Bệnh nhân Whitmore nhập viện Đà Nẵng gia tăng
VOV.VN - Tại Bệnh viện Đà Nẵng, thời gian gần đây đã liên tục tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Whitmore. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm hay gặp vào mùa mưa, lũ.
Mới đây, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Võ Ngọc Vương, 29 tuổi, ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi trong tình trạng sốt, đau lưng và sưng hai bàn chân. Anh Vương cho biết, anh làm nghề chạy xe ôm công nghệ, thường xuyên phải di chuyển ở đoạn đường bùn, lầy. Khi thấy mình đột nhiên bị sốt liên tục nhiều ngày kèm theo đau tức nửa người, anh Vương nhập viện ở Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, sau khi khám, các bác sĩ kết luận anh Vương bị bệnh Whitmore.
Chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận gần 30 ca bệnh Whitmore, trong đó phần lớn ở các địa phương xảy ra bão, lũ vừa qua như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An và Đà Nẵng.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng cho biết, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, xâm nhập qua đường hô hấp, tiêu hoá hoặc qua vết trầy xước trên da. Thời gian ủ bệnh thường 1 đến 21 ngày, trung bình là 9 ngày. Triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt nhiều ngày, viêm đường tiết niệu, viêm phổi,… nên dễ chẩn đoán nhầm thành bệnh khác.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, những người có bệnh lý nền nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này. Hiện, chưa có vaccine phòng ngừa, do đó, để phòng bệnh Whitmore, người dân hạn chế tiếp xúc với những nơi có ô nhiễm nặng: “Khuyến cáo đối với người dân ở những nơi bùn lầy hay đất bẩn khi có triệu chứng sốt hay tổn thương mà điều trị không đỡ thì không nên tự ý điều trị tại nhà mà nên đến các cơ sở y tế ngay để họ nghĩ tới hướng điều trị bệnh tốt hơn"./.