Cảnh báo mới: Bệnh tự ngược đãi bản thân
VOV.VN -Biểu hiện của chứng tự ngược đãi bản thân khác nhiều so với những loại rối loạn tâm thần khác.
Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã và đang điều trị cho một số thanh, thiếu niên mắc chứng bệnh tự ngược đãi bản thân. Đây là cảnh báo mới về một khía cạnh khác của sức khỏe tâm thần. Đáng lo ngại là có bệnh nhân đã tự ngược đãi bản thân bằng cách dùng dao lam, tự cứa vào tay 16 nhát để giải tỏa ức chế và cảm thấy dễ chịu, thay vì đau đớn.
Viện Sức khỏe tâm thần cung cấp thông tin cho báo chí |
Bệnh nhân vừa nêu là một nữ sinh viên 21 tuổi, học giỏi, tính cách hiền lành, dễ xúc động. Từ khi còn học lớp 12, cô gái này bắt đầu thể hiện ước mơ du học nhưng điều kiện kinh tế của gia đình chưa cho phép. Ước mơ không thành khiến cô luôn trong tâm trạng ức chế, bế tắc, dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi, đau tức ngực, ngột ngạt, khó thở. Tình trạng này kéo dài suốt 2 năm học đại học.
Mỗi lần căng thẳng quá, cô gái lại dùng dao lam rạch tay đến rỉ máu. Gia đình chỉ phát hiện ra khi gần đây, nữ sinh này cầm dao lam tự rạch tay 16 nhát, máu chảy từng dòng phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Điều đáng nói là khi tự cắt tay, cô gái không cảm thấy đau mà lại thấy dễ chịu và vui vẻ.
Một trường hợp khác là một bệnh nhi 9 tuổi thích chơi game, gần như không chú ý đến việc học và mọi chuyện xung quanh nên bị bố mẹ cấm. Không được chơi iPad, cô bé đã tự cào cấu bản thân, gây xước xát chân, tay và liên tục tự nhổ tóc trên đầu mình thành một mảng trọc lớn.
Tự ngược đãi bản thân - Ảnh minh họa |
Tiến sỹ Dương Minh Tâm, Trưởng Phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi căng thẳng, lo âu, người bệnh tự ngược đãi bản thân để gây sự chú ý với mong muốn được giải quyết những ước mơ, sở thích.
“Biểu hiện của chứng tự ngược đãi bản thân khác nhiều so với những loại rối loạn tâm thần khác. Ví dụ, nếu bệnh nhân trầm cảm, tự sát thì hành hạ mình một cách âm thầm, thậm chí xấu hổ về việc mình tự hại mình, nhưng với chứng tự ngược đãi bản thân thì ngược lại muốn bày ra cho mọi người biết rằng tôi đang căng thẳng, đang tự hủy hoại bản thân. Đây chỉ là một trong những triệu chứng, trạng thái căng thẳng của người bệnh”, Tiến sỹ Dương Minh Tâm nói.
Trẻ vị thành niên là đối tượng hay mắc chứng tự hủy hoại bản thân, nhất là khi ở trường học giáo dục nặng về tri thức, kỷ luật, còn ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Chứng bệnh này thường gặp ở những người có nét nhân cách dễ bị tổn thương, thích phô trương, hay lo lắng, cầu toàn. Các bác sĩ khuyến cáo gia đình, thầy cô nên quan tâm chia sẻ và giúp các em sớm giải tỏa stress, tránh lo âu kéo dài lâu có thể dẫn đến tự ngược đãi bản thân./.