Ca mổ vài chục giây giúp bệnh nhân cận thị, loạn thị phục hồi thị lực
VOV.VN - Một ca “mổ mắt không chạm”, với thời gian tính theo giây, sẽ giúp người bệnh không hề cảm thấy đau đớn hay khó chịu sau phẫu thuật.
Sáng 6/4, các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội đã tiến hành phẫu thuật thị phạm “mổ mắt không chạm” ngay sau khi tiếp nhận công nghệ Smart SurfACE để điều trị tật khúc xạ mắt.
Là một bước tiến nổi bật trong công nghệ phẫu thuật tật khúc xạ hiện nay, phương pháp phẫu thuật này nhanh chóng loại bỏ các lớp giác mạc bề mặt mà không cần vạt giác mạc, thực hiện thủ thuật mà không cần chạm vào mắt, không gây đau cho người bệnh.
Ca phẫu thuật thị phạm “mổ mắt không chạm” tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. |
Hai bệnh nhân, gồm một nam và một nữ là những người đầu tiên được trải nghiệm công nghệ mới này.
“Trong quá trình mổ tôi không thấy có cảm giác đau hay khó chịu nào. Trước khi phẫu thuật, tôi có hồi hộp một chút nhưng bây giờ tôi thấy rất thoải mái. Mắt tôi bị mờ, nhìn mọi thứ không được rõ. Nhưng sau khi phẫu thuật, mắt tôi đã thay đổi rõ rệt và nhìn đồ vật ở xa rõ hơn”, anh Long - nam bệnh nhân vừa kết thúc ca mổ thị phạm chia sẻ.
Theo Ths. bác sĩ Phạm Thị Hồng Lê, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật thị phạm, với công nghệ “mổ mắt không chạm” các bác sĩ và cả người bệnh không còn phải lo lắng về nguy cơ biến chứng vạt.
“Thời gian phẫu thuật laser chỉ tính theo giây, mỗi một mắt cũng chỉ mấy chục giây. Với trường hợp bệnh nhân Long bị loạn thị cao cũng chỉ mất 35 giây một mắt. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng phải tuân thủ dặn dò của bác sĩ, dùng thuốc theo hướng dẫn và đi đúng hẹn khám lại định kỳ. Chúng tôi đã theo dõi những ca “mổ mắt không chạm” thì thấy bệnh nhân phục hồi rất tốt. Thị lực đạt tối đa và khi khám mắt bác sĩ có thể không phát hiện ra người bệnh đã phẫu thuật”, bác sĩ Lê nói.
Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lê cũng cho biết, so với Lasik, bệnh nhân phẫu thuật bằng công nghệ Smart SurfACE thị lực phục hồi không nhanh bằng. Với Lasik, chỉ sau mổ hai tiếng là người bệnh đã nhìn được tốt. Nhưng với công nghệ này, người bệnh cần từ một tuần - một tháng.
Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội chia sẻ về ca thị phạm “mổ mắt không chạm”. |
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. |
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, việc Bệnh viện Mắt Hà Nội tiếp nhận công nghệ “mổ mắt không chạm” là một dấu mốc quan trọng. Đây là kỹ thuật đã được các nước tiên tiến triển khai. Các bệnh viện chuyên khoa mắt tại Việt Nam tiếp nhận công nghệ này tạo điều kiện cho các bệnh nhân tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật cao.
“Tôi mong muốn, các bệnh viện sẽ khai thác hiệu quả kỹ thuật mới và đảm bảo điều kiện cho bệnh nhân. Các bệnh viện cần phải phối hợp với nhà đầu tư xây dựng cụ thể quy trình kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế. Các quy trình kỹ thuật này phải đảm bảo thực hiện hiệu quả tại Bệnh viện Mắt Hà Nội và sau đó có thể chuyển giao cho các bệnh viện khác. Chúng ta phải công khai, minh bạch vấn đề thu giá dịch vụ cho bệnh nhân, để bệnh nhân lựa chọn các dịch vụ này, đồng thời họ cũng giám sát quy trình thực hiện của bệnh viện”, ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định.
Hai năm sau khi công nghệ “mổ mắt không chạm” SmartSurfACE được áp dụng tại Việt Nam, đã có hàng chục nghìn ca phẫu thuật thành công. Trong khi, tỷ lệ tật khúc xạ mắt ngày càng gia tăng và gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sống, đặc biệt là của giới trẻ. Theo các nghiên cứu gần đây, tỷ lệ tật khúc xạ học đường chiếm từ 30-40% số lượng học sinh, sinh viên. Đặc biệt, con số này lên tới 80% trong số học sinh, sinh viên ở các thành phố.
Đến nay, các bệnh viện có tên tuổi như Bệnh Viện Mắt Trung ương, Bệnh Viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, và nay là Bệnh Viện Mắt Hà Nội đã được chuyển giao và áp dụng thành công “mổ mắt không chạm” cho người bệnh./.
Hiến giác mạc và hành trình thắp sáng cửa sổ tâm hồn