Indonesia phát triển “vòng cổ chống Covid-19” gây hoang mang dư luận

VOV.VN - Bộ Nông nghiệp Indonesia vừa tuyên bố sẽ phát triển hàng loạt "vòng cổ chống Covid-19" làm từ thảo dược vào tháng 8 tới.

"Vòng cổ chống Covid-19" là một trong bốn sản phẩm được phát triển bởi các nhà nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Indonesia nhằm ngăn chặn và điều trị virus corona. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia, ông Syahrul Yasin Limpo, vòng cổ này được làm từ lá bạch đàn, trong thử nghiệm có khả năng kháng khuẩn và chống virus.

Tuyên bố này đang gây hoang mang dư luận tại quốc gia đang là "ổ dịch Covid-19" lớn nhất khu vực Đông Nam Á này. 

Sản phẩm "vòng cổ chống Covid-19" của Indonesia. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp Indonesia)

Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Indonesi, sử dụng "vòng cổ chống Covid-19" trong 15 phút có thể tiêu diệt 42% virus, và sử dụng trong vòng 30 phút có thể tiêu diệt được 80-100% virus corona. Như một lời khẳng định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết, ông đã sử dụng sản phẩm này và tự tin đến chỗ đông người. Đồng thời, sản phẩm trên đã được sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19 là nhân viên của Bộ này và kết quả cho thấy tỷ lệ phục hồi cao. 

Lời khẳng định của Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia vấp phải những ý kiến hoài nghi của các nhà chuyên gia. Ông Heratiati Sudoyo, Phó giám đốc Viện nghiên cứu sinh học phân tử Indonesia (Ejikman) cho rằng, việc sản xuất "vòng cổ chống Covid-19" sẽ gây ra hoang mang cho xã hội trong bối cảnh thế giới vẫn chưa tìm ra cách chữa trị căn bệnh này. Ông cũng lưu ý phải mất một thời gian dài để phát triển thuốc hay vaccine để đối phó với đại dịch toàn cầu, trong khi nghiên cứu về tác dụng của lá bạch đàn vẫn chỉ ở mức cơ bản của mô hình phân tử.

Nhà dịch tễ học Dicky Budiman từ Đại học Griffith, Australia tin rằng, không có sự liên quan giữa "vòng cổ chống Covid-19" của Indonesia và sự lây nhiễm virus corona. Bởi theo ông, Covid-19 lây nhiễm bởi cơ chế giọt bắn thông qua tiếp xúc với mắt, mũi và miệng. Theo ông Dicky, chính phủ Indonesia nên tập trung vào các chiến lược đã được chứng minh rất rõ ràng về mặt khoa học và cả những diễn biến mới nhất của đại dịch tại Indonesia, cụ thể là xét nghiệm, truy tìm và cách ly các ca dương tính thay vì sản xuất các sản phẩm bạch đàn nhằm mục đích ngăn chặn virus corona có khả năng gây ra hiểu lầm trong nhận thức cộng đồng về đại dịch.

Về phát minh này của Bộ Nông nghiệp, Hiệp hội bác sĩ Indonesia cho rằng, cần có thêm nghiên cứu để chứng minh và thuyết phục về hiệu quả của vòng cổ này như một sản phẩm chống virus. 

Cư dân mạng những ngày qua cũng bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của sản phẩm này thông qua Hashtag #KalungAntiBego (Vòng cổ chống virus ngu ngốc) hiện đang đứng đầu xu hướng Twitter của Indonesia.

Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia đang là "ổ dịch" Covid-19 lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 63.749 ca mắc Covid-19 và 3.171 trường hợp tử vong. Nước này hiện cũng đang nghiên cứu và phát triển vaccine Covid-19 cho nhu cầu nội địa, dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2021./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên