Đến phòng khám nam khoa rèn... bản lĩnh phòng the
"Súng" mềm, lên mụn, phải "trốn vợ". "Thằng nhỏ" thấp bé, chẳng dám "vui" cùng ai. Mày râu với 1.001 nỗi buồn len lén trong tâm phải đấu tranh tư tưởng dữ dội mới vượt e ngại, đến nơi này...
Trút bỏ "gánh nặng ngàn cân"
Phòng khám Nam khoa Ánh Sáng (số 4, toà nhà A2 đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) chiều 18/5, 3 buồng khám lần lượt tiếp bệnh nhân đến theo giờ hẹn trước. Có người kín đáo vào phòng khám theo... cửa sau, có bác sĩ mình chọn đang chờ.
BS.Nguyễn Bá Hưng cho biết, trước khi đến đây, các bệnh nhân đều phải đấu tranh tư tưởng dữ dội để chiến thắng nỗi e ngại "lộ bệnh hiểm". Trong số họ, không phải ai cũng đi khám bệnh để giải quyết hậu quả những cuộc "du hí ngoài luồng" không bảo vệ.
Sáng nay, có hai "mày râu" dũng cảm đến bác sĩ nhờ giúp tập luyện, hỗ trợ cho "thằng nhỏ" khắc phục kích cỡ "khiêm tốn", để làm đẹp lòng vợ.
BS.Hưng cũng trò chuyện với 1 đôi vợ chồng cưới đã 3 tháng, nhưng cô dâu còn zin. Chồng bị "hẹp cổ áo" (bao quy đầu), lại chưa học nghệ thuật "dạo đầu"; vợ thì lúc nào cũng co rúm ngay khi chồng tỏ "ý định", nên trận nào cũng thất bại, lại đau thê thảm.
Cơ quan nào của cơ thể cũng có những lúc trục trặc. Không phải ai bị bệnh đàn ông cũng đều do ăn chơi hay làm chuyện bậy bạ. Nên nhìn nhận đúng, vượt qua những quan niệm cũ về sức mạnh đàn ông, đến bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân, chữa trị đến nơi đến chốn để bảo vệ sức khoẻ bản thân và hạnh phúc gia đình, trước khi quá muộn. |
Một bệnh nhân khác, trông rất "đô con", đến cầu cứu bác sĩ sau gần hai năm "trốn" ngủ với vợ ( nếu không " trốn" được thì đành tặc lưỡi cho đối tác một màn kịch phòng the vừa nhạt, vừa không có "phần kết"). "Khẩu AK" của anh cứ về nhà là mềm oặt, nhưng hễ ra ngoài, hay vào toiilet thì lại giở chứng, "giương cờ" oai phong!
Bệnh nhân khám kế đó thì cuống cuồng từ hôm trước, sau khi uống một viên thuốc bạn tặng trong chuyến đi Pháp, cố "mây mưa" mấy trận rồi mà "nó" vẫn cứ "ép-phê".
Sáng cùng ngày, các bác sĩ phòng khám Ánh Sáng làm thủ thuật tháo bi (bằng silicon dẻo, cấy ở một trung tâm thẩm mỹ, không có chuyên môn y học) ra khỏi quy đầu (phần đầu của dương vật) cho một thanh niên, kết thúc cho anh hơn 1 tháng đau nhức bởi phản ứng cơ thể đào thải dị vật.
Một tiểu phẫu nối "phanh" (phần gân nối quy đầu với gốc dương vật, bị đứt, gây đau đớn) cho một bệnh nhân quá "sung" lúc lâm trận cũng vừa xong.
Những ca "chữa cháy" do tình dục "quên bao cao su" chiếm tỷ lệ lớn trong các bệnh nhân của Phòng khám Ánh Sáng. Ngứa, rát đỏ quy đầu; tiểu buốt, ra dịch nhầy, chảy mủ; mọc mụn nhỏ xù xì và ngứa ở dương vật, bìu và quanh hậu môn... Chỉ khi thấy những triệu chứng này, mày râu "điếc không sợ súng" mới cuống cuồng nghĩ đến lậu, giang mai, sùi mào gà... và dĩ nhiên, HIV mình rước phải sau những cuộc "mây mưa" với bạn tình không quen biết.
