Ai có thể bị trầm cảm?

Bạn thấy đau đầu âm ỉ, rối loạn giấc ngủ, thấy dễ mệt mỏi hoặc buồn chán; có khi buồn đến muốn khóc mà không rõ tại sao, bạn không quan tâm đến điều gì; giảm tập trung chú ý rõ rệt hoặc bạn đang gầy đi…

Hay là với các biểu hiện phối hợp như: xuất hiện nhiều triệu chứng thần kinh thực vật như hồi hộp đánh trống ngực, triệu chứng đau đại tràng hay dạ dày, đau mỏi kiểu thần kinh cơ … mà không tìm ra nguyên nhân thỏa đáng cho những khó chịu trên.  

Những trạng thái bạn đang trải qua này được các bác sĩ gọi là “các triệu chứng của trầm cảm”.

Đây thực sự là một bệnh lý không? Bệnh này nặng hay không? Nguyên nhân là gì? Có thể điều trị khỏi hẳn căn bệnh này hay không? Điều trị như thế nào?... 

Người ta đã biết về bệnh trầm cảm từ hàng nghìn năm trước

- Từ thời Ai Cập cổ đại hơn 3000 năm trước người ta đã biết đến trầm cảm. Đức vua Saul đã được mô tả là có các biểu hiện của trầm cảm trong sách kinh Cựu Ước. Trong thời kỳ này, người ta cho rằng trầm cảm chính là do sự trừng phạt của Chúa trời, chính vì vậy những linh mục là những nhà trị liệu cho rối loạn này.

- Vào thời kỳ La Mã cổ, vào năm 120 -180 sau Công Nguyên, Aretaeus đưa ra khái niệm về trầm cảm nội sinh và trầm cảm ngoại sinh.

- Vào thế kỷ II sau Công nguyên, Galen một thầy thuốc người Hy Lạp tiếp tục truyền thống về thể dịch của Hippocrates đã đề cập đến bệnh sinh của trầm cảm là do thừa mật đen.

- Cuối thế kỷ 19, Kraeplin mô tả đầy đủ các triệu chứng lâm sàng của một giai đoạn trầm cảm trong bệnh loạn thần hưng trầm cảm.

 - Đầu thế kỷ XX, Sigmund Freud nhấn mạnh đến vai trò của các xung đột nội tâm và yếu tố môi trường trong trầm cảm. 

Trầm cảm là một rối loạn thường gặp

Theo Kaplan và Sadock, trầm cảm là một rối loạn thường gặp, tỷ lệ cả đời là 15%, tỷ lệ mới mắc của trầm cảm là 10% trong số các bệnh nhân đến khám ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu và 15% trong số các bệnh nhân nội trú. Theo P.T. Loosen và CS, tỷ lệ cả đời của trầm cảm là 13 - 20 % và tỷ lệ hiện mắc của rối loạn này là 3,7 - 6,7%.

Ở Việt Nam, nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia năm 1999 cho thấy tỷ lệ hiện mắc của trầm cảm là 3 -5%. Trầm cảm thường gặp ở nữ nhiều hơn so với nam, tỷ lệ nam: nữ là 1:2.  

NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ TRẦM CẢM:

1. Đây có phải là bệnh di truyền không?

- Trầm cảm có yếu tố gia đinh rất lớn: Con cái, cha mẹ, anh chị em của bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn ở những gia đình khác không có người bị trầm cảm. Điều này càng thể hiện rõ rệt hơn ở các cặp sinh đôi bị trầm cảm thì người kia có nguy cơ cao bị tương tự.

- Với trình độ y học hiện nay, chúng ta chưa xác định được có hay không có gen gây bệnh trầm cảm.

- Thật ra, ngoài yếu tố di truyền thì các thành viên trong một gia đình cùng bị chi phối bởi những yếu tố khác như các biến cố trong gia đình, mâu thuẫn gia đình … nên có chung một số nguy cơ bị bệnh.

2. Nguyên nhân của trầm cảm là gì?

1. Nguyên nhân tâm lý: do sang chấn tâm lý như: Sự mất mát và thiệt hại về kinh tế,  Mất người thân, chia ly, Mất việc làm, Làm việc trong môi trường căng thẳng và ức chế, Xuất hiện sau những bệnh cơ thể: ung thư, nhồi máu cơ tim...

