Các tế bào T có thể nhận biết và chống lại biến thể Omicron
VOV.VN - Theo nghiên cứu, các tế bào T vẫn có thể nhận dạng và chống lại được biến thể Omicron, do đó có khả năng ngăn ngừa hoặc hạn chế các ca bệnh nặng.
Các nghiên cứu riêng biệt từ Đại học Erasmus ở Hà Lan và Đại học Cape Town ở Nam Phi cho thấy, tế bào T – tuyến phòng thủ thứ hai vững chắc của hệ thống miễn dịch vốn được tạo ra sau khi tiêm chủng hoặc cơ thể từng mắc COVID-19, dường như bảo vệ chống lại bệnh nặng trước biến thể Omicron ngay cả khi các kháng thể suy yếu.
Phát hiện này có thể giúp giải thích tại sao làn sóng lây nhiễm Omicron cho đến nay vẫn chưa gây ra sự gia tăng tỷ lệ tử vong tại nhiều nước, từ Nam Phi đến Mỹ và Anh.
Không giống như các kháng thể, tế bào T có thể tấn công toàn bộ protein gai của virus SARS-CoV-2, ngay cả khi Omicron bị đột biến cao.
Các nhà nghiên cứu Hà Lan đã theo dõi sức khỏe của 60 nhân viên y tế đã được tiêm chủng. Họ phát hiện ra rằng mặc dù phản ứng kháng thể của những nhân viên này với Omicron thấp hơn hoặc không xuất hiện phản ứng so với các biến thể Beta và Delta, nhưng phản ứng của tế bào T hầu như không thay đổi, có khả năng cân bằng sự thiếu hụt các kháng thể trung hòa trong ngăn ngừa hoặc hạn chế các trường hợp COVID-19 trở nặng.
Nghiên cứu khác từ Viện Bệnh truyền nhiễm và Y học phân tử của Đại học Cape Town đã đánh giá kết quả phản ứng miễn dịch từ những bệnh nhân đã hồi phục COVID-19 hoặc được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech hoặc vaccine Johnson & Johnson. Theo kết quả, 70% đến 80% phản ứng của tế bào T có khả năng chống lại biến thể Omicron.
Trong thời gian gần đây, một số bằng chứng cho thấy chủng mới có thể tránh né sự bảo vệ của vaccine, khiến chính phủ các nước thúc đẩy việc tiêm mũi nhắc lại để nâng cao mức độ kháng thể chống lại biến thể này.
Bà Wendy Burgens, một trong những tác giả nghiên cứu của Đại học Cape Town, cho biết, hệ thống miễn dịch có nhiều lớp. Trong khi các kháng thể ngăn chặn sự lây nhiễm, các tế bào T sẽ tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh, ngăn không cho virus lây lan và gây ra bệnh nặng hơn. “Chúng không thể ngăn bạn bị nhiễm virus, nhưng chúng có thể giảm thiểu ảnh hưởng nghiêm trọng xảy ra sau đó”, bà chia sẻ.
Tế bào T là tế bào bạch cầu có thể ghi nhớ các bệnh trong quá khứ, tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus và kích hoạt các kháng thể để phòng thủ. Ví dụ, những người bị nhiễm một loại virus Corona khác gây ra đợt bùng phát SARS vào năm 2003, được phát hiện là vẫn có phản ứng của tế bào T với căn bệnh này 17 năm sau đó./.