Điện thoại "Bác sĩ ơi!"
BS. Nguyễn Thu Giang (Phó GĐ Tổ chức phát triển cộng đồng Ánh Sáng, số 4 toà nhà A2 Nguyễn Khánh Toàn) cho biết, mỗi ngày cơ sở này đón 30-45 người đến khám và tư vấn; non nửa ở tuổi trên 35.
Số này không nhiều so với lượng bệnh nhân "khám qua điện thoại" ở đây, thường ở tuổi trung niên. Mỗi ngày, từ 8h sáng đến 8h tối, đường dây nóng 04-9156791 (tư vấn riêng cho nam giới tuổi trung niên) và 04-2696262 (tư vấn sức khoẻ - giới tính - tình dục, ra đời nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Sức khoẻ gia đình Quốc tế, FHI) tiếp nhiều chục cú điện thoại "kể" bệnh đàn ông từ khắp nước.
Nhiều bệnh nhân, nhờ những cuộc điện thoại này, đã tự đánh giá bệnh trạng của mình, thậm chí tự điều trị thành công.
Một điều dễ nhận ra là, bệnh nhân "khám qua điện thoại" thường mặc cảm, không đủ bản lĩnh "lộ diện" ở một phòng khám nam khoa (dù kín đáo tuyệt đối), càng không dám đến một chuyên khoa nam học của một bệnh viện, nơi đông người ra vào.
Với những người lần đầu tiên gọi điện đến phòng khám, sự thể giống như trời sập đến nơi. Nỗi hoang mang và xấu hổ vì "sự đau yếu" của "cái là biểu tượng nam tính" khiến tâm lý họ rối loạn; bệnh nhân thường suy diễn, kể sai triệu chứng bệnh với bác sĩ, không chịu đến khám lâm sàng khi bệnh nặng, thậm chí đã tự ý điều trị bằng các loại thuốc trôi nổi khiến bệnh thêm trầm trọng.
"Trong khi thanh niên, nhờ sống trong xã hội hiện đại, cởi mở với các vấn đề tình dục nên dễ gạt e ngại đi khám, trị bệnh nam khoa, thì các trung niên, do nhiều năm chịu tác động của xã hội "đóng băng" với kiến thức giới tính, chỉ xin can thiệp y tế khi "sự thể" đã trầm trọng" - một chuyên gia ở Phóng khám Ánh Sáng, GS. Đỗ Trọng Hiếu nói.
Theo GS. Hiếu, có đến 70 - 80% bệnh nhân xin tư vấn qua điện điện thoại về các vấn đề liên quan đến rối loạn cương (đây cũng là nguồn gốc bi kịch gia đình họ); số còn lại thắc mắc về tình dục an toàn. Tuy nhiên, họ thường nhấc máy rất muộn so với "sự cố" đầu tiên.
Ví dụ, một người đàn ông đã ly dị, với lý do vợ "đi hoang", truyền bệnh lậu cho mình và con nhỏ. Sau cú điện thoại tư vấn mới đây, mới đau xót nhận ra, thủ phạm chính là mình, đã rước vi trùng về sau những cú "đổi gió" có phòng vệ, trừ khâu... "khởi đầu miệng" với gái bán dâm.
Một trung niên 51 tuổi thành đạt, không bệnh, 18 năm nay không được vợ đồng ý cho "lâm trận". Sau khi xin tư vấn qua điện thoại và khám lâm sàng cả hai vợ chồng, mới được phát hiện: chị được khâu âm đạo quá kỹ sau sinh, khiến chồng không thể "vào". Tiếc là khi phát hiện ra căn nguyên, tuổi trẻ của anh chị đều đã qua, chị đã mãn kinh, không thể sinh con thêm.
