Bụi mịn xuất hiện khi không khí kém chất lượng gây nguy hại thế nào?
VOV.VN - Tác động ban đầu có thể là viêm mũi, viêm họng, nhưng tiếp xúc với môi trường không khí kém chất lượng trong thời gian dài có thể gây hại cho phổi.
Tác hại của bụi mịn
Hà Nội trong những ngày qua đã ghi nhận các chỉ số cho thấy, chất lượng không khí tại nhiều thời điểm trong ngày ở mức kém. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Trưởng khoa Hô hấp và bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trong không khí chất lượng kém sẽ có bụi mịn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là những người mắc bệnh về hô hấp. Với những người mắc bệnh mạn tính thì không khí ô nhiễm càng ảnh hưởng đến bệnh hơn.
Ngày 18/9, Hà Nội còn nhiều điểm báo động về ô nhiễm không khí. |
“Người khỏe mạnh tiếp xúc nhiều trong môi trường không khí như vậy có thể bị nghẹt mũi, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản. Nếu phải tiếp xúc với môi trường không khí kém trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến phổi. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản đã kiểm soát bệnh tốt nhưng khi gặp môi trường không khí ô nhiễm dễ xuất hiện tình trạng bệnh trở lại...”, bác sĩ Thái cho biết.
Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em, người già và những người mắc bệnh về hô hấp. Nếu có việc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang có chức năng lọc khí để tránh khói, bụi. Khi đi ra ngoài về, nên rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý.
Để đối phó với tình trạng không khí kém, nhiều người dân lựa chọn phương thức bảo vệ đơn giản nhất là sử dụng các loại khẩu trang có khả năng kháng khuẩn và lọc bụi tốt khi ra đường. Song theo bác sĩ Nguyễn Phượng Hoàng - chuyên gia kiểm soát lây truyền lao quốc gia, Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện phổi Hà Nội, các loại khẩu trang cotton hoạt tính, khẩu trang y tế chỉ có tác dụng ngăn bụi thô kích thước lớn, không thể ngăn bụi mịn dưới 2,5 micromet, loại bụi mà mắt thường không thể nhìn thấy và có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Lý do là các loại khẩu trang này chỉ được làm từ sợi vải dệt đơn thuần, khoảng cách sợi vải lớn, vì thế bụi mịn vẫn có thể dễ dàng lọt qua.
Các chuyên gia tư vấn chọn khẩu trang
Bác sĩ Hoàng cho biết, những loại khẩu trang đạt tiêu chuẩn của Viện quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (NIOSH), có ký hiệu N95, N99 hoặc đạt tiêu chuẩn chuẩn châu Âu có ký hiệu FFP2, nếu dùng đúng cách có thể lọc được 85-99% hạt bụi có kích thước chỉ 0,3 micromet, ngăn được cả vi khuẩn, virus.
“Chính tôi đã thực hiện thử nghiệm với khẩu trang N95 và FFP2 và cho thấy sản phẩm lọc bụi mịn rất tốt. Những sản phẩm này thường có 3 lớp, trong đó lớp thứ 2 là lớp quan trọng nhất, chỉ khi được đạt tiêu chuẩn châu Âu hoặc cơ quan NIOSH chứng nhận đủ tiêu chuẩn thì sản phẩm mới được đưa ra thị trường”, bác sĩ Hoàng nói.
Mua được hàng đảm bảo chất lượng mới là điều kiện cần, điều kiện đủ để bảo vệ tốt sức khỏe là sử dụng khẩu trang đúng cách. |
Về khẩu trang N99 (lọc được 99% bụi mịn, vi khuẩn, virus), mặt hàng này lọc bụi tốt hơn loại N95 nhưng có nhược điểm là hơi bí khiến người dùng khó thở.
Các chuyên gia khuyến cáo, nguyên tắc khi sử dụng khẩu trang chống bụi, vi khuẩn, virus là không được giặt, nếu bẩn thì loại bỏ và dùng cái khác, bởi giặt sẽ làm phá vỡ cấu trúc màng lọc của khẩu trang, khi đó khẩu trang không còn chức năng lọc nữa. Để bảo an toàn, người dân nên mua ở những công ty vật tư y tế có thương hiệu, uy tín. Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn nhập khẩu từ chính hẵng. Sản phẩm phải có ký hiệu N95 hay N99 hoặc FFP2; chữ in phải sắc nét, không bị mờ, nhòe.
Tuy nhiên, việc mua được hàng đảm bảo chất lượng mới là điều kiện cần, điều kiện đủ để bảo vệ tốt sức khỏe là sử dụng khẩu trang đúng cách.
“Nên sử dụng khẩu trang ôm khít mặt. Khi mua khẩu trang không tính theo cân nặng mà theo khuôn mặt bởi có người nhiều cân nhưng khuôn mặt lại nhỏ và ngược lại; không dùng khẩu trang quá bí vì sẽ gây khó chịu; nên thay khẩu trang sau 10-15 ngày sử dụng trong điều kiện khẩu trang được cất tại nơi thoáng mát”, bác sĩ Hoàng nói./.
Nguy cơ sức khỏe đến từ ô nhiễm không khí