Bệnh đái tháo đường là kẻ giết người thầm lặng?
VOV.VN -Bởi vì đái tháo đường tiến triển tình trạng tăng glucose máu mạn tính, tiến triển sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như: tim, mắt, thận…
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỉ lệ mắc đái tháo đường cao nhất châu Á và nằm trong 10 quốc gia có tỉ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường cao nhất thế giới.
Bệnh Đái tháo đường – kẻ giết người thầm lặng
Theo BV Bạch Mai, bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) do tình trạng tăng glucose máu mạn tính, tiến triển sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh, hệ miện dịch… chính vì vậy ĐTĐ được coi như là kẻ giết người thầm nặng.
Các chuyên gia y tế khuyên người dân nên khám bệnh định kỳ ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. |
Như vậy, bệnh ĐTĐ làm ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống hoặc gây tàn phế, giảm tuổi thọ thậm chí dẫn tới tử vong đối với người bệnh.
Ước tính trên thế giới có 4.6 triệu BN tử vong do ĐTĐ (2011). Bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ tử vong cao trên 2 lần so với người không bị ĐTĐ. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ĐTĐ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người bệnh mà xét về mặt kinh tế - xã hội, tác hại của bệnh đái tháo đường không kém gì thiệt hại do các tai họa thiên nhiên lớn như sóng thần, siêu bão.
Hầu hết các quốc gia phải dành một phần ngân sách đáng kể để phòng và điều trị bệnh đái tháo đường. Hiện phần lớn chi phí này dành cho việc điều trị các biến chứng của bệnh, như thế giới đang phải chi phí cho căn bệnh này 471 tỉ USD/năm. Chiếm 11% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở người lớn.
10 tuổi cũng mắc đái tháo đường
Theo nghiên cứu tiến hành tại Nhật 80% ĐTĐ mới mắc là ĐTĐ type2, chủ yếu ở nhóm trẻ 13 - 15tuổi từ 0.2/100.000 ở năm 1976 tăng tới 7.3/100,000 ở năm 1995. Tại Đài Loan (Trung Quốc) tỷ lệ ĐTĐ ở trẻ là 6.5/100.000.
Việt Nam cũng giống như xu hướng chung trên thế giới, tình trạng đái tháo đường đang gia tăng rất nhanh. Bên cạnh đó, lứa tuổi mắc đái tháo đường ngày càng trẻ hóa.
Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu toàn diện về tỷ lệ ĐTĐ ở trẻ em và thiếu niên. Trong những năm gần đây, Khoa nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận phát hiện chẩn đoán cho một số cháu từ 10 -15 tuổi bị ĐTĐ type 2.
Theo các chuyên gia y tế sự gia tăng tỷ lệ mắc ĐTĐ ở trẻ này là do phản ánh sự thay đổi thói quen ăn uống thức ăn nhanh (fast food) giàu năng lượng, giàu chất béo, ít chất xơ, các loại nước ngọt có đường.. lối sống tĩnh tại ít vận động (xem phim, chơi điện tử, đi xe máy o to thay vì đi bộ hoặc đạp xe đạp, đi thang máy thay vì đi thang bộ..) và sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở người trẻ, tăng stress trong cuộc sống.
Dấu hiệu của bệnh đái tháo đường
1. Đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt phải thức dậy giữa đêm để đi tiểu, hoặc sau khi tiểu thấy nước tiểu có kiến bâu.
2. Thường có cảm giác khát và khô miệng uống nhiều nước mát
3. Sút cân
4. Mệt mỏi nhiều
5. Hay bị nhiễm trùng như mụn, nhọt hậu bối, nhiễm nấm candida, lao phổi.
6. Giảm thị lực, nhìn mờ
7. Chậm liền vết thương hoặc để lại vết thâm tím trên da
8. Cảm giác tê bì, nóng rát hoặc như kim châm ở 2 chân.
9. Chân răng lung lay
10. Nhiều nam giới có biểu hiện giảm ham muốn, liệt dương
11. Ăn nhiều nhưng lại rất nhanh có cảm giác đói do rối loạn tiết insulin
12. Trên da có mảng tăng sắc tố ở vùng cổ, nách, bẹn (chứng gai đen)
Tuy nhiên đa số bệnh nhân ĐTĐ không có triệu chứng trên lâm sàng nên thường được phát hiện muộn khi đã xuất hiện các biến chứng như nhồi máu cơ tim, Tai biến mạch não, loét bàn chân, bệnh võng mạc...