Nhiều ông khác, bị vợ lạnh nhạt, nghi ngờ cả chục năm do hiện tượng khó cương, xuất tinh sớm hoặc "xìu" giữ lúc lâm trận, khi "nhiệm vụ" còn "dang dở"...
Theo GS.Hiếu, sự thể sẽ không nghiêm trọng đến thế nếu mày râu rũ bỏ tâm lý ngán ngại, cởi mở thổ lộ rối loạn của mình cho bạn đời để cải thiện đời sống phòng the và giữ hạnh phúc lứa đôi.
Cuộc cách mạng từ "rón rén" đến "rảo bước"
Theo TS tâm lý Trịnh Hoà Bình (Viện Xã hội học, Trung tâm nghiên cứu Xã hội - Nhân văn Quốc gia), thật dễ giải thích tâm lý đau khổ giữ bệnh, e ngại đi trị bệnh nam khoa của đàn ông. Luôn khoe khoang về một "thằng nhỏ lực sĩ" nhưng từ trong sâu thẳm lòng mình, mày râu lưu giữ sự tự ti muôn thuở về một "thằng nhỏ" có lúc "hắt hơi sổ mũi" hoặc không được "hùng dũng" như mong muốn.
Vì vậy, những vị buộc phải bước chân đến phòng khám nam khoa luôn tự coi mình "mất điểm" trước bàn dân thiên hạ về sức mạnh đàn ông và khả năng "cai trị" chốn phòng the.
Một nguyên nhân khác,"nặng ký" hơn cả sĩ diện đàn ông, khiến mày râu nghiến răng mặc kệ "thằng nhỏ trục trặc", là "barie" dư luận xã hội. Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá đạo Khổng (coi tình dục là chuyện uế tạp, "thiếu sang trọng", chuyện liên quan "của quý" không được phép trưng ra). Trong khi đó, như ở nhiều nước khác, bộ phận ấy lại vẫn được coi biểu tượng sức mạnh đàn ông, thậm chí được coi là sự phồn thực và thờ phụng ở nhiều nơi (nhất là khu vực miền Trung). Nên người đàn ông đi chữa bệnh nam khoa, do "ốm" thật hay bởi hậu quả "trót dại ăn chơi", đều phải chui lủi để "trốn" cái nhìn lạnh lùng, khích bác của xã hội.
Chưa kể, theo BS.Nguyễn Thu Giang, hệ thống cơ sở chuyên về nam học ở Việt Nam còn quá mỏng (trong khi mạng lưới chăm sóc sức khoẻ cho chị em rất rộng lớn, về đến tận thôn, xã). Những cơ sở thu hút đông bệnh nhân nhờ ưu thế kín đáo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ nam giới vẫn còn ở mức "sơ khởi", số đông mày râu đành liều chọn các phòng khám tư không có chuyên môn về nam học, dẫn đến nhiều "sự cố" đáng tiếc.
TS.Trịnh Hoà Bình nói, không khó để mày râu gạt bỏ mọi cản ngại, tự tin tìm đến các cơ sở chuyên điều trị bệnh nam giới ngay khi phát hiện "trục trặc" sức khoẻ. Lấy dẫn chứng về thái độ ngượng ngập của người dân với bao cao su, vòng và thuốc tránh thai cách đây không lâu, khi quốc sách KHHGĐ mới bắt đầu khởi động, anh cho rằng, thay đổi thái độ của xã hội với khám, trị bệnh nam khoa không khó nếu sẵn sàng đầu tư, trước tiên là tuyên truyền.
Xã hội hiện đại rất bình đẳng, lại cởi mở hơn, không lẽ nam giới (người được trao nghĩa vụ "cầm trịch" trong phòng the) lại phải giấu diếm việc chăm sóc sức khoẻ, cũng là chăm sóc đời sống "phòng the" của cả đôi vợ chồng?
Nên, theo TS.Bình, mỗi "quý ông", trước khi tôi luyện bản lĩnh đàn ông, hãy rèn quyết tâm... rảo bước đến cơ sở chuyên khoa nam ngay khi sức khoẻ có chút bất ổn./