2. Nguyên nhân thực tổn: Sau tổn thương não: tai bến mạch máu não, viêm não…; Bệnh cơ thể ảnh hưởng đến não: bệnh lupus, đái tháo đường...; Lạm dụng rượu hay ma túy.

3. Nội sinh: Không phải lúc nào cũng giải thích được nguyên nhân gây ra trầm cảm vì có khoảng 10% số bệnh nhân bị trầm cảm không tìm thấy nguyên nhân chính xác nào.

3. Ai có thể bị trầm cảm?

- Trầm cảm có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào, bất kỳ môi trường làm việc nào, bất kỳ ai cho dù giàu hay nghèo, trí thức hay là người lao động phổ thông, sống ở thành thị hay nông thôn.

- Trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người già, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 18 đến 45 tuổi. Đặc biệt là nữ giới có nguy cơ bị trầm cảm gấp hai lần so với nam giới.

- Những người sống cô độc, nhất là người cao tuổi sống độc thân hoặc ly dị, ly thân có nhiều nguy cơ bị trầm cảm.

4. Các triệu chứng thường gặp của trầm cảm là gì?

- Triệu chứng đầu tiên của trầm cảm thường là buồn và biểu hiện ra ngoài bằng giảm khí sắc, nhất là khi kèm theo triệu chứng giảm quan tâm đến các hoạt động mà mình ham thích trước kia và kèm theo hiện tượng mệt mỏi giảm năng lượng.

- Đau đầu, rối loạn giấc ngủ hay kém ngon miệng cũng thường gặp.

- Người bị trầm cảm thường bị giảm tập trung chú ý rõ rệt dẫn đến rất khó nhớ và nhanh quên những việc mới xảy ra.

- Nặng hơn có thể có ý nghĩ bi quan, thiếu tự tin, nhìn mọi thứ một cách ảm đạm, bộc lộ các cảm giác bị tội hay mình là con người xấu xa, hèn kém. Thỉnh thoảng họ nghĩ đến cái chết và có thể có ý nghĩ tự tử.

- Hoạt động thể lực và trí năng giảm sút, khó khăn suy nghĩ và liên tưởng chậm; giảm ham muốn tình dục...

- Bệnh lý trầm cảm thường phối hợp với lo âu thể hiện qua cảm giác lo lắng và bồn chồn bất an.

- Và hơn nữa là biểu hiện bằng các triệu chứng khó chịu khác như hồi hộp, chóng mặt, cơn co thắt, nhức đầu (cảm giác ức chế, đau âm ỉ trong đầu, não như có gì bó lấy), các dạng đau khác nhau...  (cũng chính vì những triệu chứng này mà nhiều bệnh nhân lầm tưởng rằng mình bị một bệnh nội khoa nào đó chứ không phải mình bị trầm cảm – đây cũng là một trong những lý do làm người bệnh chậm đến với chuyên khoa tâm thần).

- Các triệu chứng trên phải kéo dài và tồn tại liên tục trên 2 tuần.

5. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

            Trầm cảm là bệnh lý thật sự làm cho bệnh nhân chịu nhiều đau khổ và làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng công việc một cách rõ rệt. Chính vì vậy, chỉ bằng sự cố gắng của ý trí thì không thể giải quyết được gì trong trường hợp này.

            Nhiều nghiên cứu ghi nhận rằng gần 70% số bệnh nhân trầm cảm là không được điều trị.

            Trong rất nhiều trường hợp, bệnh nhân đến được với bác sỹ điều trị là nhờ những người xung quanh ra những người xung quanh phát hiện ra những thay đổi của người bệnh.

            Chính vì vậy, cần phải đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ khi có các biểu hiện trên kéo dài hoặc lặp đi lặp lại trên 2 tuần.

6. Trầm cảm có thể tự khỏi hay không?

- Đương nhiên là trầm cảm có thể tự khỏi nếu nguyên nhân được giải quyết. Tuy nhiên sự tự khỏi không phải lúc nào cũng xảy ra. Nguy hiểm hơn là nếu để thời gian kéo dài hàng tháng, hàng năm có thể gây ra các hậu quả xấu nghiêm trọng đối với cá nhân và nghề nghiệp.

- Trong thực tế, trầm cảm chỉ khỏi khi được điều trị thích hợp. Do đó khâu đầu tiên hướng tới sự lành bệnh là phải đi khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để có thể đề ra một chiến lược điều trị phù hợp.

- Rất nhiều người bệnh có nhận thức sai lầm rằng: trầm cảm có thể điều trị khỏi bằng các biện pháp tâm linh hay y học cổ truyền. Chính lý do này đã làm cho người bệnh chậm trễ đến với điều trị thực thụ.

7. Các biện pháp nào có thể điều trị được trầm cảm?

Bác sĩ trực tiếp điều trị là người đưa ra kế phương thức điều trị tối ưu cho bệnh nhân trầm cảm. Điều trị cần phải phối hợp hai liệu pháp đó là thuốc và liệu pháp tâm lý.

* Thuốc:

- Thuốc đặc trị là: thuốc chống trầm cảm.

- Có rất nhiều loại thuốc trống trầm cảm. việc chọn lựa thuốc chống trầm cảm dựa trên rất nhiều tiêu chuẩn như: thể loại trầm cảm, đặc điểm riêng của cá thể cũng như cơ chế tác dụng của từng lọa thuốc chống trầm cảm....

* Liệu pháp tâm lý:

Được thực hiện bởi bác sĩ thông qua mỗi buổi khám bệnh. Các liệu pháp đó là:

- Liệu pháp giải thích hợp lý, nhận thức hành vi.

- Liệu pháp hoạt động, liệu pháp giao tiếp.

- Liệu pháp tâm lý nhóm.

- Liệu pháp phân tâm.

            Thông thường thì việc điều trị bệnh nhân không cần nhập viện, chỉ nhập viện những trường hợp cần phải theo dõi chặt chẽ như trầm cảm nặng có ý tưởng - hành vi tự sát .

8. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng phụ hay không?

- Giống như tất cả các loại thuốc khác, thuốc chống trầm cảm cũng có các tác dụng phụ.

- Các tác dụng phụ nhiều hay ít tùy thuộc vào từng loại thuốc và tùy thuộc vào độ nhạy cảm của người bệnh. Do đó, bác sỹ sẽ là người cân nhắc chọn lựa giữa mặt tốt và mặt không tốt của thuốc để điều trị cho bạn sao cho phát huy tối đa tác dụng chính mà tác dụng phụ xuất hiện là tối thiểu.

- Những tác dụng phụ có thể gặp là: khô miệng, táo bón, buồn ngủ, tăng cân, chóng mặt... Nhưng những tác dụng phụ này có thể được khống chế bằng một vài loại thuốc khác và sẽ hết sau một vài tuần sử dụng thuốc.

- Dù thế nào đi nữa, điều quan trọng là không được tự ý ngưng thuốc chống trầm cảm ngay cả khi các tác dụng phụ trở lên khó chịu hay chúng cản trở sinh hoạt hàng ngày. Đầu tiên, bệnh nhân nên thông báo cho bác sỹ của mình biết để bác sỹ cho thuốc phối hợp hoặc đổi sang thuốc chống trầm cảm khác.

9. Thuốc chống trầm cảm có gây nghiện không?

            Thuốc chống trầm cảm là thuốc không gây nghiện. Sau nhiều năm sử dụng (1954  đến nay) chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào nghi nhận được sự lệ thuộc thuốc chống trầm cảm.

            Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc chống trầm cảm không được ngừng thuốc đột ngột mà phải giảm liều từ từ trước khi quyết định kết thúc điều trị.

10. Sau bao lâu thì thuốc chống trầm cảm phát huy hiệu quả?

- Thuốc chống trầm cảm có điểm khác biệt rất lớn so với các loại thuốc khác ở chỗ chúng không có tác dụng ngay sau khi uống mà phải cần thời gian từ 1 đến 2 tuần sau khi uống liều đầu tiên mới phát huy tác dụng. Thuốc chỉ có tác dụng khi bệnh nhân uống thuốc một cách đều đặn và liên tục. Chính vì vậy người bệnh chỉ cảm nhận được sự cải thiện triệu chứng trầm cảm từ tuần thứ ba, thứ tư: cảm giác buồn giảm dần, bệnh nhân dần dần ham thích trở lại các hoạt động hàng ngày, giấc ngủ và cảm giác ngon miệng cũng quay trở lại.

