Cải thiện giấc ngủ và trí nhớ bằng một số loại rau củ màu tím
VOV.VN - Với màu tím đặc trưng, những loại thực phẩm này còn có thể ngăn chặn các độc tố, chống lão hóa, tăng lượng máu lên não và tốt cho hệ thần kinh trung ương.
Theo nghiên cứu, anthocyanidin - hợp chất tạo nên màu tím đặc trưng của các loại rau củ (cà tím, bắp cải tím, khoai lang tím) là một chất chống oxy hóa rất mạnh. Chất này có khả năng ngăn ngừa ung thư, ngăn chặn tích tụ các độc tố bất lợi, chống lão hóa, tăng lượng máu lên não, tốt cho hệ thần kinh trung ương, giúp cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa đãng trí.
Trong đó, quả cà tím là loại có giá trị dinh dưỡng cao. Thịt của quả này chứa nhiều vitamin A, C, các vitamin nhóm B và nhiều khoáng chất vi lượng như K, Mg, Fe, Zn, Ca, Mn.
Nhờ nguồn axit folic (vitamin B9) và sắt vi lượng dồi dào, cà tím giúp hỗ trợ quá trình tạo hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu, tốt cho thai phụ.
Trong trái cà tím, kali có tác dụng giúp ổn định nhịp tim; magiê và canxi cùng với vitamin A, C có tác dụng cải thiện cấu trúc xương, giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm cảm giác bồn chồn, lo lắng, cải thiện tình trạng giấc ngủ, làm đẹp da, ngăn ngừa tàn nhang.
Do chứa lượng nước gần 94% và rất giàu chất xơ thực vật, cà tím giúp cải thiện tình trạng táo bón, ngăn ngừa hình thành chất béo trong cơ thể, làm tăng cảm giác no lâu hơn, giảm sự thèm ăn, giúp hỗ trợ giảm cân và duy trì cân nặng.
Lớp vỏ màu tím có chứa nhiều vitamin B, C và lượng lớn anthocyanidin. Do đó, người dân nên ăn vỏ để tận dụng được nguồn dinh dưỡng. Cà tím có thể được chế biến đa dạng như nướng, xào, nhồi thịt chiên hay làm các món salad hoặc dùng đắp mặt để làm đẹp da.
Tuy nhiều tác dụng, chuyên gia khuyến cáo người dân chỉ nên tiêu thụ khoảng 200 gram/lần, 2-3 bữa/tuần. Lý do là quả này có chứa solanine (một chất có vị đắng, độc) và nicotine. Trước khi chế biến, nên ngâm cà tím với một ít dấm, muối hoặc chanh.
Cà tím có chứa một lượng oxalate có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi; chứa một số hoạt chất tác dụng như histamin gây ra tình trạng ngứa viêm miệng và tăng mẫn cảm. Do đó, người có tiền căn dị ứng, hen suyễn, cơ địa dễ tạo sỏi thận nên hạn chế ăn cà tím.
Bên cạnh đó, không nên ăn cà tím kèm các loại thức ăn có tính hàn khác như cua ghẹ, hải sản,ốc,… Việc chế biến loại quả này ở nhiệt độ quá cao hoặc chiên với nhiều dầu sẽ làm giảm 50% giá trị dinh dưỡng.