Ăn kiêng quá mức coi chừng giảm tuổi thọ
VOV.VN - Ăn kiêng đang là trào lưu ăn uống của nhiều người với mong muốn khỏe, đẹp và chống lão hóa. Tuy nhiên, việc thực hành dinh dưỡng chỉ dựa vào cảm tính, sở thích hoặc kinh nghiệm truyền miệng có nguy cơ để lại hậu quả khó lường đối với tuổi thọ.
Nhiều năm nay, Phạm Thanh Hà, 24 tuổi sống tại quận Đống Đa, HN luôn cảm thấy ám ảnh về cân nặng của mình. Vì thế, Hà cũng đã thử qua nhiều cách ăn kiêng.
“Những ngày không có lịch đi ăn với công ty hoặc tiếp khách thì mình sẽ ăn theo chế độ đã đặt ra, sáng ăn bánh mì đen, rau, trưa ăn salat, tối ăn nhẹ hoặc hôm nào không vận động thì nhịn ăn. Nếu phải siết cân nhanh thì hạn chế tối đa tinh bột và thịt có thể, hầu hết là ăn rau, buổi sáng thì nhịn và áp dụng chế độ 16-8, nhịn 16 tiếng, chỉ ăn một bữa trong ngày và bữa đấy chỉ ăn salat và một chút thịt nạc thôi”- Hà nói.
Năm nay tuy mới 60 tuổi nhưng bà Ngô Minh Thi sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội lại mắc khá nhiều bệnh mạn tính. Sợ sức khỏe suy giảm nên bà tự đặt ra chế độ ăn kiêng cho bản thân mình. “Men gan, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu nên ăn uống phải kiêng thật cẩn thận. Hằng ngày ăn thêm chất xơ, ăn ít chất đạm, ít chất béo, chủ yếu là thực vật”- bà Thi chia sẻ.
Báo chí đã không ít lần đưa tin về các trường hợp suy kiệt sức khỏe, thậm chí tử vong do ăn kiêng thiếu lành mạnh. Những chế độ ăn kiêng vì mục đích giảm cân hay để tránh biến chứng từ các bệnh mạn tính đang trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, chế độ ăn đó có phù hợp với bản thân hay không lại là vấn đề đáng bàn bởi “ranh giới” giữa thừa và thiếu, giữa lợi và hại thật quá “mong manh”.
Chuyên gia khuyến cáo việc ăn kiêng quá mức
“Khoa học đưa ra hành lang an toàn đó là, năng lượng không được thấp hơn chuyển hóa cơ bản, 1200 calo/ngày cho nam giới hoặc 900 calo/ngày đối với nữ giới, Carbonhydrat (Carb) 50-55%, chất béo từ 20-25%, protein 17-25% năng lượng, có nghĩa hành lang này khá hẹp, phải có kiến thức tốt mới đi đúng được”- PGS-TS-BS Nguyễn Xuân Ninh- Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam- Phụ trách TT khám và tư vấn dinh dưỡng VIAM thông tin.
Chính vì thế, PGS-TS Nguyễn Xuân Ninh cho rằng, rất nhiều người lầm tưởng một cách đơn giản ăn kiêng là ăn ít đi so với bình thường, càng ít càng tốt, hoặc không ăn một số loại thực phẩm nào đó. Từ đó dẫn đến nhịn ăn để giảm cân, không ăn hoặc ăn ít carb, chất béo, hoặc ăn thật nhiều protein từ thịt, ăn toàn rau, hoặc chỉ uống nước rau ép, hoặc nhịn ăn để điều trị ung thư... có thể đạt được một số kết quả trước mắt, ngắn hạn, nhưng về lâu dài vài tuần đến vài tháng sau, dẫn đến nhiều hậu quả xấu về sức khỏe, thậm chí tình trạng bệnh tăng lên và tăng nguy cơ tử vong.
Trong lúc tỷ lệ thừa cân béo phì ngày càng tăng thì chế độ ăn ít carbohydrate và ít chất béo đang trở nên rất phổ biến, như một xu hướng thúc đẩy giảm cân, cải thiện lượng đường trong máu. Nhưng tác dụng lâu dài của cách ăn kiêng này có thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe, suy giảm tuổi thọ.
“Vì cho rằng Carb cung cấp nhiều năng lượng, nên ăn quá ít hoặc không ăn Carb dẫn đến tuổi thọ giảm được minh chứng một cách khoa học, trong một công trình nghiên cứu dịch tễ rất qui mô của các tác giả Nhật Bản, thuộc nhiều cơ quan khoa học, trường đại học phối hợp đăng tải trong tạp chí dinh dưỡng thế giới 8/2023. Họ đã theo dõi trong vòng 9 năm (2004-2014), khoảng 81 nghìn người, tuổi 35-69, có chỉ số khối cơ thể bình thường (BMI 22-23.7), sau 9 năm có 2783 ca tử vong. Từ đó bài báo kết luận, chế độ ăn quá ít carbohydrate và chất béo có thể không phải là chiến lược lành mạnh nhất để kéo dài tuổi thọ”- PGS Nguyễn Xuân Ninh cho biết.
Bên cạnh đó, việc ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc nhịn ăn để giảm cân cấp tốc cũng có thể gây ra nhiều hậu quả đối với sức khỏe. BS Nguyễn Xuân Ninh cảnh báo, nếu giảm cân cấp tốc trong khoảng một tuần sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, gây mất chất điện giải (Na, K), rất mỏi mệt, ảnh hưởng tới chức năng tim mạch, cơ thần kinh. Nhiều trường hợp phải đi cấp cứu.
“Ngoài ra, việc giảm cân nhanh còn gây thiếu Carb, hạ đường huyết, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, đầu óc lơ mo do tế bào não không được cung cấp glucose, thậm chí đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, uể oải, chán chường, kém tập trung. Nặng có thể gây ra những cơn hạ đường huyết, ngất xỉu. Nếu đang đi ngoài đường hay lao động chân tay thì có thể tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng. Việc thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng khác kèm theo cũng có thể xảy ra như thiếu protein canxi, vitamin và khoáng khác, gây đau mỏi xương khớp, giảm chức năng tổng thể, chuột rút, đau xương, loãng xương. Khá phổ biến là nhịn ăn hoặc cắt giảm Carb quá mức, sau 1-2 tuần, không chịu được lại ăn trở lại, và cân lại tăng lợi hại hơn xưa” PGS- TS Nguyễn Xuân Ninh nhấn mạnh.
Nguy hại hơn, việc ăn kiêng nghiêm ngặt sẽ gây ra tác hại lâu dài như rối loạn nội tiết, hormone (chán ăn tâm thần) giảm cân quá mức, mất cảm giác thèm ăn, suy dinh dưỡng, suy nhược, rối loạn chức năng tim mạch, hạ huyết áp.
PGS- TS Nguyễn Xuân Ninh khuyến cáo, nếu muốn giảm cân lành mạnh, chế độ ăn kiêng nên tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Giảm cân hoặc giảm mỡ một cách khoa học: Giảm năng lượng dần từng bước, thay đổi thói quên ăn uống và chọn lựa thực phẩm, không được sốt ruột thực hiện giảm cấp tốc, mỗi tuần nên giảm khoảng 0,5kg, đảm bảo sức khỏe tốt để làm việc và quen dần với chế độ ăn khoa học lâu dài, thậm chí suốt đời
- Giảm năng lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình (nên khám tư vấn bác sỹ dinh dưỡng), giảm Carb, giảm chất béo vừa phải, protein tăng, tăng chất xơ, đảm bảo đủ vitamin và chất khoáng, ăn làm nhiều bữa nhỏ, tăng bữa phụ; chọn lựa thực phẩm hợp lý, kiêng giảm thực phẩm không tốt cho giảm cân: thức ăn nhanh, giàu Carb tinh chế, giàu chất béo... Không vận động theo chế độ phù hợp với cơ thể.
Đối với những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, mỡ máu cao, tăng huyết áp, gút, bệnh gan, thận... chế độ ăn đúng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả thuốc. Thế nhưng, những đối tượng này cũng hay có tâm lý kiêng quá mức để tránh bệnh nặng thêm. BS Nguyễn Xuân Ninh cũng đã gặp nhiều trường hợp, trong đó có người bệnh đái tháo đường, kiêng không dám ăn hoa quả, bánh ngọt, cơm chỉ dám ăn vài thìa mỗi bữa. Nếu bị tăng mỡ máu còn kiêng luôn cả thịt mỡ, dẫn đến suy nhược, da sạm lại, giảm cân, mỏi mệt, đau mình mẩy xương khớp, đau đầu mất ngủ. Vì thế, lời khuyên của BS Nguyễn Xuân Ninh trong những trường hợp này đó là cần đi khám tư vấn bác sỹ dinh dưỡng, tránh kiêng khem quá mức, ăn đủ chất, uống đủ nước và vận động phù hợp.