Cảm cúm hay là viêm xoang?

Khi bạn bị viêm xoang thường xuyên, hay một đợt viêm xoang kéo dài quá 3 tháng, khi đó có thể bạn bị viêm xoang mạn tính.

Chúng ta ai cũng đã từng bị cúm, hay những đợt hắt hơi sổ mũi kéo dài mà không khỏi. Ðó là một nguy cơ rất dễ dẫn đến viêm xoang. Các chuyên gia tai mũi họng Mỹ ước tính, hàng năm có 35 triệu người Mỹ bị cảm cúm trở thành viêm xoang cấp tính nhiễm khuẩn, chiếm số lượng người khám lớn nhất của những người đi khám bệnh tai mũi họng. Số lượng còn có thể cao hơn vì bệnh viêm xoang nhiễm khuẩn này có triệu chứng rất giống cảm cúm hoặc viêm mũi dị ứng. Rất nhiều người bị bệnh không biết và không chịu đi khám bác sĩ để có được một chẩn đoán đúng với điều trị hợp lý.

"Có nên đi khám bác sĩ không nhỉ? trong khi mình chỉ bị xì mũi xanh, vàng..."
Thế nào là viêm xoang cấp?

Viêm xoang cấp tính nhiễm khuẩn là sự viêm nhiễm của các hốc xoang gây ra, bởi vi khuẩn xuất hiện sau cảm cúm, viêm mũi dị ứng...

Bình thường dịch nhầy trong xoang được tháo ra đường mũi bởi lỗ thông mũi xoang. Khi bạn bị cảm cúm, hoặc đợt viêm mũi dị ứng, các xoang và lỗ thông xoang của bạn trở nên viêm nề và không có khả năng tháo dịch nhầy ra mũi được nữa. Điều này dẫn đến xung huyết mạch máu xoang và nhiễm trùng trong xoang.

Chẩn đoán viêm xoang cấp thông thường dựa vào khám thực thể (bác sĩ khám thấy gì ở bệnh nhân) và sự trao đổi với bạn về các triệu chứng của bạn. Bác sĩ sẽ chụp xoang của bạn hoặc thử xét nghiệm mủ chảy từ mũi, để tìm vi khuẩn.

Khi nào thì viêm xoang cấp tính trở thành mạn tính?

Khi bạn bị viêm xoang thường xuyên, hay một đợt viêm xoang kéo dài quá 3 tháng. Khi đó có thể bạn bị viêm xoang mạn tính. Triệu chứng của viêm xoang mạn tính không “rầm rộ” như viêm xoang cấp. Khi thay đổi ở niêm mạc xoang do viêm xoang mạn tính không trở về bình thường được nữa sau điều trị bằng thuốc thì cần phải phẫu thuật để sửa chữa.

Có phải bị viêm xoang không?

Triệu chứng của viêm xoang thường khó phân biệt với cảm cúm hoặc viêm mũi dị ứng, do vậy rất nhiều người nghĩ rằng không cần thiết phải đi khám bác sĩ, thay vì đi khám họ lại tự điều trị bằng các thuốc mua ở hiệu thuốc. Như các thuốc co mạch làm thông mũi, các thuốc chống dị ứng. Tuy nhiên không giống như cảm cúm và viêm mũi dị ứng, viêm xoang nhiễm khuẩn cần sự chẩn đoán của bác sĩ và điều trị bằng kháng sinh thích hợp để chữa khỏi bệnh và dự phòng những biến chứng xa.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Người bệnh thường băn khoăn tự hỏi: có nên đi khám bác sĩ không nhỉ? trong khi mình chỉ bị xì mũi xanh, vàng... Để giải quyết nỗi băn khoăn này, Hiệp hội tai mũi họng Mỹ đã đưa ra cách tính điểm dưới đây.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị viêm xoang hãy dành một vài phút để xem những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây. Nếu bạn có trên 3 trong 9 dấu hiệu sau thì bạn cần phải đi khám bác sĩ.

- Căng và đau ở mặt.

- Đau đầu.

- Nghẹt mũi/phù nề.

- Chảy dịch từ mũi xuống họng.

- Xì mũi đặc, vàng xanh.

- Bị cúm kéo dài trên 10 ngày.

- Sốt nhẹ.

- Hơi thở hôi.

- Đau răng hàm trên.

Ðiều trị viêm xoang như thế nào?

Trong viêm xoang nhiễm khuẩn đặc biệt phải dùng đến kháng sinh. Nếu bạn có trên 3 triệu chứng của viêm xoang chắc chắn phải đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và kê đơn. Nên nhớ phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ, dùng hết đơn thuốc.

Cùng với kháng sinh cần bổ sung thêm thuốc chống phù nề (mũi xoang) dạng xịt hoặc uống: để làm giảm nhức vùng mặt và làm thông mũi, tất nhiên tránh dùng kéo dài. Hít hơi nước ấm, rửa mũi bằng nước muối cũng giúp cho bạn dễ chịu hơn.

Nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn bị viêm xoang mạn, thì việc điều trị kháng sinh tích cực có thể được đưa ra.

Phẫu thuật đôi khi là cần thiết để lấy bỏ những bịt tắc cản trở trong mũi mà nó được coi là một yếu tố gây ra viêm xoang.

Làm thế nào để phòng viêm xoang?

Người ta thường nói “dùng 1 đồng để phòng bệnh thì bằng 100 đồng để chữa bệnh” .

Để tránh bị viêm xoang sau khi bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng, bạn cần phải giữ gìn xoang sạch sẽ bằng cách sau đây:

- Dùng thuốc chống phù nề bằng đường uống.

- Hoặc dùng thuốc chống phù nề tại chỗ (chỉ dùng thời gian ngắn).

- Xì mũi nhẹ bên này trong khi bịt mũi bên kia.

- Uống nhiều nước để dịch mũi loãng ra.

- Tránh đi máy bay: nếu bắt buộc cần phải đi thì xịt mũi cho thông trước khi máy bay hạ cánh. Để tránh tắc lỗ thông mũi xoang.

- Dùng kháng histamin: tránh đợt viêm mũi dị ứng .

Thế nào là hiện tượng kháng kháng sinh?

Kháng thuốc kháng sinh là tình trạng một số viêm nhiễm gây ra bởi một số loại vi khuẩn, mà loại vi khuẩn này không bị tiêu diệt bởi kháng sinh thông thường mà thầy thuốc kê toa cho bạn. Kháng kháng sinh là một hiện tượng thường gặp trong viêm xoang và ngày càng phổ biến đây là một thách thức trong điều trị. Các kháng sinh thế hệ cũ chỉ chống được một loại vi khuẩn và có thể không có hiệu quả trong điều trị viêm xoang. Hiện nay ở Mỹ có loại vi khuẩn tên là Streptococus Pneumonie... loại này thường hay gây ra viêm xoang nhất, có biểu hiện chống lại kháng sinh.

Bạn có thể hỏi bác sĩ của bạn: loại kháng sinh mà bác sĩ kê cho bạn có bị vi khuẩn kháng kháng sinh không? nếu cần thiết yêu cầu làm kháng sinh đồ.

Bạn có thể đóng góp trong việc phòng ngừa hiện tượng kháng thuốc. Điều quan trọng là bạn phải sử dụng hết liều kháng sinh đã được kê đơn mặc dù các triệu chứng của viêm xoang đã hết. Bạn cần phải thực hiện nghiêm túc sự hướng dẫn của bác sĩ: dùng bao nhiêu viên hàng ngày và dùng vào giờ nào.

Làm thế nào để phân biệt: viêm xoang, viêm mũi dị ứng, và cảm cúm?

Bởi vì triệu chứng của viêm xoang nhiều khi rất giống cảm cúm, viêm mũi dị ứng. Bạn không biết mình có thực sự phải đi khám bác sĩ không. Hiệp hội tai mũi họng Hoa Kỳ đã đưa ra bảng dưới đây để giúp bạn phân biệt sự khác nhau và cho phép xác định những triệu chứng của viêm xoang dễ dàng hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên