Cần Thơ lần đầu tiên đưa robot Corindus vào can thiệp mạch máu cho bệnh nhân

VOV.VN - Ngày 15/9, Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ (S.I.S) chính thức đưa vào sử dụng hệ thống Robot Corindus hỗ trợ can thiệp chụp mạch máu xóa nền (DSA). Đây là bệnh viện đầu tiên tại Đông Nam Á thực hiện kỹ thuật này.

Robot can thiệp mạch Corindus trị giá khoảng 1 triệu USD. Được biết, Robot Corindus hỗ trợ bác sĩ thực hiện kỹ thuật cao trong can thiệp mạch máu với thời gian nhanh nhất; giảm 95% liều xạ cho bác sĩ thực hiện thủ thuật can thiệp và 21% cho bệnh nhân; ca can thiệp phức tạp có sự hỗ trợ của robot sẽ nhanh hơn thực hiện thủ thuật can thiệp bằng tay (đặc biệt đối với những ca can thiệp mạch vành cần đặt 2 stent); giúp tăng độ chính xác và ổn định chất lượng trong can thiệp; hỗ trợ tính chính xác tổn thương hẹp mạch máu làm giảm số lượng stent cần đặt và hỗ trợ bác sĩ chọn đúng kích thước stent do tính năng đo được độ dài tổn thương trực tiếp trong lòng mạch máu (đặc biệt là các tổn thương tại các vị trí mạch máu gấp khúc, đoạn cong).

Trong tương lai, với tính năng có thể điều khiển từ xa (qua internet), robot Corindus giúp can thiệp cho bệnh nhân từ xa, giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn giới hạn địa lý.

Tham dự Lễ khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống Robot Corindus, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, những bệnh về tim mạch, đột quỵ hiện là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, thậm chí có trẻ em chỉ mới 4 tuổi cũng bị đột quỵ do tắc tĩnh mạch nội sọ, điều trước đây vô cùng hiếm gặp.

Việc các đơn vị điều trị có đầy đủ trang thiết bị máy móc hiện đại, cùng đội ngũ y bác sĩ kinh nghiệm cao sẽ giúp ngành y tế rất nhiều trong điều trị cứu sống bệnh nhân:

"Chúng tôi đã hướng dẫn và Bệnh viện cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ pháp lý về mua bán với các hãng, công ty, về điều kiện chuyển giao kỹ thuật, các điều kiện về con người, về tập huấn – chuyển giao.

Sau đó, bệnh viện sẽ báo cáo hiệu quả về Bộ Y tế và sẽ phê duyệt để trở thành kỹ thuật thường quy. Áp dụng với mục tiêu an toàn cho người bệnh là quan trọng nhất; thứ hai nữa là an toàn cho thầy thuốc và đặc biệt là đánh giá tính hiệu quả, an toàn khi áp dụng kỹ thuật mới này tại Việt Nam", PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay.

Cùng ngày 15/9, Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ cũng tổ chức Hội thảo “Cập nhật Chẩn đoán & điều trị Đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành”, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước, chuyên gia đến từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia….

Hội thảo cập nhật những kiến thức mới nhất về chẩn đoán điều trị đột quỵ, cũng như định hướng việc phối hợp xây dựng mạng lưới cấp cứu, can thiệp đột quỵ cho các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên