Cách phòng tránh bệnh ung thư vòm mũi họng
VOV.VN - Bệnh ung thư vòm mũi họng có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời có thể kéo dài cuộc sống từ 10 đến 15 năm.
Ung thư vòm mũi họng là bệnh lý ác tính các tế bào niêm mạc vòm mũi họng nằm ở thành trên sau họng. Bệnh rất thường gặp và có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm. Điều trị đúng và kịp thời có thể kéo dài cuộc sống thêm từ 10 – 15 năm. Bệnh hay gặp ở những người có tiền sử hút thuốc lá, uống rượu, bị chiếu xạ…
Dấu hiệu của bệnh
GS TS BS Nguyễn Hữu Tuân, nguyên Phó viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết: Ung thư vòm họng thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng lứa tuổi hay gặp nhất là từ 16,18 đến 45 tuổi. Người bị bệnh ung thư vòm mũi họng bắt đầu có dấu hiệu như: bị viêm tai, ù tai, thậm chí chảy nước ở tai. Triệu chứng này rất giống viêm tai, đau đầu, mất ngủ. Đôi khi bệnh nhân còn bị chảy máu mũi.
Giai đoạn sớm: nhức đầu (lan tỏa, âm ỉ, thường ở một bên)
Ù tai: đa số một bên, ù như tiếng ve kêu.
Ngạt mũi một bên lúc nặng lúc nhẹ, đôi khi xì ra máu mũi.
Giai đoạn muộn: nhức đầu liên tục, có lúc đau dữ dội, có điểm đau khu trú.
Ù tai tăng, nghe kém, giảm thính lực, có thể điếc.
Ngạt mũi liên tục, kèm theo chảy máu mũi, không đáp ứng với điều trị thông thường.
Một trong các dấu hiệu để dễ nhận biết rõ nhất về bệnh ung thư vòm mũi họng là nổi hạch cổ ở sau tai. Hạch này rất đặc biệt, nằm ở ngay phía dưới tai (tức là ở giữa cổ và góc xương hàm dưới). Hạch lớn rất nhanh, lúc mới phát hiện chỉ bằng hạt ngô nhưng sau đó có thể phát triển to bằng quả cam.
Bệnh liên quan đến yếu tố di truyền, gia đình và địa lý
Theo kết quả điều tra tại Bệnh viện K Trung ương của Giáo sư Nguyễn Hữu Tuân và các cộng sự, bệnh ung thư vòm mũi họng chiếm 30%. Trước kia, người ta gọi bệnh ung thư vòm mũi họng là ung thư Quảng Đông. Bởi vì, ở vùng phía Nam của Trung Quốc người bị bệnh này rất nhiều và ở Việt Nam sau này cũng rất nhiều. Dải đất có nhiều người bị phát triển ung thư vòm mũi họng nhất là ở vùng Quảng Xương, Thanh Hóa. Ung thư vòm mũi họng do một virus gây nên và có thể có liên quan đến yếu tố di truyền, gia đình và địa lý.
“Trước kia, khi tôi đang còn đương chức, có một gia đình ở Thanh Hóa (3 anh chị em ruột) đều bị ung thư vòm mũi họng đến Viện Tai Mũi Họng Trung ương để điều trị. Người chị đầu, do phát hiện muộn nên chỉ sống được 3 năm trong khi người em được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, sống hơn 10 năm. Cho nên, tôi muốn khuyên mọi người rằng, khi có các triệu chứng như: đau đầu, thỉnh thoảng chảy máu mũi, nổi hạch cổ, ù tai một bên kéo dài nên đưa vào Khoa Tai Mũi họng để khám, tránh để lâu khó chữa và xảy ra sự cố đáng tiếc ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện kịp thời”, Giáo sư Nguyễn Hữu Tuân nói.
GS TS BS Nguyễn Hữu Tuân khuyên mọi người nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời kéo dài cuộc sống. Ngoài ra, cũng nên ăn uống hợp vệ sinh, khẩu phần ăn cân đối, không hút thuốc lá, không uống rượu và vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Đối với những bệnh nhân sau khi điều trị cần lưu ý: 3 năm đầu cần khám lại 3-6 tháng/lần. Những năm tiếp theo từ 6-12 tháng/lần nhằm phát hiện sớm tái phát và di căn cũng như những biến chứng do điều trị lại để điều trị, khắc phục kịp thời.