Học song ngữ tốt cho trẻ tự kỷ
VOV.VN - Dạy trẻ nói 2 ngôn ngữ (song ngữ) có thể giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức hay di chứng của tai biến mạch máu não.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Autism Research, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Geneva (Thụy Sĩ), Cambridge (Anh) và Thessaly (Hy Lạp) cho rằng, việc dạy trẻ nói 2 ngôn ngữ có thể giúp làm giảm bớt một số khía cạnh của chứng tự kỷ, chứng rối loạn phát triển thần kinh ảnh hưởng đến hơn 1% trẻ em.
Các nhà khoa học đã tìm cách xác định xem liệu tác động của song ngữ ở trẻ không mắc chứng tự kỷ có giống nhau ở trẻ tự kỷ hay không. Một số nghiên cứu đã thực sự chỉ ra rằng trẻ em không mắc chứng tự kỷ có thể nói được nhiều hơn một ngôn ngữ phát triển một số kỹ năng nhất định cao hơn so với trẻ em chỉ nói một ngôn ngữ. Những kỹ năng này liên quan đến “thuyết tâm trí” và “chức năng điều hành”.
Đây đều là những kỹ năng còn thiếu ở trẻ tự kỷ. “Thuyết tâm trí” bao gồm sự hiểu biết niềm tin, cảm xúc, ý định và mong muốn của người khác, và chức năng điều hành bao gồm các quá trình nhận thức cần thiết để kiểm soát suy nghĩ, hành vi và được định hướng theo mục tiêu.
Thể dục trí não
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hàng trăm trẻ tự kỷ từ 6 đến 15 tuổi, gần một nửa trong số đó nói được hai thứ tiếng, để đánh giá các năng khiếu khác nhau của trẻ. Trẻ biết 2 ngôn ngữ trả lời đúng 76% cho các nhiệm vụ lý thuyết về tư duy (so với 57% ở trẻ em chỉ nói một ngôn ngữ). Đối với các nhiệm vụ liên quan đến “chức năng điều hành”, trẻ em song ngữ có thể thực hiện gấp đôi so với trẻ chỉ nói một ngôn ngữ.
Theo nhà nghiên cứu người Hy Lạp Eleni Peristeri, việc nói được 2 ngôn ngữ đòi hỏi đứa trẻ trước tiên phải làm việc dựa trên những năng lực liên kết trực tiếp với lý thuyết về tâm trí. Điều đó có nghĩa là, trẻ phải thường xuyên lo lắng về việc “biết” người khác, ví dụ như quan tâm tới việc người đối thoại có nói được tiếng Hy Lạp hay tiếng Albania không? Tôi nên nói chuyện với anh ấy bằng ngôn ngữ nào? Sau đó, trong bước thứ hai, đứa trẻ kêu gọi các chức năng điều hành của mình bằng cách tập trung sự chú ý vào một ngôn ngữ, trong khi ức chế ngôn ngữ thứ hai.
Do đó, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng môn thể dục trí não này có tác dụng hỗ trợ tích cực đối với những thiếu hụt liên quan đến chứng rối loạn tự kỷ. Và đây cũng có thể là hy vọng cho các gia đình song ngữ mà con mắc chứng tự kỷ. Bởi các gia đình song ngữ thường có xu hướng từ bỏ việc sử dụng một trong hai ngôn ngữ để không làm cho việc học ngôn ngữ của trẻ trở nên phức tạp hơn. Theo Nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Stéphanie Durrleman, khác với suy nghĩ trước đây cho rằng có thể khiến trẻ tự kỷ gặp khó khăn, song ngữ có thể giúp trẻ vượt qua một số khía cạnh của chứng rối loạn nhận thức, với việc coi đây như một liệu pháp tự nhiên./.