Bác sĩ tư vấn tự cách ly tại nhà vì dịch Covid-19 (nCoV)
VOV.VN - Những người dù không có các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 (nCoV) như ho, sốt, khó thở... nhưng nếu có những yếu tố sau đây có thể tự cách ly tại nhà.
Những trường hợp cần cách ly tại nhà
Để ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có những khuyến cáo cụ thể về các trường hợp nên tự cách ly tại nhà, nhằm đảm bảo an toàn nhất cho các cá nhân và cộng đồng. Theo đó, những người sống cùng nhà, cùng nơi lưu trú, làm việc cùng với người đã xác định nhiễm bệnh hoặc người nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh cần tự cách ly tại nhà. Thời gian cách ly là 14 ngày.
Những người có tiếp xúc gần trong vòng 2m với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào cũng cần tự cách ly. Ngoài ra, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh cũng được xếp trong danh sách cần tự cách ly tại nhà.
Bác sĩ lưu ý khi tự cách ly tại nhà
Trao đổi với PV VOV.VN, BS Trần Khôi (Khoa Nội 1, Bệnh viện Phổi Hà Nội) cho biết, đối với những người đang tự cách ly tại nhà cần phải có chế độ riêng để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, đồng thời ngăn ngừa lây nhiễm bệnh.
BS Trần Khôi (Khoa Nội 1, Bệnh viện Phổi Hà Nội) cho biết, đối với những người đang tự cách ly tại nhà cần phải có chế độ riêng để chăm sóc sức khỏe. |
Theo BS Khôi, những trường hợp trong diện phải tự cách ly cần liên hệ với nhân viên y tế gần nhất để thiết lập việc theo dõi sát sao tại nhà. Cụ thể là các y bác sĩ tại các trạm y tế xã, phường hoặc nhân viên y tế thôn bản.
Căn hộ hay phòng riêng cách ly tại nhà phải đảm bảo thông thoáng khí, giới hạn số người chăm sóc người cách ly.
“Tốt nhất chỉ 1 người khỏe mạnh nhất chăm sóc. Các thành viên còn lại ở phòng riêng, nếu không thì sinh hoạt cách người nghi nhiễm bệnh ít nhất 1m. Trường hợp cách ly cần hạn chế di chuyển tới khu vực sinh hoạt chung của gia đình. Các phòng như bếp, phòng khách sử dụng chung nên cần phải giữ thông thoáng, có cửa sổ mở rộng được”, BS Khôi khuyến cáo.
Các thành viên trong gia đình phải thường xuyên rửa sạch tay với nước và xà phòng, đặc biệt là ngay sau khi tiếp xúc với người cách ly hoặc đồ dùng trong phòng cách ly.
BS Khôi đặc biệt lưu ý: “Khi ho hoặc hắt hơi cần che mũi miệng bằng khăn, giấy hoặc tay áo và rửa sạch tay ngay sau đó. Mọi người trong gia đình phải tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người cách ly. Trong trường hợp phải xử lý chất dịch tiết này cần dùng găng tay một lần và rửa sạch tay trước và sau khi xử lý”.
Các đồ dùng ăn uống sinh hoạt của người cách ly phải để riêng rẽ và rửa sạch bằng nước và xà phòng sau khi sử dụng. Hằng ngày, phòng ngủ, khu vệ sinh, nhà tắm… của người cách ly cũng phải được vệ sinh bằng các dung dịch tẩy trùng.
Các thành viên trong gia đình nếu có triệu chứng viêm hô hấp cần báo cho nhân viên y tế ngay và cũng thực hiện đầy đủ các biện pháp nêu trên.
BS Khôi cho biết, một ca bệnh nghi ngờ Covid-19 (nCoV) sẽ có yếu tố dịch tễ kèm với các triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau mỏi người, tăng tiết đờm dãi, đau đầu, đi ngoài phân lỏng. Trường hợp này cần phải nhập viện cách ly và thực hiện xét nghiệm.
“Nếu đã nghi ngờ nhiễm Covid-19 (nCoV) thì cần phải đến bệnh viện khám để cách ly và xét nghiệm có nhiễm bệnh hay không. Đặc biệt, người có biểu hiện nặng như thở ngắn hụt hơi, khó thở, ho ra máu, triệu chứng nặng tiêu hóa như nôn nhiều, tiêu chảy hoặc rối loạn tinh thần, hôn mê… cần khẩn trương nhập viện để thăm khám và ngăn ngừa lây nhiễm”, BS Khôi cảnh báo./.
Phòng tránh cho người mắc bệnh mãn tính giữa mùa dịch Covid 19 (nCoV)