Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao gặp các vấn đề lâu dài về tim
VOV.VN - Một phân tích dữ liệu y tế của Mỹ cho thấy bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao bị biến chứng về tim mạch trong ít nhất một năm sau khi nhiễm bệnh.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 7/2 trên Tạp chí Nature Medicine, những người mắc COVID-19 có nguy cơ phát triển các biến chứng tim mạch trong vòng một tháng đầu đến một năm sau khi nhiễm bệnh. Các biến chứng đó bao gồm các vấn đề về nhịp tim, viêm tim, cục máu đông, đột quỵ, bệnh động mạch vành, đau tim, suy tim và thậm chí tử vong.
PGS.TS Ziyad Al-Aly, tác giả cao cấp của nghiên cứu tại Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ), cho biết: “Đối với những người rõ ràng có nguy cơ mắc bệnh tim từ trước khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2, các phát hiện cho thấy COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ đó. Nhưng đáng chú ý nhất, những người chưa từng mắc bất kỳ vấn đề nào về tim và được coi là có nguy cơ thấp hiện cũng đang phát triển các vấn đề về tim hậu COVID-19”.
Dữ liệu nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nguy cơ tổn thương tim xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, bao gồm người trẻ và người già; nam và nữ; mọi người thuộc mọi chủng tộc; những người bị béo phì và những người không mắc bệnh; những người có và không mắc bệnh tiểu đường; những người có và không có tiền sử bệnh tim; những người mắc COVID-19 nhẹ cũng như những người bị trở nặng.
Đối với nghiên cứu, nhóm của ông Al-Aly đã phân tích dữ liệu hệ thống y tế của Bộ Cựu chiến binh Mỹ đối với gần 154.000 bệnh nhân mắc COVID-19 từ ngày 1/3/2020 đến ngày 15/1/2021 và những người sống sót sau 30 ngày đầu tiên mắc bệnh này. Rất ít người được chủng ngừa vì vaccine COVID-19 chưa được phổ biến rộng rãi khi dữ liệu được thu thập.
Những bệnh nhân đó được so sánh với hơn 5,6 triệu bệnh nhân không mắc COVID-19 trong giai đoạn này và với hơn 5,8 triệu bệnh nhân được khám bệnh tại hệ thống y tế trước đại dịch (tháng 3/2018 đến tháng 1/2019).
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong 1 năm sau khi nhiễm virus, bệnh nhân COVID-19 có tỷ lệ mắc bệnh tim, bao gồm cả suy tim và tử vong, cao hơn 4% so với những người không mắc COVID-19.
“Một số người có thể nghĩ 4% là một con số nhỏ, nhưng với mức độ nghiêm trọng của đại dịch, con số đó tương đương với khoảng 3 triệu người Mỹ bị biến chứng tim mạch do COVID-19”, ông Al-Aly nhấn mạnh.
So với nhóm chứng, bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn 72%; nguy cơ đau tim cao hơn 63%, và nguy cơ đột quỵ cao hơn 52%. Nhìn chung, những bệnh nhân này có nguy cơ mắc các biến cố tim mạch lớn hơn 55%, bao gồm đau tim, đột quỵ và tử vong.
Hơn 380 triệu người trên toàn thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Do đó, cho đến nay, mắc COVID-19 đã góp phần gây ra 15 triệu ca bệnh tim mới trên toàn thế giới. Đối với bất kỳ ai đã từng bị nhiễm bệnh, sức khỏe tim mạch trở thành một phần không thể thiếu trong chăm sóc sau hồi phục COVID-19.
Bên cạnh các vấn đề về tim, COVID-19 cũng có thể dẫn đến các biến chứng khác, được gọi chung là hội chứng COVID kéo dài.
Những phát hiện của nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine COVID-19 như một cách để ngăn ngừa tổn thương tim./.