Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thực hiện ESG - phát triển bền vững

VOV.VN - Chính sách về môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) - là các tiêu chuẩn quan trọng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

 

Theo nhiều chuyên gia thì những doanh nghiệp lớn, thương hiệu “có tên tuổi”, các tập đoàn đa quốc gia rất chủ động triển khai ESG, nhưng việc thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lại đang là thách thức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Cần cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện “ESG” là khuyến nghị từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc Tư vấn các chương trình ESG, KPMG Việt Nam và Campuchia, khi những cam kết của các Chính phủ đưa nền kinh tế chuyển về Net-Zero thì các doanh nghiệp đều đóng vai trò là những trung tâm cốt lõi để hiện thực hóa mục tiêu này. Hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đều có chiến lược chuyển đổi rất rõ ràng.

Tại Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển bền vững của họ và đưa ra các tiêu chí cụ thể về E-S-G, như: định hướng môi trường đến năm 2030 phải giảm 30% các khí phát thải; hay liên quan đến sức khỏe và lợi ích của người lao động… cho dù những tiêu chí định hướng này cũng chỉ mới ở bước khởi đầu.

“Một số doanh nghiệp cũng bắt đầu có ghi nhận việc đo đếm phát thải của doanh nghiệp mình và có chiến lược giảm thải trong thời gian tiếp theo. Một số doanh nghiệp cũng bắt đầu quan tâm đến vấn đề ví dụ như là không làm ảnh hưởng đến cộng đồng, một số doanh nghiệp cũng quan tâm rất nhiều đến việc bảo mật dữ liệu của doanh nghiệp khi mà thương mại điện tử hiện nay. Xu hướng phát triển trong năm tới thì doanh nghiệp cũng bắt đầu tiệm cận với những tiêu chuẩn quốc tế nhiều hơn, các tiêu chí E-S-G đã được đưa vào trong các chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp nhiều hơn” - ông Nguyễn Chí Hiếu nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, ESG chắc chắn là cách tiếp cận mà doanh nghiệp cần hướng tới trong bối cảnh thực hiện phát triển bền vững cũng như tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh, với 10 định hướng và 8 giải pháp, đồng thời khẳng định doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng trong việc thực hiện phát triển bền vững cũng như tăng trưởng xanh.

Về các chính sách cụ thể trong việc thực hiện “ESG”, bà Nguyễn Thị Thanh Nga (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành Chương trình 167 về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong giai đoạn 2022-2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành hướng dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp và cũng đã bắt đầu tiếp cận những dự án đối với các nhà tài trợ, đặc biệt là đang phối hợp với USS để thúc đẩy thực hành ESG trong doanh nghiệp và đang triển khai.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với UNDP để thúc đẩy doanh nghiệp bao trùm trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm… vừa qua đoàn của Quốc hội Việt Nam đã tham gia hội nghị AIPA của khu vực ASEAN thì vấn đề ESG cũng đã đưa vào chương trình nghị sự của các đoàn đại biểu Quốc hội của khu vực ASEAN”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, ESG là phiên bản cập nhật để tiếp cận Net zezo - đưa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP 26, và có nhiều cách để doanh nghiệp tiếp cận. Vấn đề là doanh nghiệp nên lựa chọn cho mình những tiêu chí phù hợp và dễ để thực hiện, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi ESG vẫn đang còn là cách tiếp cận khá mới mẻ đối với Việt Nam.

Nhìn nhận về những khó khăn và thách thức đối với các doanh nghiệp khi xây dựng và triển khai ESG, ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư CMS Solar (doanh nghiệp vừa là chủ thể áp dụng ESG, vừa là đơn vị cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí năng lượng- một hợp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh) cho rằng, yếu tố vốn là rất quan trọng đối với doanh nghiệp và chi phí này cho ESG thì không hề nhỏ. Tuy nhiên lợi thế mà doanh nghiệp thực hiện ESG rất rõ ràng. Doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính với chính sách ưu đãi, việc tiếp cận và mở rộng thị trường cũng thuận lợi hơn và cũng tạo được niềm tin với các nhà đầu tư hơn.

“Những lợi ích phải nói rất rõ ràng và thiết thực khi áp dụng ESG. Yếu tố đầu tiên mà chúng ta đều nhìn thấy đó là “E” - yếu tố môi trường. Khi mà áp dụng ESG thì từ những quy trình về đánh giá, vận hành trong tất cả các bộ phận, từ khi lựa chọn đối tác, triển khai dự án là đều được đánh giá, tích hợp những tiêu chí liên quan đến môi trường và bảo vệ môi trường. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp hạn chế rủi ro liên quan đến những yếu tố phát sinh từ môi trường và ảnh hưởng đến uy tín của công ty, cũng như là tiếp cận một cách thân thiện đối với khách hàng tiềm năng của mình” - ông Bùi Trung Kiên nói.

Cũng theo ông Bùi Trung Kiên, năm 2023 EU sẽ áp thuế phát thải cacbon, các doanh nghiệp muốn tiếp tục tham gia thị trường EU thì bắt buộc thải thực hiện, đáp ứng các tiêu chuẩn này. Và như vậy ESG sẽ là giải pháp và là chìa khoá để các doanh nghiệp thành công tại thị trường quốc tế.

Theo Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman, cùng với sự gia tăng nhu cầu về việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực đang ngày càng nỗ lực để giải quyết các vấn đề liên quan đến ESG nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có tới hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy, vấn đề trước tiên và cốt lõi để doanh nghiệp thực hiện tốt ESG chính là tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và nghĩ tới các giải pháp để thúc đẩy sử dụng năng lượng, giảm tiêu hao năng lượng trên mỗi đơn vị sản phẩm.

Ông Nick Wood - Cố vấn cấp cao của FTI Consulting cũng cho rằng, thực hiện ESG sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro. Hiện Việt Nam và châu Á đang là trung tâm của chuỗi cung ứng. Để tham gia chuỗi cung ứng, doanh nghiệp phải thực thi ESG. Ở Việt Nam vẫn còn khoảng 20-30% năng lượng sử dụng lãng phí, vậy các doanh nghiệp ngay từ đầu hãy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hạn chế pháp lý khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rủi ro cao
Hạn chế pháp lý khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rủi ro cao

VOV.VN - Các doanh nghiệp thường chú trọng đầu tư sản xuất kinh doanh mà chưa có giải pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý, khiến khả năng chống chịu rủi ro pháp lý hạn chế.

Hạn chế pháp lý khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rủi ro cao

Hạn chế pháp lý khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rủi ro cao

VOV.VN - Các doanh nghiệp thường chú trọng đầu tư sản xuất kinh doanh mà chưa có giải pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý, khiến khả năng chống chịu rủi ro pháp lý hạn chế.

Doanh nghiệp phụ trợ nhỏ và vừa mới chỉ tham gia được 20% vào chuỗi liên kết
Doanh nghiệp phụ trợ nhỏ và vừa mới chỉ tham gia được 20% vào chuỗi liên kết

VOV.VN - Các DN phụ trợ trong nước, các DN nhỏ và vừa mới chỉ tham gia được 20% vào các chuỗi liên kết. Hiện các doanh nghiệp FDI cũng có mong muốn được mua hàng từ các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của DN trong nước vẫn chưa đạt chuẩn.

Doanh nghiệp phụ trợ nhỏ và vừa mới chỉ tham gia được 20% vào chuỗi liên kết

Doanh nghiệp phụ trợ nhỏ và vừa mới chỉ tham gia được 20% vào chuỗi liên kết

VOV.VN - Các DN phụ trợ trong nước, các DN nhỏ và vừa mới chỉ tham gia được 20% vào các chuỗi liên kết. Hiện các doanh nghiệp FDI cũng có mong muốn được mua hàng từ các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của DN trong nước vẫn chưa đạt chuẩn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

VOV.VN - Chiếm tới 96% tổng số doanh nghiệp và tạo việc làm cho trên 60% lao động nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất hạn chế.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

VOV.VN - Chiếm tới 96% tổng số doanh nghiệp và tạo việc làm cho trên 60% lao động nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất hạn chế.