Bé trai 13 tuổi bị tổn thương phổi nặng do đuối nước
VOV.VN - Ngày 23/3, bé trai 13 tuổi, nhập viện tại BVĐK tỉnh Phú Thọ trong tình trạng ý thức lơ mơ, oxy hóa máu giảm thấp do phổi bị tổn thương nặng trong quá trình đuối nước.
Bé trai Nguyễn Thái S (13 tuổi) ở Tiên Du - Phù Ninh - Phú Thọ đi tắm sông bị đuối nước. Sau khi được người dân sơ cứu và Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh cấp cứu ban đầu, đặt ống nội khí quản thở máy, S. được gia đình chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ ngày 23/3. Vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng ý thức lơ mơ, oxy hóa máu giảm thấp do phổi bị tổn thương nặng trong quá trình đuối nước. Ngay lập tức S đã được các bác sĩ áp dụng các biện pháp điều trị tích cực: thở máy, lọc máu liên tục, dùng kháng sinh, hỗ trợ dinh dưỡng...
Sau hai ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bé S. đã dần ổn định, ý thức tỉnh táo hoàn toàn, oxy hóa máu dần cải thiện. Ngày thứ ba sau điều trị, bé đã cai được máy thở, rút ống nội khí quản, đáp ứng tốt, và có thể ra viện.
Cùng ngày, nam thanh niên N.X.H (33 tuổi) ở thị trấn Lâm Thao, Lâm Thao, Phú Thọ được Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê, oxy hóa máu giảm rất thấp, toan chuyển hóa nặng, kèm theo tình trạng rối loạn nhịp tim rất nặng.
Các bác sĩ đã áp dụng các biện pháp điều trị tích cực: thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh rối loạn toan kiềm; kháng sinh chống nhiễm khuẩn; hỗ trợ dinh dưỡng... Đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân H. đã dần ổn định sau ba ngày điều trị và có thể ra viện trong vài ngày tới.
BS. Đinh Văn Trung, Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc cho biết, cả hai trường hợp đuối nước đều có tổn thương phổi rất nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trên phim chụp cắt lớp vi tính có tổn thương lan tỏa cả hai bên, tiên lượng rất nặng.
Bác sĩ Trung khuyến cáo, khi gặp nạn nhân bị đuối nước phải nhanh chóng đưa người bệnh lên bờ. Cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của người bệnh. Nếu người bệnh bất tỉnh, có ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi người bệnh có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Trên đường đi vẫn phải cấp cứu cho người bệnh để đảm bảo hô hấp và tuần hoàn. Trong trường hợp người bệnh khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị./.