Cụ ông suýt mất chân vì khối máu đông dài 20cm làm tắc động mạch
VOV.VN - Cụ ông 76 tuổi ở Hà Nội có tiền sử giãn tĩnh mạch cách đây 2 năm. Gần đây, ông thấy chân càng đau và sưng to và nặng nề. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị tắc động mạch chi dưới do huyết khối.
Cụ ông Đ.V.T (76 tuổi, ở Kim Mã, Hà Nội) có tiền sử bị giãn tĩnh mạch cách đây 2 năm, đã từng điều trị suy giảm tĩnh mạch. Tuy nhiên, gần đây ông thấy cơn đau tăng lên, ông đã lấy bàn tay bóp chân thật chặt để đỡ đau nhưng những ngày sau, chân càng đau, sưng to dần, chân phải nặng nề hơn.
Ngày 4/12, ông T. vào Bệnh viện Hữu nghị thăm khám và được chỉ định nhập viện. Ban đầu, ông được điều trị bảo tồn bằng thuốc chống đông và giảm đau, tuy nhiên kết quả không khả quan, huyết khối (cục máu đông) kéo dài từ động mạch đùi giữa đến động mạch chày trước.
Theo TS.BS Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị, sau khi thăm khám cho bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị đau và cứng bắp chân sau khi đi lại, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh lý động mạch ngoại biên và chỉ định làm siêu âm. Kết quả cho thấy, bệnh nhân đã tắc hoàn toàn động mạch đùi, huyết khối (cục máu đông) rất dài. Sau khi xem xét và hội chẩn, các bác sỹ quyết định dùng phương pháp phẫu thuật lấy cục máu đông thay vì dùng dụng cụ cơ học hút cục máu đông ra khỏi động mạch. Bởi theo các bác sĩ, nếu dùng dụng cụ cơ học hút cục máu đông sẽ làm cho huyết khối bong tróc, gây tắc mạch máu khác.
Sau 45 phút phẫu thuật, ê kíp đã lấy ra cục huyết khối dài hơn 20cm. Theo BS Trần Cửu Long Giang, Phụ trách Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, ngay sau khi lấy ra cục huyết khối, bệnh nhân có mạch chân trở lại, tiên lượng sẽ phục hồi lưu lượng máu tới cẳng chân.
“Sau khi phẫu thuật, tôi thấy chân nóng lên, cơ khớp gối đã giảm đau rất nhiều trong khi trước đó cơ đau kinh khủng”- cụ ông xúc động chia sẻ.
Hiện chân bệnh nhân đã hết đau, có thể đi lại bình thường và ông được các bác sỹ tiếp tục điều trị bằng một số thuốc ngăn ngừa huyết khối tái phát.
"Trường hợp của bệnh nhân Đ.V.T rất may mắn được điều trị đúng, kịp thời, bệnh nhân có thể dẫn đến biến chứng nặng như hoại tử chi dưới, có trường hợp nặng phải cắt đoạn chi bị tổn thương" - BS Bùi Long cho biết.
Theo TS. BS Bùi Long, bệnh tắc động mạch chi dưới có triệu chứng không rõ ràng nên thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý về cơ xương khớp, bệnh do tuổi già. Bệnh lý này thường được phát hiện và chẩn đoán chính xác qua phương pháp can thiệp nội mạch. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và những người có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì…
Bác sĩ khuyến cáo mọi người đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như nhanh mỏi cơ, chuột rút, đau người, da chân lạnh hơn so với chân đối đối diện. Đây là các dấu hiệu thiếu máu chi, phải được khám điều trị triệt để, tránh nguy cơ hoại tử, nguy hiểm tính mạng./.