- Người ta thấy rằng với mỗi loại thuốc chống trầm cảm chỉ có hiệu quả tối đa trên 80% số bệnh nhân. Do đó trong một số trường hợp, sau 2 tuần sử dụng mà chưa thấy sự cải thiện xuất hiện thì người bệnh cần trao đổi và thông báo cho bác sỹ của mình để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp và duy trì đến 8 tuần. Nếu sau 8 tuần mà vẫn chưa có tác dụng điều trị thì mới cân nhắc đổi thuốc hoặc là phối hợp thêm thuốc chống trầm cảm khác.

11. Cần duy trì điều trị bằng thuốc chống trầm cảm trong bao lâu?

            Kế hoạch điều trị cần chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1:

Là 2 tuần đầu điều trị. Trong giai đoạn này, tác dụng chính của thuốc chưa phát huy tác dụng mà chỉ có những tác dụng phụ gây khó chịu cho người bệnh.

- Giai đoạn 2:

Là giai đoạn mà tác dụng điều trị của thuốc sẽ phát huy tối đa và người bệnh dần có cảm giác cải thiện cho đến khi các triệu chứng trầm cảm biến mất, bạn hoàn toàn trở về trạng thái bình thường và thoải mái (trung bình mất từ 8 – 12 tuần).

- Giai đoạn 3:

            Là giai đoạn duy trì kết quả điều trị, ở giai đoạn này bác sĩ sẽ giảm dần liều lượng của thuốc và việc sử dụng thuốc cần phải liên tục và đều đặn trong nhiều tháng (tối thiểu là 6 tháng).

            Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm trong thời gian dài không gây ra nguy cơ gì cả (ngay cả khi có tác dụng phụ). Mà ngược lại, nếu bệnh nhân tự ý ngưng điều trị quá sớm hoặc sử dụng thuốc không đều đặn thì bệnh sẽ không khỏi hoàn toàn và bệnh sớm trở lại.

12. Bệnh nhân trầm cảm có nên nghỉ việc hay tiếp tục làm việc trong thời gian điều trị?

- Thực sự bệnh nhân trầm cảm chỉ cần nghỉ việc trong giai đoạn bệnh quá trầm trọng hoặc trong một số các nguyên nhân của trầm cảm gây khó khăn cho công việc (VD xung đột với cấp trên, bầu không khí làm việc không thoải mái)

- Ngược lại, trong đa số các trường hợp thì chính công việc và mối giao tiếp xã hội là điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và tạo điều kiện cho người bệnh sớm đạt được kết quả điều trị tốt.

13. Có nên nói cho những người xung quanh về bệnh trầm cảm mình đang bị hay không và nói như thế nào?

- Đương nhiên là bệnh nhân có quyền tự do cá nhân trong việc có nên nói ra hay không. Tuy nhiên, lời khuyên của chúng tôi là bạn nên nói điều này với những người thân nhất của bạn. Họ là chỗ dựa tinh thần và là những người có khả năng chia sẻ và giúp đỡ bạn trong những giai đoạn bạn còn băn khoăn hay khó đưa ra các quyết định hợp lý.

- Trước tiên, bạn hãy kể cho họ về những khó chị mà bạn đang trải nghiệm và sau đó dẫn dắt họ đến các nguyên nhân mà bạn có thể mắc phải => đó là trầm cảm. Nếu cần bạn có thể đưa người thân đến cùng gặp bác sỹ của bạn.

14. Bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi không?

            Trong chuyên ngành tâm thần học, bệnh trầm cảm là một bệnh lý có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn nếu được chăm sóc và điều trị hợp lý.

            Sự khỏi bệnh phụ thuộc vào việc điều trị có đều đặn và liên tục theo kế hoạch điều trị đã đặt ra hay không.

            Hiệu quả điều trị sẽ phát huy tối đa nếu như có sự hợp tác chặt trẽ giữa: Bác sỹ + Bệnh nhân + Gia đình

15. Đâu là những nguyên nhân thường dẫn đến thất bại trong điều trị trầm cảm? 

  1. Do thầy thuốc: kế hoạch và phương hướng điều trị không hợp lý.
  2. Do bệnh nhân: thường là do nhận thức sai về bệnh trầm cảm cũng như các phương pháp điều trị bệnh này như: trầm cảm không phải là bệnh mà là do các yếu tố duy tâm gây ra, sợ rằng dùng thuốc chống trầm cảm lâu sẽ có hại  do đó người bệnh sử dụng thuốc không đều đặn và không liên tục, ngưng điều trị quá sớm khi mà bệnh mới thuyên giảm ....
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên