Đảm bảo an toàn thực phẩm - Sứ mệnh không của riêng ai
VOV.VN - Trong xu hướng chung toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhiệm vụ chung đảm bảo an toàn thực phẩm.
Mỗi năm, hàng nghìn cơ sở kinh doanh ăn uống mới được mở ra tại Việt Nam, với đủ mọi loại hình và quy mô từ những nhà hàng lớn đến các cơ sở kinh doanh nhỏ tại nhà. Do đó, lực lượng lao động tham gia vào quá trình chế biến thực phẩm được tăng lên và thay đổi liên tục.
Nâng cao nhận thức trong đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hành tốt trong chế biến thực phẩm cho lực lượng lao động này là rất cần thiết.
Dịch vụ chuyển phát đồ ăn nhanh nở rộ cùng nhu cầu của người dân đặt thêm thách thức cho vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm. (Ảnh minh họa: Getty) |
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định, an toàn thực phẩm cần có sự chung tay góp sức của tất cả mọi người từ những người trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, ăn uống và đặc biệt là người tiêu dùng. Ở quy mô quốc tế, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2018 đã lựa chọn ngày 7/6 hằng năm là Ngày An toàn Thực phẩm thế giới và năm 2019 này là năm đầu tiên tổ chức kỷ niệm. Đứng trong xu hướng chung toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực để thu hút sự quan tâm của cộng đồng và nâng cao nhận thức về nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cùng với các đối tác đang triển khai thực hiện các mục tiêu tăng cường các hoạt động truyền thông trong cộng đồng về an toàn thực phẩm và khuyến khích các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống liên tục tự bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm và tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm”, bà Nga nhấn mạnh.
Chiều 25/4, tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm và Grab thông qua GrabFood đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác, nhằm phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh an toàn thực phẩm đến các đối tác nhà hàng đối tác, các tài xế vận chuyển thực phẩm và người tiêu dùng.
Cụ thể, các hoạt động thuộc năm đầu tiên năm trong khuôn khổ hợp tác ba năm bao gồm: Các lớp tập huấn cho các đơn vị nhà hàng, với mong muốn người kinh doanh tiếp cận hơn và thực hành đúng về an toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm sẽ phân phối 6.000 tài liệu hướng dẫn an toàn thực phẩm tới sáu tỉnh, thành là các thành phố lớn tập trung đông dân cư, nhà hàng và quán ăn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng…
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói: “Trong những năm gần đây, công tác truyền thông về an toàn thực phẩm đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục An toàn thực phẩm vì đây sẽ là kênh trao đổi thông tin chính thống giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chúng tôi định hướng phát triển và hy vọng rằng các doanh nghiệp khác tại Việt Nam cũng thực hiện để cùng hỗ trợ chính phủ trong công tác tuyên truyền và giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm”./.
Nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm tại TPHCM
Đà Nẵng: Nhiều giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm từ quận, huyện