95% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế

VOV.VN - Bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là đã có 95% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đến nay, Quỹ BHYT trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám chữa bệnh BHYT và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT.

95% người nhiễm HIV có BHYT, tăng gấp 2 lần trong 5 năm qua

Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), năm 2022, ước tính số ca nhiễm HIV trên cả nước hiện là 242.000 ca, trong đó riêng 9 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện 9.025 ca nhiễm mới; tích lũy số ca nhiễm HIV/AIDS tử vong đến nay là 112.368 ca, trong đó riêng 9 tháng đầu năm nay có 1.378 ca tử vong.

Đặc biệt, tỷ lệ ca nhiễm mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm trở thành đường lây chính.

Nhận định về công tác phòng chống đại dịch HIV/AIDS trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: “Đến nay, Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí đó là: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Nếu ở thời điểm đỉnh cao của dịch (cách đây 13 năm), mỗi năm chúng ta phát hiện được khoảng hơn 30.000 trường hợp nhiễm HIV và khoảng 10.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS thì đến nay, có thời điểm chúng ta đã giảm tỷ lệ này xuống chỉ còn tương ứng với 1/3 số ca mắc mới và 1/5 số ca tử vong so với thời kỳ dịch đỉnh cao. Việt Nam đã giữ vững tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%. Đây là những con số rất ấn tượng nói lên sự cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam”.

Trước xu thế chung của thế giới về cắt giảm nguồn lực tài trợ và để tăng tính tự chủ của các quốc gia trong đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Kể kịp thời thích ứng, Chính phủ đã ngay lập tức chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng và trình Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/10/2013.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, với hành lang pháp lý đầy đủ, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho công tác HIV/AIDS với một số kết quả hết sức ấn tượng. Tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước đã tăng lên tới hơn 51%, trong đó tỷ trọng ngân sách địa phương phân bổ cho phòng, chống HIV/AIDS không ngừng tăng lên qua các năm.

Bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là đã có 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT, tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Đến nay, Quỹ BHYT trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám chữa bệnh BHYT và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn xã hội hóa khác được huy động cho việc phòng chống HIV/AIDS cũng tăng đáng kể (chiếm tới 8%).

Chiến lược chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các thách thức về đảm bảo nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình. Nguồn lực huy động dự kiến giai đoạn 2021- 2030 mới chỉ đáp ứng được 60 - 70% nhu cầu thực tế.

Trong bối cảnh tình hình dịch đang có xu hướng phức tạp, số người nhiễm HIV được báo cáo tăng cao trong 3 năm trở lại đây (tới hơn 13.000 trường hợp), số ca nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới; một số tỉnh, khu vực vẫn còn nhiều nguy cơ cao về bùng phát dịch trở lại như: Đồng bằng sông Cửu long, miền Đông Nam bộ… việc đảm bảo kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS là rất cấp thiết.

Trong khi đó, hiện nguồn tài chính cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế. Các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV, hiện Quỹ BHYT không chi trả. Nội dung chi và định mức chi một số hoạt động đặc thù cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã phân cấp cho ngân sách địa phương đảm nhiệm nhưng hiện nay nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc lập dự toán cũng như phê duyệt. Vì vậy, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

TS Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, để huy động nguồn lực hiện nay, chúng ta cần tập trung vào các nguồn như duy trì phân bổ ngân sách Trung ương; sử dụng ngân sách địa phương; mở rộng chi trả của Quỹ BHYT; tiếp tục huy động viện trợ quốc tế. Trong đó, nhóm giải pháp trọng tâm là tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân; thực hiện mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS từ các tổ chức xã hội; tăng cường các giải pháp điều phối, phân bổ, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực; thiết lập chuỗi cung ứng linh hoạt, sẵn sàng.

Cũng theo TS Dương Thúy Anh, khu vực tư nhân sẽ là giải pháp mới, đột phá; khu vực này cũng đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Để tăng cường huy động từ nguồn này, cần có hành lang pháp lý để khối tư nhân có thể tham gia đầu tư, thậm chí cần cơ chế ưu đãi thuế phù hợp.

Để đảm bảo cho công tác phòng chống HIV/AIDS, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã đề nghị, các địa phương chưa phê duyệt Kế hoạch hoặc Đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cần khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với các địa phương đã có đề án đảm bảo tài chính cần bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch và có hướng dẫn cũng như phê duyệt các nội dung và định mức chi tiêu cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Bộ Y tế chỉ đạo Vụ Kế hoạch Tài chính, Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Vụ pháp chế (Bộ Y tế) phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT được liên tục và ổn định đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Bộ Y tế cũng giao Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các Vụ, cục có liên quan trong Bộ  tế trình Chính phủ cơ chế và hành lang pháp lý thực hiện mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức động đồng, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để phát huy hiệu quả cung cấp dịch vụ trong giai đoạn tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lo lắng khi trót quan hệ với người nhiễm HIV
Lo lắng khi trót quan hệ với người nhiễm HIV

VOV.VN - Bác sĩ Hoàng Thuý Hải tư vấn cho chàng trai lo lắng sau 3 tháng quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV.

Lo lắng khi trót quan hệ với người nhiễm HIV

Lo lắng khi trót quan hệ với người nhiễm HIV

VOV.VN - Bác sĩ Hoàng Thuý Hải tư vấn cho chàng trai lo lắng sau 3 tháng quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV.

Nỗi lo mới về trẻ bị HIV sau đại dịch COVID-19
Nỗi lo mới về trẻ bị HIV sau đại dịch COVID-19

VOV.VN - Đại dịch COVID-19 vừa qua khiến nhiều trẻ bị HIV vốn dễ bị tổn thương nay lại càng thu mình lại, đặc biệt là đối với những trẻ đang trong lứa tuổi vị thành niên. Tình trạng trẻ HIV bị trầm cảm, chống đối nhiều hơn, gây khó khăn cho điều trị.

Nỗi lo mới về trẻ bị HIV sau đại dịch COVID-19

Nỗi lo mới về trẻ bị HIV sau đại dịch COVID-19

VOV.VN - Đại dịch COVID-19 vừa qua khiến nhiều trẻ bị HIV vốn dễ bị tổn thương nay lại càng thu mình lại, đặc biệt là đối với những trẻ đang trong lứa tuổi vị thành niên. Tình trạng trẻ HIV bị trầm cảm, chống đối nhiều hơn, gây khó khăn cho điều trị.

PrEP tình huống: lựa chọn an toàn, phòng ngừa phơi nhiễm HIV
PrEP tình huống: lựa chọn an toàn, phòng ngừa phơi nhiễm HIV

PrEP hiện đã và đang được triển khai thành công tại 29 tỉnh, thành phố. Bên cạnh PrEP được sử dụng hàng ngày, PrEP theo tình huống là sự lựa chọn lý tưởng cho những ai có tần suất quan hệ không thường xuyên.

PrEP tình huống: lựa chọn an toàn, phòng ngừa phơi nhiễm HIV

PrEP tình huống: lựa chọn an toàn, phòng ngừa phơi nhiễm HIV

PrEP hiện đã và đang được triển khai thành công tại 29 tỉnh, thành phố. Bên cạnh PrEP được sử dụng hàng ngày, PrEP theo tình huống là sự lựa chọn lý tưởng cho những ai có tần suất quan hệ không thường xuyên.