Gia tăng các ca bệnh mùa Đông Xuân, bác sỹ “mách” cách phòng tránh
VOV.VN - Mùa Đông Xuân là điều kiện để virus, vi khuẩn tồn tại phát triển, trong đó, virus viêm đường hô hấp gây ra các bệnh như cúm A, cúm B, virus hợp bào hô hấp. Hay có những loại virus gây ra biến chứng nặng như viêm phổi nặng là sởi, thủy đậu, tay chân miệng.
Gia tăng ca mắc bệnh mùa Đông Xuân
Chị N.A.T. (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, bé nhà chị 4 tháng tuổi vừa được chẩn đoán mắc bệnh viêm đường hô hấp do virus hợp bào (RSV). Trước đó, vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán (15/2 dương lịch) chị thấy bé có những biểu hiện như ho, sốt, khó thở. Chị đã đưa con đến bệnh viện gần nhà để thăm khám.
“Tại đây bác sỹ cho biết bé bị nhiễm virus RSV. Bệnh này sẽ khiến trẻ dễ bị viêm phổi, viêm phế quản nên gia đình đã quyết định cho con nhập viện để tiện theo dõi và điều trị”, chị N.A.T nói.
Bé 3 tháng tuổi con của chị M.P.H. (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cũng rơi vào tình trạng bệnh tương tự. Chị H. nói rằng cách đây vài ngày, chị thấy bé có biểu hiện sốt cao, ho đờm nhiều, chảy nước mũi, thỉnh thoảng thấy con phải hít vào sâu rồi thở ra. Lo lắng cho sức khỏe của con nên gia đình đã đưa bé đến bệnh viện để thăm khám, làm các xét nghiệm thì được bác sĩ chẩn đoán viêm phổi do virus hợp bào hô hấp”.
“Trong quá trình nhập viện, cháu được các bác sĩ, điều dưỡng tận tình điều trị, theo dõi, tình trạng sức khỏe đã ổn hơn, các triệu chứng của con cũng đỡ đi nhiều. Dự kiến cuối tuần này con có thể được xuất viện”, chị H. cho biết.
Virus hợp bào hô là một trong những những bệnh xuất hiện vào cuối Đông đầu Xuân và bệnh thường gặp ở trẻ em. Cúm A và Covid-19 gặp ở người lớn. Thời tiết nồm ẩm càng tạo điều kiện cho những loại virus này có điều kiện hình thành và phát triển.
Phòng tránh bệnh mùa Đông Xuân
Theo bác sĩ Lại Thanh Hà – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn, mùa Đông Xuân là điều kiện để virus, vi khuẩn tồn tại phát triển, trong đó, virus viêm đường hô hấp gây ra các bệnh như cúm A, cúm B, virus hợp bào hô hấp. Ngoài ra còn có những virus có khả năng gây ra những biến chứng nặng như viêm phổi nặng là sởi, thủy đậu, tay chân miệng.
“Ngoài ra, khoảng thời gian này, người dân có xu hướng tụ tập, tham gia lễ hội nhiều hơn. Do đó cha mẹ cần chủ động phòng tránh các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ”, bác sĩ Lại Thanh Hà cho biết.
Theo bác sĩ Lại Thanh Hà, để phòng bệnh cho trẻ nhỏ việc đầu tiên là giữ ấm cho trẻ trong điều kiện thời tiết trưa ấm, sáng tối lạnh. Thứ 2 là đeo khẩu trang phù hợp cho trẻ mỗi khi đi ra đường. Thứ 3 là áp dụng cách phòng bệnh đặc hiệu cho trẻ đó là tiêm cho trẻ những loại vaccine theo quy định, đầy đủ và đúng lịch.
“Việc tiêm vaccine rất quan trọng, khi trẻ được tiêm vaccine đầy đủ thì tỷ lệ mắc bệnh viêm đường hô hấp có thể gây biến chứng nặng như sởi, thủy đậu, cúm A (khả năng gây viêm phổi nặng), rubella, tay chân miệng…cũng sẽ được hạn chế”, bác sĩ Thanh Hà cho biết.
Với người lớn, trong thời gian này để hạn chế việc mắc bệnh và hạn chế quá trình lây nhiễm thì phải tuân thủ theo những khuyến cáo, chủ động phòng bệnh không đặc hiệu như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, rửa tay, vệ sinh sạch sẽ, khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh về đường hô hấp cần đeo khẩu trang, và giữ khoảng cách, sát khuẩn tay, rửa tay sau khi tiếp xúc với những người bệnh.
Thứ 2 là phòng bệnh đặc hiệu đó là tiêm các loại vaccine đúng lịch và đầy đủ. Ngoài ra, thời tiết nồm ẩm, lưu thông không khí không thoáng nên số lượng virus trong các hạt nước nhiều hơn, do đó cần tránh tiếp xúc đông người. Khi phát hiện bệnh đến cơ sở y tế sớm để được tư vấn và được theo dõi.
“Nếu mắc các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây thành dịch như thủy đậu, sởi, rubella, cúm A… Đây là những bệnh gây ra biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao. Do đó khi phát hiện bệnh, người bệnh cần sớm cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng”, bác sỹ Hà khuyến cáo.