Dùng thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh: đúng hay sai?
VOV.VN - Có những bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc kháng virus nhưng họ không dùng mà quay sang sử dụng thực phẩm chức năng…
Trong khi việc quản lý giá và chất lượng của thực phẩm chức năng vẫn là thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước thì hiện nay những vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng lại diễn ra phổ biến, góp phần dẫn đến xu hướng lạm dụng những sản phẩm này của không ít người dân. Thực tế đang đòi hỏi công tác thanh tra, kiểm tra thị trường thực phẩm chức năng cần được tăng cường hơn nữa trước tình trạng thực phẩm chức năng được quảng cáo quá công dụng.
Xu hướng lạm dụng thực phẩm chức năng
Chưa bao giờ thực phẩm chức năng lại nhiều chủng loại như hiện nay, cả nước có tới hơn 7.000 sản phẩm. Người dân, nhất là những người mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo bị “bao vây” bởi những chiêu thức quảng cáo gây hiểu nhầm rằng thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thậm chí được quảng cáo quá lời thành thần dược, chữa bách bệnh. Các nhà phân phối sản phẩm với đủ mọi chiêu thức bán hàng từ tiếp cận trực tiếp, bán hàng đa cấp đến tư vấn, bán hàng qua mạng internet đã khiến nhiều bệnh nhân rơi vào cảnh đói nghèo vì vừa tốn tiền điều trị vừa mua đủ loại thực phẩm chức năng với hy vọng bảo toàn mạng sống. Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tình trạng bệnh nhân lạm dụng thực phẩm chức năng ngày càng nhiều: “Có khá nhiều bệnh nhân của chúng tôi sử dụng thực phẩm chức năng. Nguồn thông tin mà bệnh nhân tiếp nhận chủ yếu là truyền miệng và qua quảng cáo, chứ không phải từ các bác sỹ chuyên về dinh dưỡng nên có tình trạng sử dụng không đúng. Có những bệnh nhân cho rằng thực phẩm chức năng có tác dụng thần kỳ, thậm chí là hơn thuốc. Các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính thường tìm đến thực phẩm chức năng, trong chuyên ngành của chúng tôi thấy các bệnh nhân viêm gan hay dùng thực phẩm chức năng. Có những bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc kháng virus nhưng họ không dùng mà quay sang sử dụng thực phẩm chức năng và đến khi bệnh quá nặng mới nhập viện thì đã muộn rồi” .
Được cho là mặt hàng kinh doanh siêu lợi nhuận vì giá bán không có mức trần và doanh nghiệp tự kê khai giá, đường đi của thực phẩm chức năng chủ yếu là bán hàng đa cấp. Qua đây, không ít gian thương dùng mọi lời lẽ, thủ đoạn để khách hàng tin tưởng tuyệt đối vào sản phẩm, từ đó bán được nhiều hàng. Cũng từ đây, giá trị ảo của thực phẩm chức năng bị đội lên rất nhiều so với thực tế.
Ông Hà Hồng Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và sản xuất Âu Cơ cho biết, thông qua những vi phạm trong quảng cáo của hệ thống phân phối và đội ngũ maketting, công năng của nhiều loại thực phẩm chức năng đã vượt xa sự mong đợi của nhà sản xuất: “Mỗi maketting, trình dược viên đều muốn bán được hàng nhưng họ lại nhận thức khác nhau. Khi trao đổi với khách hàng nhiều người nói quá công dụng của sản phẩm. Có trường hợp lợi dụng quảng cáo để nói sai sự thật. Tôi không đồng tình với cách làm đó vì khi sản phẩm có vết (quảng cáo sai sự thật bị xử lý) thì ảnh hưởng đến sản xuất.”
Tuần nào cũng phát hiện vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng
Hiện nay, việc quản lý chất lượng thực phẩm chức năng đang là thách thức lớn đối với cơ quan chức năng khi chuyển từ quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm chất lượng. Trong khi đó, những vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng đang xuất hiện tràn lan. Truy cập internet, vào google chỉ cần gõ cụm từ “thực phẩm chức năng” sẽ hoa mắt với 1.150.000 kết quả trong 0,34 giây. Hầu hết là các website quảng cáo thực phẩm chức năng, mời chào trực tuyến. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng thừa nhận, khó kiểm soát được hết các hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là quảng cáo trá hình: “Đúng là hiện nay có nhiều doanh nghiệp thực hiện không đúng các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng. Muốn toàn xã hội hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm chức năng thì người dân phải thông thái, lựa chọn sản phẩm theo chỉ dẫn của những người có chuyên môn về y tế, còn người sản xuất thì phải làm đúng. Cơ quan chức năng phải hiểu thực phẩm chức năng là gì để ra được các quy định tiêu chuẩn để tránh nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng với thuốc.”
Đối phó với “cơn bão” quảng cáo thực phẩm chức năng, từ đầu năm 2014, Bộ Y tế đã triển khai chuyên đề tăng cường thanh tra, kiểm tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Kết quả cho thấy, không chỉ phát hiện những sản phẩm kém chất lượng, chứa chất cấm, mà tuần nào Thanh tra Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm cũng phát hiện ít nhất 5 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng. Đó là chưa kể những vi phạm được các cơ quan chức năng khác và các tỉnh, thành phố phát hiện.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết: “Gần đây, ngoài những vi phạm về chất lượng sản phẩm còn có những vi phạm về nhãn, mác ghi không đúng quy định, cường điệu hóa công dụng, ghi sai địa chỉ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là sai phạm về quảng cáo, với 2 nhóm hành vi nhiều nhất là không đăng ký nội dung đăng ký hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Ngoài ra, còn gặp một số trường hợp vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc chữa bệnh, đây là hành vi bị pháp luật cấm vì thực phẩm chỉ hỗ trợ điều trị bệnh chứ không có tác dụng chũa bệnh. Hiện nay, trên wesite của Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm, chúng tôi liên tục cập nhật các trường hợp vi phạm”.
Trước những khó khăn của việc quản lý thực phẩm nói chung và thực phẩm chức năng nói riêng, từ đề xuất của Bộ Y tế, Chính phủ đã cho phép thành lập thí điểm lực lượng thanh chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, huyện, phường, xã tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay. Lực lượng được ví là “cánh tay nối dài” này sẽ phát huy tốt chức năng kiểm tra, giám sát thực phẩm chức năng nói riêng và đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung tại các địa phương./.