Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay dùng thuốc trị giá 8.000 USD
VOV.VN - BV Bạch Mai đã sử dụng 2 lọ thuốc, mỗi lọ giá 8.000 USD chuyển về từ Thái Lan để điều trị cho 2 trường hợp ngộ độc nặng sau khi ăn pate Minh Chay.
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, để điều trị cho 2 bệnh nhân ngộ độc nặng sau khi ăn pate nhãn hiệu Minh Chay bị nhiễm khuẩn Clostridium botulinum, bệnh viện đã dùng thuốc giải độc chuyển về từ Thái Lan.
Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, đây là tình trạng ngộ độc thực phẩm không xảy ra thường xuyên và thuốc giải độc cũng rất hiếm. Ở Việt Nam chưa có thuốc giải độc tố botulinum.
Qua trao đổi thường kỳ trong các Hội nghề nghiệp chống độc, Trung tâm Chống độc được thông tin ngay tại Thái Lan gần đây có ghi nhận trường hợp ngộ độc botulinum và tại Trung tâm chống độc của một bệnh viện tại Bangkok có dự trữ loại thuốc giải độc này.
Ngay lập tức, Trung tâm Chống độc đã báo cáo lên BV Bạch Mai và Bộ Y tế, để cùng WHO tại Việt Nam và WHO tại Thái Lan điều phối đưa thuốc về điều trị cho người bệnh. Ngày 29/8, 2 lọ thuốc với giá 8.000 USD/lọ do WHO tài trợ đã về tới Việt Nam.
“Khi tiếp nhận các bệnh nhân đầu tiên ngộ độc botulinum, chúng tôi nghĩ rằng sẽ có các bệnh nhân khác. Vì vậy, trước mắt chúng tôi phải cứu 2 ca bệnh nặng này, sau đó, vận hành ngay quy trình xử lý và tiếp nhận khi có các bệnh nhân khác”, TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Trung tâm Chống độc đang điều trị nội trú cho 2 bệnh nhân là vợ chồng ông Đ.G.T (sinh năm 1950) và bà T.T.B.L (sinh năm 1952), ở Hoài Đức, Hà Nội, bị ngộ độc botulinumsau khi ăn sản phẩm Pate Minh Chay mua qua mạng.
Ngày 18/8/2020, hai bệnh nhân này được chuyển từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Trước đó, tháng 7/2020, hai bệnh nhân mua và sử dụng món pate chay nhãn hiệu Minh Chay. Khi sử dụng hộp pate thứ hai vào khoảng cuối tháng 7, bệnh nhân thấy có mùi khác thường. Sau đó, các triệu chứng xuất hiện nhanh, khởi đầu là đau họng, khó nuốt, sụp mi, nói khó, yếu tay, yếu chân…
Hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt ngoại biên đối xứng toàn thân kiểu lan xuống, đồng tử giãn. Trong đó, bệnh nhân L không tự ngồi được, liệt nhẹ cơ hô hấp. Bệnh nhân T liệt cơ gần như hoàn toàn, còn vận động nhẹ bàn tay, bàn chân, thở máy.
Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, trường hợp bệnh nhân liệt cơ thở phải thở máy, thì thời gian thở máy trung bình phải tính bằng tháng và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ biến chứng.
“Với ngộ độc botulinum, nếu không có thuốc giải độc, thời gian bệnh nhân hồi phục sẽ rất lâu. Một trong những nguy cơ của thở máy kéo dài là nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc. Trong trường hợp điều trị kháng sinh thất bại, bệnh nhân có thể tử vong do viêm phổi. Do vậy, chúng tôi nghĩ ngay đến việc phải sử dụng thuốc giải độc cho bệnh nhân”, TS. Nguyên nhấn mạnh.
Nói về quá trình để đưa 2 lọ thuốc giải độc botulinum từ Thái Lan về Việt Nam, TS. Nguyên cho biết, mỗi ngày WHO cũng họp 2 lần và các bên liên quan liên tục trao đổi thông qua email nhóm. Phía Thái Lan và Việt Nam cũng thường xuyên được kết nối bằng những cuộc gọi đường dài. BV Bạch Mai, Bộ Y tế đã cố gắng xử lý các thủ tục, giấy tờ khẩn cấp... để đưa thuốc về: “Sau 10 ngày chạy đua với thời gian, ngày 29/8, 2 lọ thuốc được bảo quản nghiêm ngặt trong hộp giữ lạnh, theo tiêu chuẩn vaccine và vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam. Thuốc được sử dụng ngay để giải độc ngay cho 2 bệnh nhân”.
Đến nay, sau khoảng 2 tuần điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, bệnh nhân L đến nay đã tự ngồi dậy, bệnh nhân T vẫn liệt cơ gần như hoàn toàn, còn vận động nhẹ bàn tay, bàn chân và phụ thuộc thở máy. Tiên lượng liệt có thể kéo dài nhiều tháng./.