mộ cùng bố và ông dạy rằng: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”…  

Tết đến, Xuân về, không chỉ là dịp để người sống xum vầy, quây quần bên gia đình, quê hương, chòm xóm. Mà còn là dịp con cháu đón ông bà tổ tiên, những người thân đã mất, và cả những linh hồn phiêu phạt không người thờ cúng, cùng về “chung vui”, giao hòa giữa đất trời. Đã lâu lắm rồi, như một cái lệ trong gia đình, Tết nào hai cha con tôi cũng cùng nhau đi tảo mộ. Cho đến tận khi tôi công tác xa nhà, cha vẫn giữ thói quen chờ tôi trở về để làm công việc thiêng liêng ấy.

Ngày nhỏ, khi tôi mới chỉ mười tuổi, 27 Tết, bố chọn lớp vôi trắng và mịn nhất cho vào một cái xô đỏ. Khi mẹ đi chợ mua hoa cúc vàng và một bó hương to thì bố ở nhà sửa lại cái xe đạp, lót cho một cái yên xe thật êm để đèo tôi cùng đi tảo mộ. Tôi cầm trên tay bó hoa cúc vàng rực rỡ vẫn còn nguyên cả rễ trong bầu đất, tôi hỏi bố: “Vì sao lại tết lại phải đi tảo mộ ạ?”. Bố cười bảo: “Bởi vì theo truyền thống tâm linh người Việt, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của người đã khuất”.

Bố còn nói với tôi rằng, tảo mộ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cháu, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên. Vì tôi là con trai nên phải làm quen với công việc này từ nhỏ, để sau này khi bố đã già thì tôi phải thay bố mà giữ hiếu. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu hết những điều bố dạy. Nhưng cứ nhìn cách bố cẩn thận, nhẹ nhàng quét từng lớp vôi trắng đều lên ngôi mộ, nhổ những cây cỏ hoang, và cúi đầu thắp hương trước tổ tiên đầy thành kính, thì tôi hiểu được rằng đó là một tục lệ rất thiêng liêng.

Bao giờ cũng vậy, sau khi đã quét vôi ve, sửa sang xong mộ của ông bà tổ tiên, bố lại dắt tôi vào nghĩa trang liệt sĩ của xã. Tại đây, tôi gặp rất nhiều người lớn và cả những đứa trẻ như tôi cũng đến để sửa sang cho mộ của các anh hùng, liệt sỹ, trong đó có rất nhiều liệt sỹ vô danh. Nhưng tôi biết họ không hề thấy lạnh lẽo chút nào, mà ấm áp bởi tình người và những nén nhang thơm.

Bố dạy tôi cách trồng những khóm hoa vàng, bố đưa tay tôi dạy cách quét vôi sao cho đều cho mịn. Bố còn dạy tôi thắp hương và nói chuyện cùng các liệt sỹ. Tôi bảo bố: “Nhưng con không biết nói chuyện gì bố ạ”. Bố xoa đầu tôi, cười hiền hậu bảo: “Con kể chuyện ở lớp, ở trường. Rồi con hãy hứa rằng con sẽ chăm ngoan, học giỏi”.

Dần dà, hàng năm dù tất bật thế nào trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng năm nào tôi cũng nhớ phải về trước 27 Tết được đi trồng những khóm hoa xinh, được giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; để được thành tâm mời tổ tiên chuẩn bị cùng về đón Tết với gia đình.

Tôi rất nhớ hình ảnh tay bắt mặt mừng của những người quen gặp nhau khi cùng đi tảo mộ. Trong niềm vui gặp lại sau cả một năm dài bận rộn mưu sinh, họ cùng ôn lại những kỉ niệm đã qua về một thời đói nghèo, khốn khó, đồng kham cộng khổ. Để rồi lúc ra về thấy trong sâu thẳm kia là những ánh mắt buồn vui lẫn lộn. Họ lại hẹn nhau năm sau lại đi tảo mộ.

Ngày xưa lúc còn nhỏ, bố chở tôi đi tảo mộ trên chiếc xe đạp cọc cạch mà lòng hai cha con đều vui phơi phới. Bây giờ, sau gần hai mươi năm, bố tôi đã già đi nhiều, mái tóc đã điểm sương, lưng đã bắt đầu gập xuống, thì mỗi 27 Tết về tôi lại chở bố đi. Để mãi mãi sau này tôi không khi nào quên được cái niềm vui thiêng liêng mỗi khi đi tảo mộ, và càng không thể quên lời bố đã dạy tôi rằng: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên