Hen phế quản khi mang thai

Những người bị bệnh hen phế quản khi mang thai nếu để bị lên cơn hen sẽ rất nguy hiểm vì có thể gây thiếu ôxi cho thai nhi.

Do đó những phụ nữ bị hen phế quản khi mang thai cần được khám theo dõi đều đặn và cần được bác sĩ tư vấn, chỉ định điều trị để kiểm soát tốt bệnh hen phế quản để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Trước khi có thai

Khi biết mình bị bệnh hen phế quản hoặc có tiền sử bị hen phế quản, phụ nữ trước khi có ý định mang thai cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị và điều trị dự phòng trước khi có thai.

Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ, bạn cần phải luôn chú ý tránh tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn hen như: Khói thuốc lá, khói thuốc lào; Lông súc vật chó, mèo…; khói bếp, đặc biệt là khói bếp than; Các loại nước xịt có mùi hắc, bao gồm cả nước hoa, thuốc xịt diệt côn trùng…; Tránh ăn các thức ăn lạ có nguy cơ gây dị ứng như: cua biển, tôm, các hải sản lạ; Luôn giữ cho không khí trong nhà thoáng, khô.

Trong thời gian mang thai

Trong thời gian mang thai cần phải đảm bảo bệnh hen điều trị và kiểm soát tốt, đặc biệt không để thai phụ bị lên cơn hen. Bởi vì, phụ nữ mang thai bị hen nặng và không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến sinh non, phải mổ lấy thai, cao huyết áp, tiền sản giật, thai kém phát triển, các biến chứng chu sinh… có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ và con.

Mục đích của việc điều trị hen trong lúc mang thai là ngăn chặn những cơn thiếu ôxy cho mẹ giúp cung cấp ôxy đầy đủ cho thai nhi. Điều trị tối ưu bệnh hen trong lúc mang thai bao gồm: kiểm soát chức năng hô hấp, tránh các yếu tố gây kích phát cơn hen, tư vấn cho người bệnh, điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp duy trì chức năng phổi bình thường. Việc điều trị bằng thuốc cần tuân theo nguyên tắc sử dụng lượng thuốc thấp nhất có hiệu quả để kiểm soát bệnh hẹn.

Trên thực tế, trong số các bệnh nhân mang thai bị hen phế quản thì khoảng 1/3 số thai phụ này hen phế quản không thy đổi so với trước khi có thai, 1/3 số thai phụ khác thì thấy triệu chứng của hen phế quản có vẻ cải thiện hơn và 1/3 số còn lại thì bệnh hen nặng lên, đặc biệt là ở các bệnh nhân hen trước đó không được điều trị tốt bệnh hen hay có các cơn hen nặng.

Từ tháng 7 của thai kỳ, phụ nữ có thai cần được theo dõi thường xuyên ở cơ sở y tế vì thai lúc này đã to, nhu cầu ôxy cũng tăng lên.

Tóm lại, phụ nữu mang thai bị bệnh hen cần đi khám thai đầy đủ, có lịch làm việc, nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, và điều quan trọng là luôn luôn phải đảm bảo bệnh hen đã được kiểm soát tốt dưới sự tư vấn, hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên